Giọng ca nổi tiếng những năm kháng chiến cho biết, cậu con trai cả của ông tài năng, đạo đức, biết lăn lộn với nghề nhưng chưa có tính chiến sĩ trong tính nghệ sĩ, vẫn còn bị cái thực dụng của thời đại ảnh hưởng tới.
- Con tằm đến chết vẫn còn vương tơ, vừa trải qua cơn bạo bệnh ông đã quay lại với việc dạy học. Điều gì khiến ông cứ miệt mài như vậy?
- Gia đình tôi bị bệnh tiểu đường di truyền. Tôi phải lọc máu từ sáu, bảy năm nay rồi. Quá trình lọc máu làm cho tim chạy nhanh, động mạch chính bị hẹp lại đâm ra bị thêm bệnh tim. Tôi vừa phải vào viện nang động mạch, bây giờ sức khỏe đã ổn định hơn chứ hai tháng trước thì yếu lắm. May mà có choáng váng chút ít nhưng đầu óc tôi vẫn rất tỉnh táo. Tôi lo sau này người béo như Chí Trung cũng dễ bị mắc bệnh, nhắc nhở suốt ngày nhưng anh ấy vẫn nhơn nhơn. Anh ấy bảo: "Con khỏe, chẳng việc gì phải đi khám bệnh".
Năm nay tôi đã 74 tuổi, không thể hát nữa, việc dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia cũng đành xin thôi vì mỗi khóa dạy sinh viên thường là 8 năm, tôi e mình không còn đủ thời gian để bám một học sinh từ khi bắt đầu đến khi thành tài. Đang dạy mà đã “đi Văn Điển” bỏ học sinh bơ vơ dang dở thì nghĩ áy náy lắm. Tôi xoay sang dạy bổ túc cho những người đã tốt nghiệp vì không ít ca sĩ vẫn còn chập choạng hướng đi. Khi học trong trường với khi đi hát ở bên ngoài khác nhau nhiều lắm. Phải dung hòa tính học thuật với tính thị trường, sao cho ngọt ngào dễ đi vào lòng người. NSND Quý Dương mới trải qua cơn bạo bệnh.
- Thị trường âm nhạc hiện nay so với thời của ông có gì khác?
- Tôi thấy nó đang phát triển và phải nói là phát triển rất mạnh mẽ. Chỉ tiếc một điều, như một con người - khi vào tuổi lớn hay thích những thứ xô bồ, chóng vánh, thứ có chiều sâu lại không được phát huy. Phe nhạc trẻ với những tiết tấu sôi động đang lấn át. Khán giả càng ngày càng dễ dãi hơn, họ không có thời gian để nghiền ngẫm.
Những ngày gian khổ theo bộ đội vào Nam kháng chiến đã cho lớp người chúng tôi một trách nhiệm, một lối sống. Những người làm công tác văn hóa, nghệ thuật khi đó cũng được coi là chiến sĩ. Nếu không có tâm hồn chiến sĩ, không thể hoàn thành công việc đem lời ca tiếng hát động viên mọi người. Tôi biết ơn những ngày gian khổ đó vì nó giúp tôi hiểu giá trị giọng hát của mình. Khi về trường dạy, tôi vẫn mang phẩm chất chiến sĩ, mong muốn động viên những thế hệ kế tiếp mình nhưng nhiều học sinh không theo đường hướng mình vạch ra. Bây giờ các ca sĩ hát mà không xác định lý tưởng. Tôi lo những nghệ sĩ trẻ nếu không tu dưỡng sẽ sa vào chủ nghĩa cá nhân, nghĩ đến sự hưởng thụ và danh vọng. Chúng ta quen kiểu tâng bốc thổi nhau lên cao, không phải của quý cũng nâng thành của quý.
Thực ra các ca sĩ hiện nay, nếu nói về kỹ thuật thì còn hơn thế hệ chúng tôi rất nhiều vì có điều kiện đào tạo hơn, chất giọng cũng tốt. Nhưng những người theo hướng dễ dãi lại thành công hơn những người lao động nghiêm túc. Vì thế, các ca sĩ vốn định nghiêm túc cũng bị nản lòng. Tôi thấy buồn vì nhiều người trẻ tìm cách tạo dựng tên tuổi bằng những cách rất rẻ tiền như tạo scandal, mua chuộc người viết…
- Nổi tiếng và luôn trăn trở với nghề, tại sao ông không hướng các con theo nghề của mình để đào tạo nên một người như ông mong muốn?
