• Zalo

NSND Khải Hưng tiết lộ lý do ngừng phát sóng Gặp nhau cuối tuần

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 20/02/2014 07:12:00 +07:00Google News

(VTC News) - NSND Khải Hưng tiết lộ lý do ngừng phát sóng Gặp nhau cuối tuần và những kỷ niệm Gặp nhau cuối năm ngày ấy - bây giờ.

- Có phải từ thành công của ‘Gặp nhau cuối tuần’  mà ông nảy ra ý tưởng thực hiện ‘Gặp nhau cuối năm’?

Sau thành công nhanh chóng của chương trình Gặp nhau cuối tuần, lãnh đạo đài Truyền hình Việt Nam có nói với tôi muốn thực hiện Gặp nhau cuối tháng, nhưng tôi nói không được vì nó sẽ trùng với tuần thứ tư trong tháng.

Sau đó chúng  tôi thực hiện Gala cười 6 tháng một lần, và cuối cùng là Gặp nhau cuối năm – số đầu tiên ra đời vào năm 2003.
 - Bên cạnh những thuận lợi, ông và ê kíp thực hiện có vấp phải những khó khăn gì khi sản xuất series chương trình hài kịch ‘Gặp nhau cuối tuần’, ‘Gặp nhau cuối năm’?

Khó khăn nhiều chứ, bởi đã động chạm đến những vấn đề nhạy cảm trong nhiều lĩnh vực, thì phải có bản lĩnh và sẵn sàng đương đầu với những tình huống xấu nhất.

Rõ ràng, nếu mình chạm vào những đề tài nhạy cảm dân quan tâm, thì chắc là sẽ được nhiều người xem đón nhận... nhưng có thể bị thổi còi.
Nhưng tôi vẫn nghĩ, mình chỉ biết mình làm bằng cái tâm, tâm mình sáng, không có gì phải lo lắng cả.

- Có khi nào những vấn đề được nêu ra trong chương trình bị ‘can thiệp mạnh tay’?

Tôi nhận được khá nhiều cuộc gọi, nói về nội dung những vở hài kịch do tôi dàn dựng. Tôi nghĩ họ cứ sợ bóng sợ gió, có tật giật mình, chứ tôi có nói sai đâu, mà hơn nữa đây là hài kịch, toàn là hư cấu ..chứ làm gì có ông ngọc hoàng, ông táo nọ, táo kia ..

Hơn nữa, bản thân tôi đã là một người làm chính trị, một ông chính trị viên ngồi trong đầu rồi, nên tôi cũng hiểu vấn đề nào được nói, và chúng ta nói đến đâu là đúng chừng mực.

- Là chương trình ăn khách, được đón nhận tích cực, lý do nào khiến ông quyết định dừng phát sóng 'Gặp nhau cuối tuần' vào năm 2007?

Đến khi cảm thấy sức sáng tạo của mình không còn nữa,chúng  tôi cho dừng lại Gặp nhau cuối tuần, mặc dù mọi người rất luyến tiếc.

Chúng tôi đã tổ chức một chương trình chia tay khán giả Gặp nhau cuối tuần rất hoành tráng, với hình ảnh con tàu Titanic bị chìm.

Tôi quan niệm, thà chia tay trong tiếc nuối, ngay cả khi nó đang ở thời kỳ rực rỡ nhất, còn hơn tiếp tục kéo dài mà không còn sức sáng tạo mới mẻ cho khán giả.

Năm 2007, Gặp nhau cuối tuần chia tay khán giả.

 - Kế tiếp sự thành công của ông, đạo diễn trẻ Đỗ Thanh Hải có duy trì chương trình ‘Gặp nhau cuối năm’ trở thành thương hiệu, và gặt hái được nhiều thành công. Mặc dù vậy, một vài năm gần đây khán giả cho rằng chương trình đã đi vào lối mòn do thiếu đi một sự đột phá, và nên chăng, sẽ thay bằng chương trình mới?

Có nhiều lần vào cuối năm, tôi hay nhận được vé mời từ anh Đỗ Thanh Hải, nhưng tôi không đi xem, mà thường xem trên tivi vào tối Giao thừa. Tôi thấy rằng, quả là khó, nhất là trong một thế giới phẳng như hiện tại.

