Cảnh báo trên được một đại diện Cienco 5 đưa ra sau khi hay tin Cienco 5 Land đang tích cực chào mời và ồ ạt bán đất nền tại dự án Thanh Hà. Trong khi, tranh cãi về quyền kiểm soát các dự án hoàn vốn này giữa Cienco 5 và Cienco 5 Land vẫn chưa ngã ngũ. Và, Cienco 5 hủy bỏ toàn bộ các nội dung ủy quyền cho Cienco 5 Land liên quan đến dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây và các dự án khác.
Tấp nập bán, mua
Ngay sau khi thông tin Tập đoàn Mường Thanh của đại gia Lê Thanh Thản thâu tóm thành công các dự án Thanh Hà được lan truyền, giá đất tại khu vực này lại lập tức gây sốt. Cảnh người mua, người bán dập dìu như cách đây vài năm, ở thời kỳ sốt nhất.
Ngày 9/6, có mặt tại trụ sở Cienco 5 Land (Lô CT1, Khu đô thị Thanh Hà B – Cienco 5, Hà Đông, Hà Nội), chúng tôi chứng kiến hàng trăm người môi giới đất tụ tập để tìm khách hàng. Bất cứ ai đến đây, chưa biết có ý định mua đấy hay không, đều được tư vấn nhiệt tình hết mức có thể. Thậm chí, nhiều “cò” đất còn lấp lửng “không mua nhanh, đất lên giá, muốn mua cũng khó…”.
Theo một “cò” đất, dự án này hiện đã có quy hoạch mới, giá đất chênh không nhiều so với giá gốc. “Ô liền kề đường 17m mặt quay ra hồ diện tích 85,6 m giá gốc 19 triệu đồng/m2, tiền chênh 200 triệu đồng. Biệt thự mặt hồ, giá gốc 24 triệu đồng/m2 tiền chênh 600 triệu đồng… Những lô liền kề vị trí xấu hơn giá gốc 18 triệu đồng/m2, tiền chênh từ 20 đến 85 triệu đồng", anh này nói.
Khi chúng tôi tỏ ý tiền chênh ngoài hợp đồng quá cao và muốn mua trực tiếp từ Cienco 5 Land, “cò” này cho biết không thể mua được vì hàng đã bán hết từ ngày 2/6. Để chứng minh điều này, một “cò” đất đưa cho tôi một tờ thông báo của Cienco 5 Land và cho biết ai muốn mua giá gốc phải có tờ “thông báo” này.
“Hiện nay Cienco 5 Land đã hoàn thành công tác san nền của lô đất. Cienco 5 Land thông báo đơn đăng ký nguyện vọng/hứa mua tài sản tại Khu đô thị Thanh Hà của ông/bà đã được công ty chúng tôi chấp thuận… Đề nghị ông bà đến nộp tiền đặt cọc đợt 1 cho lô đất… số tiền là 770.400.000 đồng… thời hạn nộp tiền từ 2/6 đến hết ngày 4/6… tại phòng kinh doanh Cienco 5 Land…”, nội dung Thông báo mà “cò” đất vừa nói.
Theo nhân viên môi giới này thì người mua căn cứ vào thông báo, tới trụ sở Cienco 5 Land nộp tiền 50% số tiền của lô đất và nhận được phiếu thu. Hợp đồng làm sau. Khoảng 6 tháng sau khách hàng nộp tiền đợt 2. Tiền chênh sẽ đưa trực tiếp cho “cò’.
Đồng thời, nhân viên môi giới này cũng lưu ý khách, đây mới là hợp đồng hứa mua tài sản. Do đó, khách hàng chỉ phải đóng 50% số tiền của lô đất.
"Để làm sổ đỏ thì cũng phải mất ít nhất vài năm nữa. Có hợp đồng chính chủ là may lắm rồi!" - Nhân viên môi giới này nói.
Ngày 12/6, dù là chủ nhật song tại trụ sở Cienco 5 Land không khí "mua - bán" vẫn nhộn nhịp. Hàng chục "cò" đất vẫn nhiệt tình tìm khách hàng. Trong khi đó, nhiều người mua cho biết họ chủ yếu đến đây để "tìm hiểu là chính".
Cienco 5 cảnh báo rủi ro
Theo đại diện Cienco 5, việc khách hàng đầu tư mua bất động sản tại các dự án Thanh Hà và Mỹ Hưng với Cienco 5 Land khi chưa có sự đồng ý của Cienco 5 sẽ rất dễ gặp rủi ro.
Theo đại diện Cienco5, nguyên nhân do Cienco 5 Land chỉ là doanh nghiệp thực hiện dự án, Cienco 5 mới là nhà đầu tư dự án BT, chủ đầu tư dự án đối ứng. Theo các quy định của pháp luật hiện hành, chỉ có nhà đầu tư – đơn vị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất của quỹ đất thanh toán tương ứng với phần giá trị Dự án BT hoàn thành – mới đủ tư cách pháp lý đứng ra làm sổ đỏ cho người mua.
