• Zalo

Nông sản Trung Quốc: Tạm thời được công nhận

Sức khỏeThứ Ba, 16/10/2012 04:10:00 +07:00Google News

(VTC News) - Hai nước tạm thời được công nhận trong việc xuất khẩu nông sản vào Việt Nam là Trung Quốc và Lào.

(VTC News) – Hoa quả Trung Quốc không đảm bảo là nỗi lo sợ của nhiều người. Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Bộ NN&PTNT thì 2 nước tạm thời được công nhận trong việc xuất khẩu nông sản vào Việt Nam là Trung Quốc và Lào.

Mất an toàn vệ sinh thực phẩm là mối đe dọa thường trực đối với sức khỏe, sinh mạng con người. Gần đây, người dân rất lo ngại khi báo chí dồn dập cảnh báo về tình trạng thịt bẩn, rau quả nhiễm hóa chất bảo quản độc hại xuất hiện tràn lan trên thị trường.

Các vị khách mời tham gia giao lưu. 
Hơn lúc nào hết, câu hỏi mua gì, mua ở đâu và ăn gì, ăn ở đâu cho an toàn thật sự đang là mối bận tâm chung của nhiều người tiêu dùng.

Vậy phải chăng vấn đề An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang bị bỏ ngỏ? Người tiêu dùng phải làm gì để tự bảo vệ mình trước vấn nạn này? Để giải đáp mối quan tâm này của người dân, sang nay (16/10) Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm “Để có bữa ăn an toàn cho mọi nhà”.

Công khai thông tin về hoa quả nhập khẩu cho người dân

Hiện nay, khi đi ra đường, người tiêu dùng dễ dàng mua cam với giá 8  -10 ngàn đồng/kg, lê giá 10 ngàn đồng/kg, dưa hấu 8 ngàn đồng/kg… Khi được hỏi về nguồn gốc các loại hoa quả này, nhiều người bán hàng rong lảng tránh trả lời.

Rau quả Trung Quốc hiện được bán rất nhiều nhưng nguồn gốc xuất xứ thì lại không rõ ràng. 
Tại cuộc giao lưu, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thuỷ sản, Bộ NN&PTNT chia sẻ: “Có lẽ chúng ta thấy phản ánh tình trạng bày bán rau quả rất “thoải mái” trên đường phố.

Người tiêu dùng cũng chưa quan tâm lắm đến xuất xứ cũng như độ tin cậy của sản phẩm. Việt Nam là một cường quốc xuất khẩu nông sản thực phẩm. Tuy nhiên với đời sống ngày càng cao, chúng ta nhập khẩu cũng rất nhiều, đặc biệt là rau củ quả”.

Bên cạnh việc kiểm soát đối với chuỗi sản xuất trong nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã sớm ban hành thông tư về thực phẩm nhập khẩu. Thông tư 13 đưa ra quy trình kiểm soát chặt chẽ 3 bước: trước xuất khẩu, tại cửa khẩu và sau nhập khẩu.

Ông Tiệp cũng cho biết: “Các nước xuất khẩu phải đăng ký hồ sơ cung cấp đầy đủ thông tin kiểm soát danh mục các chất sử dụng trong canh tác rau củ quả. Có 11 nước đã đáp ứng được yêu cầu chính thức được công nhận, 2 nước tạm thời được công nhận là Trung Quốc và Lào.

Bên cạnh kiểm soát tại các cửa khẩu, có các trạm kiểm soát thực vật. Đồng thời kiểm tra kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm, kết quả kiểm tra lấy mẫu kiểm nghiệm trong thời gian gần đây đã phát hiện kịp thời, ngăn chặn các lô hàng không bảo đảm.

Vừa rồi, Cục bảo vệ thực vật đã phát hiện 14/58 mẫu các loại quả như cam quýt, nho, mận, khoai tây có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra để kịp thời ngăn chặn các lô hàng không đảm bảo. Thời gian qua đã thông báo công khai để người tiêu dùng có đủ thông tin khi mà lựa chọn được sản phẩm an toàn”.

