• Zalo

Nông dân hoang mang giữa 'ma trận' phân bón giả

Kinh tếThứ Ba, 29/12/2015 03:12:00 +07:00Google News

Nông dân hoang mang giữa 'ma trận' phân bón giả

Phân bón với tên gọi kỳ lạ, bao bì nhãn mác nhập nhèm, hàm lượng phân lân còn thấp hơn cả trong đất tự nhiên... khiến cho người nông dân không khỏi hoang mang mỗi khi mua về sử dụng.

“Ma trận” phân bón

Tâm điểm của sự bát nháo này là thị trường phân bón khu vực Tây Nguyên, điển hình là ở tỉnh Đăk Lăk, nơi được coi trung tâm kinh tế của Tây Nguyên. Những sản phẩm phân bón với tên gọi hết sức kỳ cục như phân bón rễ cao cấp Vôi - Lân – Canxi; Lân super canxi; sản phẩm Lân - Canxi - Magie – Silic; sản phẩm Lân Vôi Canxi…
 Một loại phân bón giả, với “hàm lượng dinh dưỡng chính” là bùn và cát được phát hiện ở Đăk Lăk.  Ảnh:  A.N
Sau nhiều ngày đi khảo sát thị trường phân bón tại một số tỉnh Tây Nguyên, tổng giám đốc một công ty phân bón có tiếng tại Hà Nội (xin không nêu tên) cho biết: “Nếu không tận mắt chứng kiến, chúng tôi không thể hình dung được việc doanh nghiệp (DN) đặt tên phân bón lại liều lĩnh và bát nháo đến như vậy”.

Cụ thể, theo vị tổng giám đốc, khảo sát tại đại lý phân bón và vật tư nông nghiệp P.C (xã Ea M’Nang), đại lý H.A (xã Quảng Hiệp), đại lý Đ.Đ (xã Cư Mgar) đều thuộc huyện Cư Mgar, Đăk Lăk, ông thấy bày bán đủ thể loại các sản phẩm tên gọi khá kỳ lạ. Đó là sản phẩm phân bón rễ cao cấp Vôi - Lân - Canxi được ghi sản xuất tại Nhà máy Phân bón Hoa cương Đất Việt, có địa chỉ tại tỉnh Đăk Lăk. Mặc dù tên gọi là Vôi - Lân - Canxi, song thành phần P2O5 (lân) trên bao bì chỉ là 0,2%, tức là xúc một nắm đất bất kỳ nào tại một vườn cà phê ở Tây Nguyên đem xét nghiệm cũng sẽ cho ra kết quả P2O5 cao hơn con số 0,2% ghi trên bao bì này. Tiếp đến, sản phẩm Lân super canxi được ghi trên bao bì là của Công ty Công nghệ sinh học Đại Nghĩa, có hàm lượng P2O5 = 0,1%, “Không hiểu với 0,1% này thì cây trồng hút được gì?” – vị tổng giám đốc nói trên ngao ngán cho hay.
Bao bì với tên gọi kỳ lạ. Ảnh: A.N
Bao bì với tên gọi kỳ lạ. Ảnh: A.N 
Sản phẩm Lân Vôi Canxi (địa chỉ ghi trên bao bì là của Công ty CP Phân bón Đại Phát, địa chỉ ở Đồng Nai) chỉ ghi thành phần vừa đủ là P2O5 mà không biết hàm lượng bao nhiêu?

Cũng tại các đại lý này còn bày bán sản phẩm Vôi lân Thành Lợi Ninh Bình (được ghi trên bao bì là của Công ty TNHH Thành Lợi, địa chỉ tại Hoa Lư, Ninh Bình) còn viết sai cả tên công thức hóa học của thành tố canxi trong phân bón (CaO) thành CA”.


Tại Phụ lục 13, Thông tư 29/2014 của Bộ Công Thương quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ, hướng dẫn việc cấp phép sản xuất phân bón vô cơ đồng thời sản xuất phân bón hữu cơ và phân bón khác (thực hiện Nghị định số 202/2013 về quản lý phân bón) thì hàm lượng tối thiểu P2O5 phải ≥ 13,5% mới được gọi là phân lân.

