Gặp Bùi Bài Bình vào lúc gần 11h trưa. Lúc đó, ông vẫn thư thả dùng bữa sáng, nhâm nhi ly rượu cùng một vài người bạn. Ông khoe, vừa mới nhận một kịch bản phim hay lắm, trong đó ông vào vai một ông chồng người Hà Nội gốc, công ăn việc làm không ổn định, suốt ngày bị vợ cằn nhằn. Cuộc sống thêm ngột ngạt khi cặp vợ chồng này lại lao vào cuộc chiến tranh giành ngôi nhà đang ở với các anh chị em ruột.
"Vai diễn này giống tôi lắm. Tôi là một trong số ít những nghệ sĩ Hà Nội gốc, lại là con trưởng trong gia đình và cũng chẳng biết làm việc gì" - Ông Hòa của "Mùa ổi" cười sảng khoái rồi tự thưởng cho mình một ly rượu.
- Trong suốt sự nghiệp diễn xuất, ông đảm nhận rất nhiều vai, từ trí thức, công nhân tới lưu manh, đểu cáng. Vậy đâu là vai diễn ông ưng ý nhất?
Vai nào tôi cũng ưng ý. Tôi nói thế không phải vì tự cao tự đại. Tôi có thể tự hào nói rằng, mình là một trong số ít những diễn viên kén vai. Tôi chỉ nhận những vai diễn mà tôi thấy thích, thấy phù hợp và dành mọi tâm huyết cho nó.
Để vào vai ông Hòa - người đàn ông 53 tuổi nhưng luôn sống với ký ức của một đứa trẻ 13 tuổi - trong phim "Mùa ổi", tôi phải đi theo nguyên mẫu 3 tháng trời. Tôi quan sát từng cử chỉ, điệu bộ, tới nụ cười ngô nghê, đôi mắt ngơ ngác của ông.
Tuy nhiên, có vẻ như với phần lớn khán giả xem truyền hình, họ ấn tượng với tôi nhất qua vai lão Tòng tôi trong phim "Ma Làng" của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.
- Nói tới lão Tòng, nhiều khán giả vẫn chưa hết ngạc nhiên, vì sao từ những vai hiền lành, trí thức, đột nhiên ông lại nhận lời đóng một vai thâm hiểm và đểu cáng bậc nhất màn ảnh nhỏ?
Tôi thường được các đạo diễn giao cho các vai chính diện, nhưng ít ai biết rằng, ngay trong tiểu phẩm thi vào trường Sân khấu Điện ảnh, tôi đã diễn ra chất của một tên lưu manh, cơ hội.
Trong tiểu phẩm đó, tôi vào vai một kẻ đang đi đường, đột nhiên thấy cái ví dưới đất. Tôi hỏi mọi người, của anh à, của chị à, không ai nhận, thế là tôi đảo mắt nhìn xung quanh và nhanh chóng nhét chiếc ví vào túi áo.
Đạo diễn Phạm Văn Khoa khi ấy là người chấm thi đã nhận xét: "Thằng này có cặp mắt rất gian".
Vào năm 2006, trong một lần gặp mặt, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần bảo: "Anh có khi đóng được vai ác" rồi hỏi, tôi có thích đảm nhận vai phản diện không. Tôi gật đầu liền.
Lúc đó, tôi muốn thay đổi, muốn thử xem mình có thể làm được những gì vì đúng như bạn nói, tôi thường được khán giả biết tới với những vai hiền lành, trí thức.
Tuy nhiên, khi đạo diễn Nguyễn Hữu Phần gửi cho tôi kịch bản phim "Ma Làng", tôi lại thấy sợ. Vai lão Tòng gian ác, thâm hiểm và đểu cáng quá. Lão Tòng hoàn toàn khác so với tất cả những vai diễn trước đây của tôi. Suy nghĩ một hồi, tôi quyết định tham gia "Ma Làng".
- Sau khi phim lên sóng, nhân vật lão Tòng của ông bị rất nhiều khán giả ghét. Bản thân ông có gặp rắc rối gì vì điều này không?