“Trên tất cả các văn bản pháp lý của Dự án như: Giấy chứng nhận đầu tư, Hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) Dự án Đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây được ký kết với Sở GTVT Hà Tây ngày 18/4/2008, Phụ lục hợp đồng BT được ký kết vào tháng 7/2014 giữa Sở GTVT Hà Nội và Cienco 5, Cienco 5 Land, các quyết định cho phép đầu tư xây dựng dự án hoàn vốn... vai trò nhà đầu tư, chủ đầu tư của Cienco 5 luôn được khẳng định”, đại diện Cienco 5 khẳng định.
Trước đó, như Báo điện tử VTC News đã phản ánh, xuất phát từ mục tiêu nhằm hình thành tuyến đường mới nối thành phố Hà Đông qua các huyện phía nam tỉnh Hà Tây (cũ) và phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, năm 2008, dự án xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây được cấp phép triển khai theo hình thức BT.
Theo chứng nhận đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp lần đầu 25/4/2008, dự án có tổng vốn đầu tư là 6.076 tỷ đồng, lãi vay trong quá trình thực hiện dự án là 920 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện dự án gồm: Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư BT là 607 tỷ đồng, còn lại nhà đầu tư tự huy động. Để hoàn vốn, nhà đầu tư là Cienco 5 được giao làm chủ đầu tư xây dựng 3 dự án khu đô thị mới là Thanh Hà A – Cienco 5, Thanh Hà B – Cienco 5 và Mỹ Hưng – Cienco 5.
Để thực hiện dự án, Cienco 5 thành lập doanh nghiệp dự án lấy tên Cienco 5 Land.
Tại thời điểm thành lập, Cienco 5 Land có vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Điều lạ là dù là nhà đầu tư dự án, song Cienco 5 chỉ sở hữu vỏn vẹn 49%, bằng đúng số cổ phần không chi phối (tương ứng số tiền 24,5 tỷ đồng).
Năm 2009, Cienco 5 Land tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. HĐQT Cienco 5 đã có nghị quyết số 1004/NQ-HĐQT ngày 9/9/2009, trong đó quy định: Cienco 5 không đầu tư tăng vốn lần này vào Cienco 5 Land, đồng thời bán bớt phần vốn của Cienco 5 tại Cienco 5 Land với số lượng 1,95 triệu CP. Như vậy, tại thời điểm này, phần vốn góp của Cienco 5 tại Cienco 5 Land chỉ còn 5% vốn điều lệ.
Năm 2010, Cienco 5 Land tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng theo tỷ lệ 1:1. HĐQT Cienco 5 có Nghị quyết số 827/NQ-HĐQT ngày 17/8/2010 thống nhất mua thêm 500 nghìn CP để tăng vốn góp từ 5 tỷ đồng lên 10 tỷ đồng, giữ nguyên tỷ lệ vốn góp là 5%. Tại thời điểm 30/6/2013, Cienco 5 xác định giá trị DN để cổ phần hóa, trong đó đánh giá lại khoản đầu tư tài chính dài hạn của Cienco 5 Land tăng thêm 305 triệu đồng. Như vậy tổng số vốn đầu tư của Cienco 5 tại Cienco 5 Land là 10,35 tỷ đồng.
Năm 2014, Cienco 5 Land tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng, Cienco 5 đã mua thêm 1 triệu CP tăng vốn góp từ 10,35 tỷ đồng lên 20,305 tỷ đồng, tỷ lệ vốn góp vẫn là 5% vốn điều lệ.
Việc thay đổi vốn điều lệ, chuyển nhượng vốn điều lệ tại Cienco 5 Land theo ông Lê Quang Vinh (Tổng giám đốc Cienco 5) là “không phù hợp với quy định của pháp luật và định hướng ban đầu khi thành lập doanh nghiệp dự án. Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của Cienco 5 tại Cienco 5 Land chỉ còn 3% tổng vốn điều lệ (thay vì 49% vốn điều lệ Cienco 5 Land ở giai đoạn thành lập) không chi phối được hoạt động của doanh nghiệp dự án.
Theo luật sư Đỗ Thái Hán (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), căn cứ vào các quy định của pháp luật, Cienco 5 có quyền hủy bỏ toàn bộ các nội dung ủy quyền đối với Cienco5 Land. Một khi đã bị hủy bỏ toàn bộ ủy quyền, Cienco 5 Land không còn là doanh nghiệp dự án nữa, đồng nghĩa với việc không được phép thực hiện dự án BT, không được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dự án Thanh Hà A-B, Mỹ Hưng mặc dù phần vốn Nhà nước ở công ty này chỉ còn 5%.
Mặc những cảnh báo mang tính pháp lý cao như vậy, nhiều người vẫn "ôm tiền" lao vào các dự án Thanh Hà A-B và Mỹ Hưng. Chuyện gì sẽ xảy ra tới đây?
Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục phản ánh.
Bình luận