Vậy nên những sản phẩm gọi là lân ở trên mà thành phần P2O5 chỉ vỏn vẹn từ 0,1 đến 0,2% không thể đủ điều kiện để được gọi bằng lân, nói cách khác là phân bón giả mạo lân.


Theo tìm hiểu của  vị tổng giám đốc, hiện nay có một số lượng đáng kể đại lý phân bón không cần quan tâm loại phân bón này tốt hay không, họ chỉ quan tâm tới mức hoa hồng, lợi nhuận thu về rất cao.

Nếu như lợi nhuận bán 1 bao lân nung chảy hay supe lân 50kg chỉ được 3.000 - 5.000 đồng, thì bán 1 bao phân trung vi lượng với những thành tố thật giả lẫn lộn như trên  cho lợi nhuận trên dưới 20.000 đồng/bao, nên chủ đại lý không ngần ngại cho biết đã tư vấn để nông dân mua các loại “phân bón” này để có lợi nhuận cao hơn. Nếu người dân không đồng ý, họ mới bán cho người dân các sản phẩm phân lân đúng nghĩa.


Gây ngộ độc, suy thoái đất

Thống kê chưa đầy đủ và theo đánh giá của một số nhà khoa học, Việt Nam là quốc gia có danh mục sản phẩm phân bón thuộc diện nhiều nhất thế giới, với khoảng hơn 5.000 loại. Không chỉ sản phẩm phân bón nhiều mà số lượng DN sản xuất phân bón của Việt Nam cũng rất lớn. Theo thống kê của Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT và Hiệp hội Phân bón Việt Nam, hiện nước ta có gần 800 DN sản xuất, kinh doanh phân bón, trong đó riêng tại TP.HCM xấp xỉ 500 DN.

Bao nhiêu trong số trên là DN phân bón thật sự đủ điều kiện kinh doanh, bao nhiêu DN chưa đủ điều kiện, chỉ “gia công” các loại phân bón giả, rởm? Con số đó có lẽ không có ai có thể trả lời chính xác, tuy nhiên thực tế trong khoảng 2 năm gần đây, trên thị trường xuất hiện nhan nhản các sản phẩm phân bón trung, vi lượng vượt ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng, và người nông dân đang “hoa mắt” trước đủ loại phân bón giả với đủ tên gọi mập mờ kiểu giăng bẫy.

Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), hiệu quả sử dụng phân bón tại Việt Nam chỉ đạt 45 - 50% do sử dụng không đúng cách, nên mỗi năm nước ta lãng phí tới 2 tỷ USD (hơn 44.000 tỷ đồng theo thời giá hiện nay). Và trong số 10 triệu tấn phân bón được bón trên đồng đất Việt Nam mỗi năm, có một phần không nhỏ sản phẩm “phân bón” chỉ là bột đá nghiền thuần túy, chưa qua chế biến nên các chất này chưa chuyển thành chất dinh dưỡng và cây trồng không thể hấp thụ được, ngược lại làm chết cây, hỏng đất. Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới (Sở KHCN TP.HCM), “đối với các loại phân trung vi lượng cần phải có biện pháp, chế tài và quy định cụ thể nếu không sẽ bị lạm dụng dẫn tới đất đai bị ngộ độc, chai hóa mà không thể cải tạo lại được”.

Tại sao tình trạng phân bón giả, phân bón nhái nhãn mác, kém chất lượng ngày càng xuất hiện với mức độ trầm trọng hơn và chủ yếu xảy ra với sản phẩm phân bón tổng hợp NPK và mới đây nhất là phân trung, vi lượng? Các chuyên gia nhận định gì về tình trạng này? Các cơ quan quản lý nhà nước về phân bón đang làm gì, ở đâu... Người nông dân và doanh nghiệp chân chính đang chờ câu trả lời.

Nguồn: Dân Việt
Bình luận
vtcnews.vn