Độc giả tham gia giao lưu đặt vấn đề liệu hoa quả ăn vào có bị ngộ độc không khi quả táo mua về để 1,5 tháng vẫn tươi bên ngoài, trong thì thối.

Ông Nguyễn Như Tiệp cho rằng, Ủy ban tiêu chuẩn của quốc tế đã đưa ra danh mục các chất bảo quản được phép sử dụng. Khi kiểm tra, chúng tôi kiểm tra các chất tồn dư các chất bảo quản. Nếu chất bảo quản không có trong danh mục được phép thì vi phạm. Nếu phát hiện chất bảo quản trong danh mục thì sẽ kiểm tra có vượt quá ngưỡng hay không.

Không chỉ thực phẩm nhập khẩu, nếu người sản xuất không có ý thức, thiếu đạo đức, lạm dụng chất bảo quản lâu ngày, có hại cho sức khỏe con người, chúng ta phải đấu tranh để xử lý tận gốc.

Còn ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế khẳng định: “Kết quả như thế thì chúng ta phải qua kiểm nghiệm, không thể phỏng đoán được. Không thể nghĩ quả táo, quả cam có gì đấy thì mới có thể để được lâu, mà phải qua kiểm nghiệm. Chúng ta không nên phỏng đoán, đánh giá cảm quan”.

Tránh ngộ độc: Chỉ là nấu chín

Bên cạnh việc sản phẩm thực phẩm cần được mua ở nơi có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm nhập khẩu cần được cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ thì chính người tiêu dụng trong quá trình sử dụng, chế biến cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Như Tiệp cho biết: Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu hàng ngày, đương nhiên khi người dân nghe thông tin dồn dập về những sự cố thực phẩm, trong đó có việc phát hiện các thực phẩm không an toàn, ngộ độc, người ta sẽ lo lắng.

Là cơ quan quản lý, chúng tôi dựa trên mẫu giám sát có tính đại diện cao, mẫu thống kê. Hàng năm Bộ NNPTNT đều lấy mẫu giám sát với những nông sản chủ lực như thịt, rau, quả... cho thấy tỷ lệ gia cầm nhiễm vi sinh vượt quá mức cho phép là 30% năm 2011.

Hải sản nhiễm tồn dư hóa chất là 0,8% năm 2011, ô nhiễm sinh học là 6,7%. Việc lấy mẫu được thực hiện tại hầu hết các tỉnh, đại diện cho sản xuất nhỏ lẻ và sản xuất lớn, kích cỡ mẫu đủ lớn, đảm bảo tin cậy.

Số liệu giám sát ba năm cho thấy không phải thực phẩm nào cũng có nguy cơ gây hại, ví dụ tệ nhất là thịt gia súc gia cầm nhiễm vi sinh từ 27 đến 30%, nhưng nếu ăn chín uống sôi là xử lý được. Bộ NN&PTNT đang cùng các bộ ngành triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu tỷ lệ nhiễm vi sinh trong thịt gia súc gia cầm.

Chung quan điểm, Ông Nguyễn Thanh Phong nói: “Rõ ràng tỷ lệ ô nhiễm tại Việt Nam vẫn còn nhưng so với các nước trong khu vực thì cũng không phải đáng lo ngại. Nói vậy không phải là bao biện, vẫn còn mối nguy, nhưng như về vi sinh thì không khí ta đang sống cũng có, có thể nhiễm vào thực phẩm khi vận chuyển, chỉ có nguy cơ với những người không ăn chín uống sôi như tiết canh, ăn gỏi. Nếu ăn chín uống chín thì vi sinh sẽ bị tiêu diệt”.

“Nếu chúng ta nhìn vào số thống kê thì số liệu của chúng ta là rất ít. Một chuyên gia quốc tế đã hỏi chúng tôi: Hoa Kỳ gần 300 triệu dân, với điều kiện kinh tế cao, mà một năm có 75, 76 triệu ca tiêu chảy liên quan đến thực phẩm, Việt Nam có gần 90 triệu dân, cũng còn nhiều bất cập xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội, mà con số thống kê về ngộ độc thực phẩm lại rất ít.

