• Zalo

Nóng tối 17/6: Giàn khoan Trung Quốc lại đang dịch chuyển

Thời sựThứ Ba, 17/06/2014 08:41:00 +07:00Google News

(VTC News) - Giàn khoan Hải Dương 981 có dấu hiệu dịch chuyển khoảng 0,7 hải lý.

(VTC News) - Ngày 17/6, lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa ghi nhận giàn khoan Hải Dương-981 có dấu hiệu dịch chuyển khoảng 0,7 hải lý.

Phóng viên Độc Lập (Thanh Niên Online) từ Hoàng Sa cho biết, biên đội tàu Kiểm ngư Việt Nam đã tăng cường quan sát khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 và ghi nhận những biến đổi khác thường.

Tàu hộ tống giàn khoan Hải Dương -981 của Trung Quốc chủ động chống đối lực lượng Kiểm ngư Việt Nam từ xa - Ảnh: TNO
Tàu hộ tống giàn khoan Hải Dương -981 của Trung Quốc chủ động chống đối lực lượng Kiểm ngư Việt Nam từ xa - Ảnh: TNO 

Hôm nay, đội hình các tàu hộ tống Trung Quốc có những thay đổi khác thường, các tàu Hải cảnh, Hải giám, Ngư chính, tàu dịch vụ dầu khí tiến ra ngăn cản thay đổi theo hướng không cố định, có lúc co cụm sát khu vực giàn khoan, lúc phân tán ra xa.

Lực lượng kiểm ngư Việt Nam kiên trì tăng cường cơ động đội hình tiếp cận giàn khoan ở cự ly 9,9 hải lý để quan sát, xác định sự dịch chuyển của giàn khoan Hải Dương 981.

Video giàn khoan Hải Dương 981 không ổn định vị trí:

Tàu Trung Quốc áp sát tàu kiểm ngư Việt Nam ở khoảng cách từ 30-50 mét


Thông tin từ Cục Kiểm ngư Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong ngày 17/6, tàu hải cảnh, hải giám và tàu kéo của Trung Quốc đã áp sát tàu kiểm ngư Việt Nam ở khoảng cách từ 30 đến 50 mét nhằm vây ép, chặn hướng và tăng tốc độ sẵn sàng đâm va vào các tàu của ta.

Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng tăng số lượng tàu xung quanh khu vực hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 lên 136 tàu, trong đó có 37-39 tàu hải cảnh, 12-14 tàu vận tải, 18-20 tàu kéo, 50-58 tàu cá, 5 tàu quân sự. 
Đặc biệt vào lúc 9 giờ 35 phút, một máy bay trực thăng đã hạ xuống giàn khoan. Tàu vỏ sắt của Trung Quốc được sự hỗ trợ của tàu hải cảnh số hiệu 46102 đã tiến hành dàn hàng ngang, ngăn chặn tàu cá của ta ở phạm vi cách giàn khoan khoảng 30 hải lý.

Mặc dù thời tiết tại khu vực giàn khoan đang có gió mùa Tây Nam hoạt động ở cấp 5, biển động, các tàu kiểm ngư của ta vẫn kiên trì bám trụ tại hiện trường và tổ chức tiếp cận giàn khoan để tuyên truyền, đấu tranh và thực thi pháp luật cách giàn khoan từ 9-10 hải lý. 
Các tàu của lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam tiếp tục triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 ra khỏi vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Trong khi đó, cách giàn khoan khoảng 30-35 hải lý, tàu cá của ngư dân Việt Nam vẫn tổ chức thành nhóm, bám sát ngư trường vừa đánh bắt thủy sản, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền.

Việt Nam vẫn đang khai thác dầu khí bình thường


Đó là khẳng định của ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) trước các hãng thông tấn trong nước và quốc tế chiều qua 16/6.
Phó Tổng Giám đốc PVN đồng thời đưa ra những dẫn chứng xác đáng về quá trình khai thác dầu khí bình thường của PVN trong hơn 40 năm qua ở thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

 PVN khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ - Ảnh: ANTĐ
PVN khai thác dầu khí tại mỏ Bạch Hổ - Ảnh: ANTĐ 

Trong thời gian tới, PVN cùng các công ty dầu khí quốc tế sẽ tiếp tục hoạt động bình thường khai thác thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.


Bia chủ quyền Trường Sa thời VNCH được công nhận di tích quốc gia


Theo Tuổi trẻ, sáng 17/6, ông Trương Đăng Tuyến (giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Khánh Hòa) cho biết vừa nhận được Quyết định số 1825 của Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch công nhận cụm bia chủ quyền quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) là di tích lịch sử cấp quốc gia.


 Bia chủ quyền Việt Nam ở đảo Song Tử Tây (Trường Sa) - Ảnh: Huỳnh Hiếu/TTO
Bia chủ quyền Việt Nam ở đảo Song Tử Tây (Trường Sa) - Ảnh: Huỳnh Hiếu/TTO 

Đó là hai bia chủ quyền Việt Nam do Việt Nam Cộng hòa xây dựng tại đảo Song Tử Tây và đảo Nam Yết năm 1956 (nay thuộc hai xã Song Tử Tây và Sinh Tồn, huyện Trường Sa).

Trên hai bia chủ quyền này được Việt Nam Cộng hòa in rõ: “Quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Phước Tuy. Phái bộ quân sự thị sát nghiên cứu đến viếng quần đảo này ngày 22/8/1956 dưới sự hướng dẫn của Hải quân Việt Nam”.

Theo bạn, Việt Nam nên làm gì với giàn khoan trái phép Trung Quốc

  • Kiên trì dùng lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư buộc rút giàn khoan
  • Kết hợp đấu tranh pháp lý và đấu tranh ngoại giao
  • Kiện ra tòa án quốc tế
  • Tuyên truyền cho người Trung Quốc hiểu thực chất vấn đề
  • Ý kiến khác (comment ở cuối bài)
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

» Liệu có phải cơ hội 'thoát Trung'?
» Nóng tối 15/6: Tàu Trung Quốc rọi đèn pha, hú còi uy hiếp tàu Việt Nam
» Xúc động những lá thư tay từ Hoàng Sa

Diệp Vy(tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn