• Zalo

NS Phạm Duy: 'Đám tang tôi rùm beng là tôi ghét lắm'

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 28/01/2013 11:47:00 +07:00Google News

"Đám tang của tôi rùm beng là tôi ghét lắm. Tôi muốn đốt cùng với xác mẹ" - Trả lời phỏng vấn gần 5 tháng trước khi mất, nhạc sỹ Phạm Duy đã nói như vậy.

"Đám tang của tôi rùm beng là tôi ghét lắm" - Trả lời phỏng vấn gần 5 tháng trước khi mất, nhạc sỹ Phạm Duy đã nói như vậy về tâm nguyện của mình.

Nhạc sĩ Phạm Duy. 
Nhạc sĩ Phạm Duy, người vừa đi về miền miên viễn, có cuộc trò chuyện với phóng viên chúng tôi nhân dịp chương trình “Điều còn mãi 2012” trình diễn nhạc phẩm “Tình ca” của ông vào đúng ngày Quốc khánh.


Vào thời điểm ấy, sức khỏe ông đã xuống rất nhanh, khiến ông phải ngồi xe lăn, ăn uống khó khăn. Ông gần như thức trắng đêm và chỉ ngủ được vài tiếng vào ban ngày.

Ngày bình thường của ông trôi qua trong căn nhà im vắng ở lưng chừng một con hẻm đường Lê Đại Hành. Căn nhà ấy thường chỉ đông vui vào cuối tuần khi con cháu, dâu rể về thăm hỏi, ăn uống.


Ấy vậy mà, khi thần sắc đã trở nên mệt mỏi vì tuổi già, ông vẫn miệt mài sáng tác, và khoe với người viết ông vừa hoàn thành 10 ca khúc phổ thơ của thi sĩ Bích Khê.

“Nếu được theo đúng thuyết nhà Phật, người ta ăn ở đức độ thì sẽ được tái sinh. Và nếu có sự tái sinh thì tôi sẽ không thích tái sinh nữa đâu. Bởi vì mệt quá rồi. Các nhạc sĩ ở đây sướng lắm, không ai mệt như tôi cả, không ai đi nhiều, hát nhiều và sáng tác nhiều như tôi cả. Khổ tâm lắm”, ông nói.


- Thưa ông, vậy hẳn là ông đã viết di chúc. Cháu xin mạn phép được tò mò, điều gì làm ông tâm tư nhất trong bản di chúc ạ?

Sự thực thì càng nhiều con bao nhiêu, người ta càng lo bấy nhiêu. Sự nghiệp của tôi để lại cũng nhiều. Tôi không chia cho ai cả. Tôi giao cho người con thứ hai của tôi, là đứa có hiếu nhất. Nó có bổn phận là chia cho các anh em. Như vậy thì đỡ rắc rối.

- Vậy còn đám tang, ông có tâm nguyện gì về đám tang của mình?

 

Nhạc sĩ Phạm Duy (tên thật Phạm Duy Cẩn), sinh ngày 5/10/1921 tại Hà Nội, từ trần lúc 14h30ngày 27/1 tại TP.HCM.

Tang lễ được tổ chức tại tư gia (số 349/126 Lê Đại Hành, P.13, Q.11 - TP.HCM), lễ nhập quan lúc 9h ngày 28/1, lễ động quan lúc 6hngày 3/2, mai táng tại Hoa viên Nghĩa trang Bình Dương.

 
Tôi sợ nhất là vấn đề đó. Đám tang của tôi rùm beng là tôi ghét lắm. Tôi muốn đốt cùng với xác mẹ. Cùng lắm đưa đi một cái chùa nào đó, (trong) một hai bình tro gì đó.

Kinh nghiệm như nhà lưu niệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tôi đến thì thấy vắng tanh như chùa bà đanh. Ca sĩ còn hát nhạc của tôi, nghĩa là tôi còn sống.


- Ở tuổi xưa nay hiếm thế này, ông có còn cảm thấy mình mắc nợ gì với cuộc đời không?

Nợ thì nhiều. Tôi tự thấy mình đã sống bừa bãi. Cách nay 10 năm thì tôi ổn định một tí. Còn trước kia tôi liều lắm, tôi làm những chuyện mà người ta không dám làm. Tôi lao vào những trò chơi làm ảnh hưởng đến tiếng tăm của mình.

