Trong thời gian gần đây, lãnh đạo doanh nghiệp ngày càng được "trẻ hóa". Nhưng câu hỏi được nhiều người đặt ra chính là liệu những lãnh đạo này "tuổi trẻ tài cao" hay chỉ đơn giản họ là con của những chủ doanh nghiệp lớn.
Nữ Chủ tịch trẻ nhất
Tháng 5/2013 thị trường chứng khoán Việt Nam “nóng hầm hập” bởi sự xuất hiện của nữ Chủ tịch Hội đồng quản trị trẻ tuổi nhất sàn chứng khoán. Đó là chị Phạm Đỗ Diễm Hương, con gái của đại gia ngân hàng Phạm Trung Cang.
Cô gái sinh năm 1989 được bổ nhiệm vào hai vị trí quan trọng nhất: Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng (TPC). Trở thành lãnh đạo của một công ty ở tuổi 24, chị Phạm Đỗ Diễm Hương được đưa vào danh sách các cậu ấm cô chiêu “tuổi trẻ tài cao”.
Nhưng có một thực tế không ai phủ nhận được chính là chị Diễm Hương trở thành lãnh đạo TPC chủ yếu do chị là con gái ông Phạm Trung Cang, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị TPC. Trước đó, ông Cang buộc phải “nghỉ hưu” vì liên quan đến những ồn ào trong ngành ngân hàng.
Ông Phạm Trung Cang vốn rất nổi tiếng trong lĩnh vực ngân hàng. Ông là một trong những thành viên đầu tiên cùng với Trần Mộng Hùng, Nguyễn Đức Kiên thành lập Ngân hàng Á Châu (ACB). Nhưng trước khi tạo dấu ấn với ngân hàng, ông đã khởi nghiệp với bao nhựa đen tái sinh tại TP.HCM từ những năm đầu thập niên 1980. Ông là người sáng lập nên TPC.
Vì vậy, khi trở thành lãnh đạo TPC ở tuổi 24, bên cạnh một vài lời khen “tuổi trẻ tài cao”, chị Phạm Đỗ Diễm Hương vẫn nhận không ít nghi ngại. Có ý kiến cho rằng, tiểu thư 8X này vẫn quá trẻ để đảm đương trọng trách.
Để cổ đông tin tưởng vào kế hoạch bổ nhiệm này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch TPC từng nói: “Hội đồng quản trị cũng như bản thân ông Cang đã có những trăn trở và suy nghĩ về vấn đề này. Hội đồng quản trị có trách nhiệm hỗ trợ, hậu thuẫn để Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc mới làm quen với cương vị, hạn chế tối đa mặt nhược trong quá trình tiếp cận công việc. Đồng thời Hội đồng quản trị cũng cam kết sẽ đảm bảo tiến trình phát triển liên tục ổn định của công ty".
Công ty đi lùi
Không rõ mục tiêu “tiến trình phát triển liên tục ổn định” là như thế nào nhưng biết rằng kể từ khi nữ Chủ tịch trẻ nhất sàn chứng khoán thực hiện nhiệm vụ của mình, lợi nhuận của công ty giảm dần đều.
Cụ thể, chị Diễm Hương đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc TPC từ tháng 5/2013, ngay trong năm 2013, lợi nhuận TPC đã đi xuống. Lợi nhuận sau thuế TPC trong năm 2013, 2014, 2015 lần lượt là 23,5 tỷ đồng, 11,7 tỷ đồng và 10,6 tỷ đồng.
Như vậy, lợi nhuận sau thuế của TPC năm 2013, 2014 và 2015 giảm lần lượt 6,5 tỷ đồng, tương ứng 21,7%, giảm 18,3 tỷ đồng, tương ứng 61% và giảm 19,4 tỷ đồng, tương ứng 64,7% so với năm 2012 – thời gian chị Diễm Hương vẫn chưa trở thành nữ tướng trẻ nhất sàn chứng khoán.
Trong 3 năm qua, doanh thu của TPC khá ổn định. Doanh thu 2014 tăng nhẹ so với 2013 và doanh thu 2015 giảm nhẹ so với 2014. Doanh thu biến động chậm nhưng lợi nhuận TPC xuống dần đều. Nguyên nhân là do TPC gặp khó trong hoạt động tài chính.
Trong cả 3 năm 2013, 2014 và 2015, lợi nhuận tài chính tại TPC đều ghi nhận con số âm. Cụ thể, lợi nhuận tài chính của TPC trong 3 năm 2013, 2014 và 2015 lần lượt là âm 8,8 tỷ đồng, 2,3 tỷ đồng và 8,8 tỷ đồng.
Có thể thấy, nguyên nhân chính kìm hãm lợi nhuận của TPC chính là lãi vay và tỷ giá. Do không tính toán được tỷ giá, TPC phải gánh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá phát sinh lên đến 14,8 tỷ đồng. Con số này năm 2014 là 3,1 tỷ đồng.
Gánh nặng lãi vay không quá lớn ở TPC nhưng lãi vay cũng khiến lợi nhuận đi xuống. Chi vay lãi vay năm 2014 của TPC là 6,6 tỷ đồng. Trong khi đó, con số này năm 2014 là 10,9 tỷ đồng,
Cùng với việc lợi nhuận đi xuống, cổ tức tại TPC cũng đi lùi. Nếu năm 2012, mỗi cổ đông công ty nhận cổ tức tỷ lệ 14% thì từ năm 2013, tỷ lệ cổ tức giảm dần đều xuống chỉ còn 10% năm 2013, 5% năm 2014 và 6% năm 2015. Trong 2 năm qua, cổ tức tại TPC thậm chí còn thấp hơn lãi suất ngân hàng, bằng 93,2% lợi nhuận sau thuế.
Bình luận