Tôi cũng bị nhiều người ghét lây (Cười). Lần tôi về tham dự một sự kiện điện ảnh tổ chức ở Ninh Bình, một cán bộ xã có gặp tôi rồi nói: "Tôi đi làm nhiều năm, gặp đủ loại người nhưng chưa thấy ai thâm hiểm như ông. Mỗi lần thấy ông trên màn hình là tôi chỉ muốn đập nát TV".
Nghe xong, tôi mới cười bảo: Vậy là điều đáng mừng, nó chứng tỏ ông là người tốt, thấy sự ngang trái, bất công nên tức giận, chứ nếu ông thấy đó là điều bình thường, đó mới là điều nguy hiểm.
Tôi đóng vai phản diện để kêu gọi lương tri của con người. Nếu ai cũng nhân thấy lão Tòng khốn nạn, chứng tỏ xã hội đang rất tốt đẹp.
Tôi còn nhớ, sau khi "Ma làng" phát sóng, nhà báo Thụy Kha có viết: Bùi Bài Bình vào vai phản diện bằng cái tâm của người chính diện, còn nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nói: Muốn đóng cho ra con ma, phải sống sao ra cho con người.
"Tôi đóng vai phản diện để kêu gọi lương tri của con người. Nếu ai cũng nhân thấy lão Tòng khốn nạn, chứng tỏ xã hội đang rất tốt đẹp"
Bùi Bài Bình
- Vai lão Tòng để lại ấn tượng lớn đối với khán giả truyền hình, vậy ông có nhớ mức cát-xê mình nhận được khi đóng "Ma làng"?
Tôi nhớ chứ. Không chỉ "Ma làng" mà phim nào đóng năm bao nhiêu, được bao nhiêu tiền, tôi nhớ hết, nhưng nói ra để làm gì?
Đóng phim là công việc tôi yêu thích, được tiền nhiều thì tốt, ít thì cũng vui. Tôi không bao giờ hỏi các đạo diễn cát-xê là bao nhiêu, cũng không bao giờ so bì với đồng nghiệp.
- Không hỏi trước cát-xê, ông không sợ bị đạo diễn lừa sao?
Trước khi nhận lời tham gia phim, tôi phải xem đạo diễn là người như thế nào, kịch bản ra sao. Nếu để bị lừa, tôi là người ngu.
Tôi là người kén vai. Thích vai nào sẽ nhận, còn nếu thấy không phù hợp là từ chối. Diễn viên là nghề hữu danh vô thực, sung sướng là làm được cái gì đó cho đời, được xã hội ý, mọi người trân trọng, chứ tiền chẳng kiếm được là bao. Ngày tôi làm được 500 nghìn, có ngày được triệu. Có năm làm liên tục nhưng cũng có khi vài năm không đóng phim nào.
Nếu ai đó nói rằng, vì cơm áo gạo tiền, họ buộc phải nhận những vai không phù hợp, tôi cho rằng, đó là sự ngụy biện cho những vai diễn, những tác phẩm không ra gì.
- Trong cuộc đời làm diễn viên, ông có cơ hội đóng chung với rất nhiều bạn diễn nữ xinh đẹp. Có khi nào, ông xao động trước họ?
Có rất nhiều diễn viên nữ mà tôi đóng chung rất hợp, chẳng hạn như Hương Bông (NSƯT Lan Hương) tronng phim "Mùa ổi", Phương Mường (Nghệ sĩ Minh Phương) phim "Ma Làng". Đó là những diễn viên mà tôi rất yêu. Họ làm việc có ý thức, biết trân trọng vai diễn.
Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ rung động trước bất cứ bạn diễn nào. Trên phim, chúng tôi có thể là tình nhân, có thể là vợ chồng, nhưng ngoài đời, tôi không để bất cứ chuyện tình cảm nào xảy ra.
- Vợ ông có phải là người hay ghen không?
Đàn ông còn ghen, huống chi là phụ nữ.
Hồi mới lấy nhau, mỗi lần tôi dắt xe ra ngoài, vợ tôi thường hỏi: "Anh đi đâu đấy? Bao giờ về?". Tôi trả lời: "Tôi chẳng biết đi đâu". Tôi ra ngoài, gặp người nào mời uống trà thì uống, người nào mời uống bia thì uống, khi nào xong chuyện thì về.