Tôi hối hận lắm nhưng đành chịu thôi. Tôi mong người ta đừng nghĩ nhiều về những hành động đó, mà nhìn vào những bản nhạc của tôi. Còn nói về người ngoan thì tôi không phải là người ngoan.


- Cuộc đời đưa ông dường như luôn đứng trước những sự kiện phải chọn lựa giằng xé giữa hai thái cực, vậy có khi nào ông phải trả giá?

Trả giá ghê lắm chứ, nếu tôi đừng bỏ nước ra đi thì chắc tôi vẫn còn 3 căn nhà trị giá 3 triệu USD. Còn 8 đứa con như vậy, gọi là để lại một gia tài thực sự thì ít nhất cũng phải 3 cái nhà chứ. Đó là một cái nhỏ thôi đấy. Còn những cái khác nữa. Trường hợp yêu người này mà không yêu người nọ cũng là một vấn đề nữa. Rắc rối lắm (cười).

Và hôm nay, sau nhiều năm ở hải ngoại, ông đã trở về và đã an nghỉ trên đất mẹ, khép lại trăm năm nhỏ bé và bộn bề như lời ông đã viết trong “Hẹn em năm 2000”. Ông nói ông không phải là người theo lý tưởng sống để mà đi. Thế nên, những năm xứ người là những năm ông đau đáu ngày về.

“Tôi là người Việt Nam thì tôi phải sống chết với nước Việt Nam chứ. Khi qua hải ngoại được vài năm, tôi đã viết bài “Rồi đây anh sẽ đưa em về nhà”. Nhưng lúc đó tôi không thể về nhà được ngay, đợi đến ba mươi mấy năm thì mới về được. Cả một đời người rồi còn gì”, ông nói.


Nhc sĩ Duy Cường, con trai nhạc sĩ Phạm Duy k: “Tôi nghĩ có thể ba không chịu được cú sốc về cái chết của anh Duy Quang. Ở thời điểm đó, ba tôi rất tinh tường, thậm chí còn biết tin đó trước cả tôi. Mặc dù ba cố giữ bình tĩnh nhưng tôi biết bên trong là những đợt sóng ngầm và ba đang rất suy sụp vì điều đó. Câu nói cuối cùng mà ba tôi nói trước khi qua đời là "Ba đi đây, để gặp thằng Duy Quang..."

CA SĨ ELVIS PHƯƠNG:
Từ những kỷ niệm, ông viết nên nhạc
Tôi rất ngưỡng mộ ông ở tài năng sáng tạo và cuộc sống khiêm tốn của một nhạc sĩ. Những sáng tác của ông mãi mãi sẽ hằn sâu trong lòng khán giả tri âm, nó là những kỷ niệm riêng, chung của nhiều thế hệ, nhất là những ca khúc viết cho tình yêu và tuổi trẻ.


Từ những kỷ niệm, ông viết nên nhạc và để lại cho đời vô số sáng tác hay. Ông là nhạc sĩ tài hoa, một ca sĩ lúc trẻ và nhà nghiên cứu nhạc của Việt Nam. Tên tuổi của ông được xem là một trong những nhạc sĩ lớn của nền tân nhạc, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với người Việt Nam. Vĩnh biệt ông, người nhạc sĩ của công chúng yêu tình ca và yêu âm nhạc Việt.

CA SĨ CẨM VÂN:Tình ca của ông bất hủ theo thời gian

Tôi tham dự một chuyến lưu diễn mừng sinh nhật 93 của ông ở Cần Thơ, Huế và TPHCM. Đó là chuyến đi chia sẻ những tâm tư tình cảm của người nhạc sĩ đón nhận cuộc sống hết sức an nhiên. Tôi có đọc một bài báo viết về âm nhạc, nhà báo đã phân tích rất chính xác: “Nếu nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người thích đi trên bãi biển tìm nhặt những chiếc vỏ sò óng ánh mang về mài giũa thì Phạm Duy là người lặn xuống đáy biển để tìm ngọc trai”. Vĩnh biệt ông, âm nhạc của ông vẫn mãi sống theo thời gian, lắng đọng trong tâm hồn bao thế hệ và dòng nhạc tình ca bất hủ của ông mãi là niềm tự hào của những ai yêu quý âm nhạc Việt.

(Theo NLĐ, Thanh niên)

Theo VietNamNet

Bình luận
vtcnews.vn