Số liệu ta ghi nhận được không đẩy đủ so với thực tế, do không có hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm, nên con số ước lượng của chúng tôi lớn hơn rất nhiều. Ngay cả các nước có hệ thống giám sát đầy đủ thì các trường hợp ghi nhận cũng chỉ bằng 10% so với thực tế.

Tôi xin nói thêm vấn đề ngộ độc mạn tính, thực tế cũng có nhưng nếu nói mức độ tất cả đều bị ngộ độc mạn tính là không chính xác. Như Viện Dinh dưỡng đã nói, thể trạng người Việt, tuổi thọ người Việt đã được cải thiện rất đáng kể trong thời gian qua, có nhiều yếu tố khác nhau, nhưng rất quan trọng là yếu tố về thực phẩm, nếu thực phẩm đều không an toàn thì tuổi thọ làm sao tăng được?

Ta phải thống nhất với nhau, vấn đề ATTP, những rủi ro là điều khó tránh, ngay cả những nước phát triển. Những sự cố lớn về ATTP như melamine, chất tạo đục, rau củ quả nhiễm ecoli… xuất phát ở các nước phát triển là chủ yếu. Còn ở Việt Nam, tình trạng ngộ độc vẫn xảy ra, nguy cơ vẫn còn, đấy là quy luật chung của quản lý thực phẩm, tuy nhiên không đến mức độ hoang mang, mất tin tưởng.

Vì thực phẩm chúng ta xuất khẩu lớn, trong nước có nhiều cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm được chứng nhận an toàn như thực hành nông nghiệp tốt. Nói như vậy không có nghĩa chúng ta không còn mối nguy, nhưng không có nghĩa mối nguy ấy đại diện cho cả Việt Nam. Hiện 87 triệu dân vẫn đang sử dụng thực phẩm Việt Nam. Hàng triệu khách du lịch vào Việt Nam hàng năm cũng đều sử dụng thực phẩm của Việt Nam.

Còn đối với các mối nguy còn lại, xuất phát điểm là nước làm nông nghiệp, đa phần sản xuất nhỏ, 9,4 triệu hộ nông dân đều tham gia vào sản xuất thực phẩm, chúng ta không thể vì vấn đề an toàn, chúng ta xóa bỏ sản xuất nhỏ này vì nó đã tồn tại hàng ngàn năm nay.

Chúng ta có hàng trăm nghìn cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, chủ yếu quy mô nhỏ lẻ, không thể vì an toàn mà dẹp hết. Cho nên, chúng ta đảm bảo VSATTP phải phù hợp với điều kiện kinh tế- xã hội của từng thời kỳ”.

Còn ông Nguyễn Phú Cường, Vụ phó Vụ Khoa học - Công nghệ, Bộ Công Thương chia sẻ: “Tôi có quan điểm tương tự. Vì nếu thực phẩm không an toàn, không đủ dinh dưỡng thì rất khó thuyết phục về con số thống kê của Viện Dinh dưỡng về chiều cao, thể trạng của người Việt Nam trong 20 năm qua, khi chiều cao, cân nặng trung bình tăng, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm.

Và nếu ta kiểm tra bàn tay tôi thì vi sinh vật cũng có, việc sử dụng thực phẩm dù an toàn cũng có nguy cơ nếu để ôi thiu, nấu nướng không an toàn.

Bên cạnh thực phẩm tốt thì còn phải sử dụng đúng cách, như Bộ Y tế khuyến cáo về người tiêu dùng thông minh. Còn theo Bộ Công Thương, các nông sản Việt Nam đã xuất khẩu được vào nhiều thị trường khó tính, có yêu cầu cao về VSATTP như Mỹ, Nhật, Hoa Kỳ”.






VTC News

Bình luận
vtcnews.vn