Tôi thích ra ngoài gặp bạn bè cho sảng khoái. Lúc đầu vợ tôi cũng có vẻ khó chịu, bà ấy nghĩ tôi chắc đi gặp cô nào đó, nhưng về sau biết tính tôi nên bà ấy mặc kệ.
- Vậy nghĩa là ông cũng có lúc ghen với vợ?
Ghen chứ. Vợ tôi là diễn viên, cô ấy cũng đi đóng phim, có lần vài ngày, có khi vài tháng. Hồi chúng tôi mới lấy nhau, điện thoại đâu có phổ biến như bây giờ. Mỗi lần bà ấy đi đóng phim, hai vợ chồng coi như mất liên lạc. Tôi ở nhà, suy diễn ra đủ mọi chuyện.
Rất may, về sau tôi chấn chỉnh suy nghĩ. Tôi cũng là diễn viên, cũng có khi đi đóng phim biền biệt, nếu vợ ở nhà cũng nghĩ này nghĩ nọ như thế, làm sao có thể sống với nhau.
Tôi nghĩ, ghen không có gì là xấu, nhưng ghen như thế nào mới là điều đáng nói. Ghen chứng tỏ tình cảm của mình dành cho đối phương nhưng ghen phải chuẩn chứ ghen bệnh hoạn thì tôi không chấp nhận.
- Ông và vợ - NSƯT Ngọc Thu - bén duyên từ khi học chung trường Sân khấu Điện ảnh. Nhiều người tò mò cuộc sống gia đình của một cặp diễn viên đằng sau những vai diễn như thế nào?
Đơn giản lắm. Gia đình chúng tôi êm ấm. Ngoài việc đi đóng phim, vợ chồng tôi mở một cừa hàng cafe kiếm tiền sinh sống. Tôi có hai đứa con, không vi phạm chính sách của nhà nước (cười).
Thằng lớn làm ngân hàng, "tiết hạnh đoan trang" lắm, không rượu chè, không cafe, thuốc lá. Thằng nhỏ mới thi đỗ vào Khoa Đạo diễn trường Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
Tôi không cố ý hướng con theo nghề của bố mẹ, nhưng nó đã chọn rồi thì phải ủng hộ. Tôi khuyên con, muốn làm phim gì thì làm, phim giải trí cũng được, nghệ thuật cũng được, nhưng mỗi tác phẩm của con phải góp phần kêu gọi lương tri, tình yêu giữa con người với con người.
Với các con, khi còn nhỏ, tôi rất nghiêm khắc. Ngay với chuyện đầu tóc, tôi nói thẳng, còn đi học thì phải cắt ngắn, nghiêm chỉnh chứ nuôi dài, cạo trọc hay nhuộc xanh nhuộm đỏ là tôi đuổi ra khỏi nhà.
Nhưng khi chúng đã trưởng thành, tôi để chúng được tự do làm điều chúng thích. Tôi đưa ra lời khuyên. Nếu chúng nghe thì tốt, mà không nghe cũng chẳng sao.
- Nghiêm khắc là thế, có khi nào ông dùng đòn roi với con?
Không bao giờ. Tôi nhớ khi còn nhỏ, gia đình tôi sơ tán bên Từ Sơn. Có lần, tôi vào nhà người dân, trộm mấy trái khế. Bố tôi biết được, ông đuổi đánh. Dĩ nhiên, tôi biết mình sai nhưng đòn roi khiến tôi cảm thấy hậm hực, bực tức và khó chịu. Chính vì thế, tôi không bao giờ để con mình trải qua cảm giác đó.
Vợ chồng tôi cố gắng làm việc cũng chỉ vì các con. Tôi quan niệm, nếu con người ta có bát cơm ăn, con mình cũng phải có bát cháo, không thể để chúng đói rách, khổ sở. Còn khi chúng lớn, phải để chúng sống cuộc sống của nó, không bao giờ để cảnh "giấc mơ cha đè nát cuộc đời con".
Xin cảm ơn ông!
Bình luận