Những năm gần đây, tại Hà Tĩnh, các mô hình nông nghiệp hữu cơ mang lại giá trị kinh tế cao xuất hiện ngày càng nhiều. Trong đó có nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ khẳng định được thương hiệu, có được chỗ đứng trên thị trường, được nhiều đối tác, doanh nghiệp phân phối trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Sử dụng sản phẩm hữu cơ không chỉ góp phần ủng hộ sự phát triển những thực phẩm tốt cho sức khỏe, mà góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ với sự tôn trọng môi trường, gìn giữ sự đa dạng sinh học.
Một trong những “ngọn cờ” tiên phong trong phong trào làm nông nghiệp hữu cơ ở Hà Tĩnh không thể thiếu HTX Nông nghiệp Gia Phúc (xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) do ông Lê Vạn Hải (SN 1974) làm giám đốc.
Ông Hải là người con thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em. Nơi ông sinh ra là xã miền núi nghèo của Hà Tĩnh, không được thiên nhiên ưu đãi nên canh tác nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Sau khi trải qua nhiều lĩnh vực như: thương mại dịch vụ, xây dựng, giao thông vận tải… ông Lê Vạn Hải quyết định chuyển hướng sang nông nghiệp hữu cơ, hiện đại, trong sự nghi ngờ về mức độ thành công của nhiều người.
Với quyết tâm làm giàu trên mảnh đất cằn sỏi đá, ông Hải mua lại 40ha đất đồi của hàng chục hộ dân để “khởi nghiệp”. Nhiều người còn nói ông Hải giống Chí Phèo khi bỏ làng xóm lên núi dựng lán nuôi lợn, trồng cây.
Năm 2013, ông Lê Vạn Hải cùng các cổ đông thành lập HTX Nông nghiệp Gia Phúc, ngành nghề chủ lực là chăn nuôi lợn liên kết và trồng cây ăn quả với vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Mục tiêu mang đến những sản phẩm tốt nhất, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Qua những buổi tập huấn, ông Hải hiểu rằng làm nông nghiệp truyền thống kém hiệu quả, nên mạnh dạn chi hàng tỷ đồng để ứng dụng cơ giới hóa, khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. HTX cũng "mạnh tay" mời các chuyên gia Israel sang tận nơi chuyển giao quy trình kỹ thuật, thuê các kỹ sư nông nghiệp làm thuê cho HTX của mình.
Hiện nay, 7 sản phẩm của HTX gồm: cam giòn, cam chanh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Phúc Trạch, táo, ổi được Công ty CP chứng nhận và kiểm nghiệm FAO chứng nhận các sản phẩm được sản xuất phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ vào tháng 9/2022 trên diện tích 25 ha.
“Làm nông nghiệp hữu cơ phải đặt tiêu chí "sạch" lên hàng đầu, "nói không" với hóa chất, phân bón vô cơ để dần thay đổi ý thức về làm nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch.
Điều chúng tôi mong muốn là tính bền vững và người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn. Bởi vậy, HTX chúng tôi sản xuất theo hướng hữu cơ – organic. Chúng tôi đã đầu tư hạ tầng theo quy trình khép kín, phân từ trại lợn về sẽ cho giun quế ăn để sản xuất phân hữu cơ”, ông Hải chia sẻ.
Ngoài ra, HTX còn sử dụng cá, đậu nành, cám gạo, trái cây, men rượu… ủ với men vi sinh để bón bổ sung cho cây hoặc tạo thành chế phẩm sinh học, diệt trừ sâu bệnh, nấm mốc.
Việc tuân thủ các quy trình kỹ thuật trong canh tác hữu cơ đã giúp các sản phẩm của HTX Nông nghiệp Gia Phúc được tin dùng và bán với giá cao. Mỗi năm HTX Nông nghiệp Gia Phúc cho ra thị trường hơn 130 tấn bưởi da xanh Bến Tre, giá bán 30.000 đồng/kg và hơn 100 tấn cam giòn được thương lái thu mua với giá 50.000 đồng-55.000 đồng/kg.
Ngoài trồng cây hữu cơ, HTX của ông Hải còn xuất ra thị trường khoảng 35.000 con lợn giống chất lượng nhờ mô hình chăn nuôi tiên tiến. Trung bình HTX Nông nghiệp Gia Phúc thu về hơn 6 tỷ đồng/năm.
Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Hùng, HTX Nông nghiệp Gia Phúc là một trong những mô hình tiêu biểu của tỉnh nhà có nhiều hướng đi mới, đón đầu ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất và tiêu thu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Từ lâu, HTX Hà Tĩnh, trong nếp nghĩ của nhiều người còn là sự trì trệ của mô hình HTX kiểu cũ. Bởi vậy sự hình thành và phát triển của HTX Nông nghiệp Gia Phúc đã góp phần thay đổi cách nhìn đối với kinh tế tập thể thời nay.
Đây thực sự là mô hình HTX kiểu mới đúng nghĩa, hội đủ các yếu tố về nhân lực, nguồn lực, đón đầu ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất”, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh đánh giá.
Bình luận