Thời của tôi thông tin đưa lên chương trình có thể được mọi người vỗ tay nhiệt liệt vì khán giả cho rằng chúng tôi dám nói, dám làm. Nhưng trong một xã hội mà tất cả các thông tin đều tường tận và được cập nhật liên tục như hiện nay, thật khó để tạo nên sự bất ngờ.

Gặp nhau cuối năm 2014

Thêm vào đó, vẫn trò cũ, đào kép cũ thì khó mà tồn tại được. Nhiều khi tôi nghĩ, có lẽ cũng đến lúc dừng lại và chuyển sang một hình thức khác.

Dù mỗi năm anh Đỗ Thanh Hải có cải tiến ‘một tí’, nhưng có lẽ ‘một tí’ là chưa đủ, mà nó phải ‘nhiều tí’ như năm nay, thay đổi hẳn nhân vật Ngọc Hoàng một cách hài hước và thông minh thì mới giữ chân được khán giả.

Tôi chỉ lo lắng một chút, nhưng tôi tin rằng, với tài năng của anh Đỗ Thanh Hải, mỗi năm anh sẽ có thêm những biến tấu khác biệt.

- Người ta có thể dễ dàng đoán trước kịch bản, khi chúng ta sống trong thế giới của mạng xã hội. Nhưng dường như, nhiều vấn đề nổi cộm chưa được phản ánh đến tận cùng. Không biết khán giả đang kỳ vọng quá nhiều sự phản ánh đời sống xã hội từ một bộ môn nghệ thuật, hay  những người làm chương trình đang phải chịu nhiều sức ép?

Tôi nghĩ là cả hai, khán giả thì yêu cầu quá cao vì những bức xúc của họ với đời sống xã hội là rất nhiều, từ giá điện, giá xăng tăng, học phí thay đổi… mọi cái đều chạm đến cái họ mong muốn được phản ánh.

Nhưng truyền hình là gì? Là một tờ báo, là cơ quan ngôn luận của nhà nước, nên phải tuân thủ theo đường lối và chủ trương đúng đắn, không phải anh thích nói gì thì nói.

Nói gì, và nói đến đâu để khỏi dẫn tới tình trạng mất kiểm soát tự do ngôn luận lại là cả một vấn đề. Người làm chương trình phải suy xét trước sau rằng, vấn đề này đưa ra có lợi cho đất nước hay không.

Có những vấn đề được coi là tiêu cực, nếu khai thác có thể sẽ rất hay, nhưng khi cân nhắc đo đếm lại mà thấy không lợi cho đất nước thì đừng làm. Tôi cho rằng đó là cái đích đúng nhất.

Tôi đã không thấy sợ, tôi tin rằng, một người bản lĩnh và đầy kỹ năng sống như anh Đỗ Thanh Hải cũng không sợ hãi điều gì, mà chỉ cân nhắc, vấn đề có gây tổn hại cho đất nước hay không mà thôi.

 NSND Khải Hưng trong bộ phim đang bấm máy.

- Ông đánh giá như thế nào về hiệu ứng chờ đợi của khán giả trước khi chương trình được phát sóng. Dường như sân chơi đó trở thành chiếc ‘van xả bức xúc’ của người dân trong suốt một năm?

Tôi nghĩ rằng đó là quán tính của con người. Người dân mong đợi trên sân khấu ấy sẽ ‘xì’ ra một cái gì đó bức xúc trong năm mà họ không thể kêu cùng ai, nói cùng ai.

Tôi nghĩ rằng sự ‘xì’ ra ấy là tốt, bởi chẳng có cái gì giải quyết mâu thuẫn giữa người với người, giữa người với xã hội, giữa người với chính quyền, giữa người với tất cả các cơ chế xã hội bằng tiếng cười.

Qua tiếng cười, người ta có thể tha thứ cho nhau rất là dễ dàng, thế tại sao chúng ta lại không làm cái thứ để mọi người hiểu và tốt cho nhau hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Bình luận
vtcnews.vn