• Zalo

Nộp khắc phục hơn 42 tỷ đồng, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế thoát án tử hình

Pháp đìnhThứ Sáu, 28/07/2023 16:44:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, bị HĐXX tuyên phạt tù chung thân với tội nhận hối lộ, nhẹ hơn mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị trước đó.

Chiều 28/7, TAND TP Hà Nội tuyên phạt tù chung thân đối với Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế. Mức án này thấp hơn khung Viện Kiểm sát đề nghị trước đó là tử hình.

HĐXX đánh giá Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận hối lộ 253 lần, tổng số tiền 42,6 tỷ đồng - hành vi phạm tội của bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, cần tuyên phạt mức án tử hình là đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên xét thấy trong quá trình điều tra vụ án, truy tố và tại tòa, bị cáo thay đổi lời khai, thành khẩn khai báo, giai đoạn xét xử bị cáo đã khắc phục trên 42 tỷ đồng, gia đình có bố đẻ có công với cách mạng. Trong quá trình công tác, bị cáo có nhiều đóng góp, được tặng thưởng nhiều giấy khen. HĐXX xét thấy không cần thiết phải áp dụng mức án loại trừ bị cáo vĩnh viễn ra khỏi xã hội mà thay vào đó là mức án tù cũng là đủ tác dụng giáo dục riêng, đồng thời khuyến khích người phạm tội thành khẩn khai báo.

Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.

Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế.

Trước đó, theo cáo buộc của Viện Kiểm sát, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch.

Thời điểm đó, Bộ Y tế phân công một Thứ trưởng làm nhiệm vụ xem xét, duyệt ký văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng khi những nơi này xin ý kiến về chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo và xin cho khách lẻ được về nước. Các cơ quan chức năng thông qua Phạm Trung Kiên để trình Thứ trưởng Bộ Y tế xem xét, ký duyệt văn bản trả lời.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng cho một chuyến bay. Đối với chuyến bay combo, Kiên ra giá với doanh nghiệp phải "chung chi" từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/khách. Đối với khách lẻ, Kiên ra giá từ 7-15 triệu đồng/khách.

Bị cáo này nhiều lần nhận tiền ở trụ sở Bộ Y tế hoặc yêu cầu lãnh đạo các doanh nghiệp chuyển vào tài khoản ngân hàng của bà Nguyễn Bích Ngọc (mẹ vợ Kiên)...

Viện Kiểm sát nhận xét, với vai trò là thư ký, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ giúp việc cho Thứ trưởng, song lợi dụng việc nhận giấy tờ cấp phép các chuyến bay, Phạm Trung Kiên đã "làm khó", buộc các doanh nghiệp phải chi hối lộ.

"Trong vụ án, bị cáo là người nhận nhiều tiền nhất (253 lần, tổng số tiền hơn 42,6 tỷ đồng), với thủ đoạn trắng trợn nhất, sau khi vụ án phát giác, bị cáo đem trả một phần cho doanh nghiệp và yêu cầu họ nói việc đưa nhận tiền là giao dịch vay mượn nhằm che giấu cơ quan chức năng. Do đó, hành vi của Kiên cần xử lý bằng bản án nghiêm khắc để răn đe", Viện Kiểm sát nêu.

Tại phần xét hỏi, Kiên khai sử dụng số tiền hơn 42 tỷ đồng nhận hối lộ của doanh nghiệp đầu tư mua một số mảnh đất tại huyện Ba Vì, Hoài Đức và ở Mũi Né (Bình Thuận). Đáng chú ý, lời khai bị cáo còn thể hiện cho người thân là chú họ bên nhà vợ ở Thái Bình vay hơn 10 tỷ bằng hình thức chuyển khoản, song khi bị truy hỏi, Kiên không nhớ đầy đủ tên họ của người chú.

Sáng 21/7, trong phần đối đáp lời bào chữa của bị cáo Phạm Trung Kiên và luật sư, Viện Kiểm sát khẳng định, hành vi của Kiên cùng các bị cáo đã phản bội lại sự cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị, của Đảng, Nhà nước, của quân và dân ta.

Các luật sư nêu là Phạm Trung Kiên không có chức vụ, quyền hạn trong Bộ Y tế nên không thể ép buộc hối lộ, phía công tố cũng bác bỏ. Đại diện Viện Kiểm sát phân tích, Kiên là người có chức vụ, quyền hạn khi cùng Thứ trưởng Bộ Y tế tham gia tổ công tác 5 Bộ và được giao nhiệm vụ tiếp nhận văn bản, công văn từ các đơn vị khác.

