Sau Tết Mậu Tuất 2018, làng kịch thành phố Hồ Chí Minh phải đón nhận một tin buồn: Sân khấu Superbowl của NSND Hồng Vân đóng cửa. Diễn viên không còn sân khấu, những người đứng sau hậu trường bị mất chén cơm và tâm huyết suốt 10 năm trời của Hồng Vân sụp đổ.
Điều không vui này xảy ra như một sự tất yếu của cơ chế thị trường, khi sức hút của sân khấu không còn mạnh mẽ và khán giả có quá nhiều sự lựa chọn để giải trí. Để đi đến quyết định này, NSND Hồng Vân mất 2 năm chống chọi, gắng gượng và bù lỗ.
Có thể nói, thời điểm chị quyết định buông "núm ruột" của mình cũng là lúc các diễn viên sân khấu nhận ra "thánh đường" của họ đang dần hẹp lại.
Còn nhớ cách đây 10 năm, khi quyết định thành lập Superbowl, Hồng Vân nói bên cạnh việc phục vụ cho khán giả trong nước, chị cũng muốn giới thiệu văn hoá Việt đến cho du khách nước ngoài thông qua việc biểu diễn ca nhạc, thời trang và kịch nói.
Kéo theo mong muốn đó, dàn diễn viên muốn lên sân khấu ngoài khả năng diễn xuất còn phải sử dụng tiếng Anh lưu loát. Một điều không hề dễ dàng nhưng như vậy mới thấy, để nỗ lực duy trì và phát triển sân khấu kịch, Hồng Vân cùng anh chị em nghệ sĩ phải đưa vào rất nhiều thử nghiệm mới.
Bên cạnh đó, để chiều lòng khán giả, nội dung của các vở diễn cũng phải trở nên hợp thời hơn. Những vấn đề mang tính thời sự như nạn đập đá hay mặt trái của showbiz cũng được khai thác một cách khéo léo.
Nhưng có kịch bản là một chuyện, đủ diễn viên để hoàn thành nó không lại là chuyện khác. Khi áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng, không phải nghệ sĩ nào cũng vượt qua được cám dỗ để bỏ qua những chương trình với cát-xê cao chất ngất rồi mặn mà với vài trăm nghìn tiền diễn sân khấu.
Đó là lý do Superbowl bên cạnh công tác biểu diễn còn có những lớp đào tạo diễn viên, một phần để tạo ra thu nhập, phần khác để chọn ra những gương mặt có tiềm năng cho sân khấu nước nhà.
Để kích cầu, NSND Hồng Vân còn có ý định đưa kịch nói vào học đường bằng một phần hỗ trợ giá vé hỗ trợ từ phía nhà nước hay ước mơ trở thành đại gia để mở cửa miễn phí định kỳ để tạo ra thói quen xem kịch cho khán giả nhưng bất thành.
Tính hết cách, chị còn lấn sân sang điện ảnh với mong muốn kiếm lời mang về bù lỗ cho sân khấu nhưng mọi thứ không được như kỳ vọng. Từng chút, từng chút một ấy là để Hồng Vân "duy trì hoạt động được đến bao lâu thì sẽ cố gắng. Điều làm tôi vui là vẫn có nghệ sĩ trụ lại với nghề".
Nhưng nếu 8 năm trước, sân khấu kịch vẫn nhận được sự quan tâm của khán giả, dù không phải là thời hoàng kim nhưng những khoản thu về vẫn đủ để bà bầu Hồng Vân và anh chị em nghệ sĩ tiếp tục lạc quan theo nghề. Thì 2 năm nay, việc tăng giá thuê sân khấu, sự bùng nổ của gameshow truyền hình cùng với sự đầu tư của các rạp chiếu phim khiến sân khấu kịch không còn chỗ đứng. 272 ghế, con số đó không phải là nhiều đối với một rạp chiếu phim nhưng chưa bao giờ là kín đối với sân khấu kịch Superbowl.
Đó là chưa kể nếu không trúng vào dịp lễ Tết, sân khấu chỉ sáng đèn vào hai ngày cuối tuần. Thế thì thử hỏi số tiền bán vé làm sao bù lỗ được chi phí bỏ ra?
Theo lời NSND Hồng Vân, dù nhận được sự san sẻ từ anh chị em nghệ sĩ về cát-xê nhưng mỗi tháng chị phải bù lỗ khoảng 100 triệu đồng cho Superbowl và chuyện đó kéo dài suốt 2 năm nay. Chỉ cần một phép tính đơn giản, con số 2,4 tỷ đồng hiện ra trước mắt.
Nếu không phải vì đam mê, vì cái tâm với nghề thì chẳng có điều gì khiến NSND Hồng Vân phải khổ đến vậy. Với tên tuổi của chị ở thời điểm hiện tại, việc tập trung đi diễn, chạy show kiếm tiền sẽ nhẹ nhàng hơn gấp trăm lần so với việc phải trăn trở vì đất diễn cho thế hệ diễn viên trẻ.
Vậy mà, để giữ một sân khấu vẫn sáng đèn, để những người nghệ sĩ có nơi cởi đôi giày lo toan của cuộc sống trước khi hoạ mặt và được sống với dòng máu nghệ thuật chảy rần rần trong huyết quản, Hồng Vân vẫn cố.
Song, chẳng phải người lái đò nào cũng đủ sức chống chọi con thuyền của mình trước sóng dữ, nhất là khi họ phải đơn thương độc mã. Áp lực quá lớn ấy khiến NSND Hồng Vân có lúc phải than trời: "Nếu tôi cứ phải bù lỗ hoài tôi sẽ chết".
Và đúng là chị "chết" thật, chết một phần con người khi phải đành đoạn dẹp đi nhúm ruột của mình.
Thất bại này là sự đau đớn của người nghệ sĩ dành nhiều tâm huyết cho nền nghệ thuật.
Bình luận