- Tôi tôn trọng quyết định của các con. Chí Trung từng bảo: "Con muốn vượt nhưng vượt qua bố hơi khó, vì thế con phải chọn con đường khác". Cô con gái thứ hai thì làm giảng viên piano của Học viện Âm nhạc Quốc gia, cậu em út học nhạc Jazz bên Mỹ. Cả gia đình theo nghệ thuật nhưng vẫn là mỗi người một hướng.
Riêng với Chí Trung, tôi thấy anh ấy cũng tài năng, đạo đức và đầy phẩm chất nhưng mang tính thời đại hơn tôi rất nhiều. Anh ấy biết sống thiết thực hơn, cụ thể hơn nhưng lại chưa có chiều sâu, cần mang tính chiến sĩ hơn nữa. Ở Chí Trung vẫn còn điều gì đó mà tôi chưa hài lòng.
- Chí Trung từng nói, anh tự hào vì đi trên chân của mình, không ngại nói thẳng nói thật, không sợ bị trù dập. Với ông, như vậy vì sao vẫn là chưa đủ?Cha của nghệ sĩ Chí Trung muốn con giản dị hơn nữa, hiểu rõ ý nghĩa thực sự của nghệ thuật.
- Đó là sự tự hào của một kẻ có chút thành công với nghề, còn sâu hơn nữa phải ý thức được nghề nghiệp của mình có tác dụng thế nào tới mọi người, phải hòa mình vào nó, phải có một tình yêu thương nhân dân sâu sắc, phải quan sát nhân dân. Những người trẻ hiện nay lo cho cá nhân mình nhiều quá, vừa nổi tiếng đã đắc thắng. Chí Trung không bị danh vọng làm cho choáng nhưng tôi muốn anh ấy nhuần hơn nữa, giản dị hơn nữa, hiểu rõ ý nghĩa thực sự của nghệ thuật.
Ngọc Huyền, vợ Chí Trung, cũng vậy, vẫn còn thiếu, chưa hiểu sâu sắc truyền thống của dân tộc để thấm thía trong công việc hiện nay của mình. Chí Trung đang đi đúng hướng, lăn lộn phục vụ mọi người, chỉ tiếc anh ấy không còn diễn chính kịch mà chuyển sang hài. Thời đầu vào nghề, Chí Trung diễn chính kịch rất tốt.
- Đó là trên góc độ làm nghề, còn ở góc độ làm con, ông chấm Chí Trung mấy điểm?
- Tôi hiện nay vẫn chưa cần đến sự phụng dưỡng. Những lần tôi vào viện các con mới xúm xít lại, còn bình thường chỉ hai ông bà sống với nhau. Tôi thích sự tự lập, không muốn dựa vào con cái theo kiểu ủy mị mà để họ tự tồn tại, vì họ còn có gia đình của họ, phải để họ tự lo cho mình.
- Ông và Chí Trung đều xây dựng hình mẫu những gia đình hạnh phúc. Có bí quyết gia truyền nào mà ông truyền lại cho con?
- Mọi người thành kiến giới nghệ sĩ thường thế này thế khác nhưng theo tôi không phải, đó là do tính cách của mỗi người. Chung thủy cũng là một phẩm chất cần rèn luyện. Ngoài xã hội có thể mình là người nổi tiếng, được người này người kia quý mến, nhưng khi về nhà, mình là người đàn ông có trách nhiệm với gia đình. Nếu anh được khán giả yêu mến bởi tài năng thì hãy làm sao để tài năng đó ngày càng tỏa sáng, chứ đừng vì những mục đích cá nhân làm hoen ố nó.
Sống bằng sự nghiệp một cách trong sáng và đi lên bằng tài năng của chính mình mới là con đường vững chắc, những chiêu thức khác chỉ là phụ. Tất nhiên là việc mặc quần áo đẹp, trình diễn hay cũng là những yếu tố quan trọng, cứ đơn giản chỉ có giọng hát như thời đại chúng tôi cũng không được.
Ngọc Trần (VnExpress)
Bình luận