Trong tổ công tác 5 Bộ thì Bộ Y tế đóng vai trò rất quan trọng. Bộ Y tế cho ý kiến về việc cấp phép các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao.

"Vì vậy Phạm Trung Kiên là người có nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện một công đoạn trong chuỗi quy trình cấp phép chuyến bay. Nếu Kiên không thực hiện đúng quy trình, chậm hay khi có phê duyệt của Bộ Y tế nhưng giữ lại chưa đóng dấu gửi Bộ Ngoại giao sẽ ảnh hưởng đến thời hạn cấp phép chuyến bay của doanh nghiệp", đại diện Viện Kiểm sát nói.

Theo đại diện Viện kiểm sát, vụ án này rất nhiều bị cáo là doanh nghiệp sợ Kiên. Nếu không gặp gỡ sẽ bị gây khó khăn như không trình, trả văn bản để ép các doanh nghiệp phải chi tiền theo yêu cầu.

"Có tới 12 doanh nghiệp còn khai, Kiên liên tục yêu cầu họ phải hối lộ mình từ 150 - 200 triệu đồng/chuyến bay được cấp phép. Sau khi vụ án được phát hiện, Kiên chuyển trả phía doanh nghiệp 12 tỷ đồng, đều có nội dung chuyển khoản "trả tiền vay" nhưng đây là tiền nhận hối lộ", theo đại diện Viện Kiểm sát.

Viện Kiểm sát nêu dẫn chứng một số đại diện doanh nghiệp mà Kiên yêu cầu đưa tiền như bị cáo Hoàng Diệu Mơ (Công ty An Bình) khai: ''Qua điện thoại ông Kiên đề nghị tôi đưa 150 triệu đồng/chuyến giống như Cục xuất nhập cảnh Bộ Công an, khi nào đưa tiền thì ông Kiên sẽ có văn bản đồng ý".

Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh (Công ty G19) khai: "Tôi lúc đó nghĩ cứ chuẩn bị 200 triệu đồng đưa trước Kiên xem thế nào. Thực tế khi đưa số tiền mặt 200 triệu đồng này cho Kiên, tại phòng họp thì Kiên có xem luôn và bảo tôi “như thế này chưa đủ chị à”. Sau đó, tôi và Kiên trao đổi và thống nhất là sẽ chuyển thêm cho Kiên 200 triệu đồng''.

Trong suốt quá trình điều tra vụ án, Kiên không thừa nhận hành vi phạm tội của mình, gây khó khăn cho quá trình điều tra, giải quyết vụ án. Kiên cho rằng, số tiền Kiên nhận của các doanh nghiệp là tiền vay mượn cá nhân. Trong 13 buổi đối chất với 13 doanh nghiệp Kiên cũng vẫn khẳng định là tiền vay mượn, nhưng doanh nghiệp thì trình bày đó là tiền đưa hối lộ cho Kiên.

Do vậy, Viện Kiểm sát nhận định không có căn cứ để áp dụng tình tiết giảm nhẹ "tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án".

Tại tòa, các luật sư bào chữa còn cho rằng bị cáo vô ý nhận hối lộ, không nhận thức hết hành vi của mình vì doanh nghiệp đưa bao nhiêu cũng được nhưng lại đề nghị xem xét chuyển tội danh sang tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi hoặc tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

Đối với nội dung này, theo Viện Kiểm sát, chủ toạ phiên toà cũng đã nhắc nhở luật sư và những phân tích ở trên cho thấy không thể vô ý nhận 253 lần hối lộ được, trong số đó có gần 200 lần nhận qua tài khoản ngân hàng. Vì vậy, Viện Kiểm sát không đối đáp nội dung này.

Nói lời sau cùng tại phiên toà tối 21/7, bị cáo Phạm Trung Kiên - cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã bật khóc khi bản thân là người duy nhất trong 54 bị cáo bị Viện Kiểm sát đề nghị án tử hình.

"Đó là bản án rất nghiệt ngã với cuộc đời, với gia đình bị cáo. Bị cáo không nghĩ là mình lại vi phạm đến mức phải bị loại khỏi cuộc sống, rời khỏi thế giới khi mới ngoài 40 tuổi. Bị cáo xin lỗi gia đình, người thân, bố mẹ và con bị cáo", Kiên nghẹn ngào.

Chiều 24/7, luật sư Hà Mạnh Huy (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - một trong 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) cho biết, chị gái của bị cáo này vừa nộp thêm 7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả trong đại án "chuyến bay giải cứu".

Theo đó, Phạm Trung Kiên khắc phục hơn 42 tỷ đồng trong số 42,6 tỷ đồng bị cáo nhận hối lộ.

Anh Văn - Viên Minh
Bình luận
vtcnews.vn