• Zalo

Nông dân Hà Nội được hưởng lương hưu: Đâu là sự thật?

Bạn đọcThứ Tư, 27/08/2014 11:00:00 +07:00Google News

(VTC News) - Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về thông tin nông dân xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội được hưởng lương hưu.

(VTC News) - Thời gian gần đây, dư luận xôn xao về thông tin nông dân được  xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Hà Nội được hưởng lương hưu.

Trong cuộc họp giao ban báo chí chiều 26/8, ông Phan Đăng Long – Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua có một số phương tiện truyền thông, báo chí đã tuyên truyền tốt về mô hình nông thôn mới tại xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai. Trong đó có thông tin tại địa phương này, nông dân được hưởng lương hưu.

Nhưng bên cạnh đó, Thành Uỷ Hà Nội lại nhận được một số đơn thư phản ảnh của người dân về tình trạng vi phạm tại xã Thanh Văn. Bởi vậy, Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ Hà Nội đã tiến hành một cuộc kiểm tra, khảo sát thực tế tại địa phương này.

Kết quả cho thấy, bên cạnh những ưu điểm, xã Thanh Văn đã xảy ra nhiều sai phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Đáng chú ý, việc nông dân được hưởng lương hưu là từ nguồn tiền chuyển nhượng đất đai trái phép trên địa bàn.

Ông Phan Đăng Long - Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội.

“Trong quá trình triển khai nông thôn mới tại xã Thanh Văn cũng có một số đoàn lãnh đạo về thăm. Có lẽ vì vậy mà báo chí tưởng mô hình nông thôn tại đây tốt nên tuyên truyền. Nhưng thực tế lại tồn tại nhiều sai phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Nếu cứ bán đất để lập quỹ như vậy thì rất gay go.

Nếu báo chí không nắm được tình hình và cứ tuyên truyền tốt thì sẽ ảnh hưởng xấu tới việc xây dựng nông thôn mới tại các địa phương khác. Bởi vậy tôi đề nghị báo chí thận trọng, không tuyên truyền về mô hình này,” ông Long nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Đinh Trường Thọ - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cho biết, Đảng ủy, UBND xã Thanh Văn đã có những việc làm không đúng các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, tiềm ẩn những vấn đề phức tạp. 

Về sai phạm trong công tác quản lý đất đai, từ năm 2005 công dân có đơn tố cáo, UBND huyện đã thanh tra và kết luận UBND xã Thanh Văn và các thôn tổ chức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, sử dụng đất sai mục đích, vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng đất. 

Những sai phạm đó không được chấm dứt mà tiếp tục tái diễn nghiêm trọng hơn. Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo cấp ủy chi bộ và ban lãnh đạo các thôn tổ chức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất lấy kinh phí xây dựng hạ tầng của thôn và nộp vào Quỹ phúc lợi và bảo hiểm nông thôn, dẫn đến tình trạng các thôn tự tổ chức chuyển nhượng các ô, thửa đất công, đất công ích, đất xen kẹt, đổi đất lấy công trình từ năm 2005-2013 với diện tích gần 35.000 m2. 

Đây là việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giao đất trái thẩm quyền, vi phạm Luật Đất đai và Bộ Luật hình sự.

 Ông Đinh Trường Thọ - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội trao đổi với báo chí.

Các thôn đã thu số tiền 90,7 tỉ đồng từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai trái quy định pháp luật để đầu tư xây dựng công trình hạ tầng của thôn. Số tiền này cũng được nộp vào Quỹ phúc lợi và bảo hiểm nông thôn có sự công khai đến người dân nhưng không mở sổ sách kế toán theo dõi, thống kê lưu trữ; quy trình giám sát việc thu, chi không chặt chẽ, không có chứng từ cụ thể. 

Đến nay các thôn còn nợ tiền đầu tư xây dựng cơ bản 17,087 tỉ đồng; các công trình hạ tầng các thôn được đầu tư xây dựng không có thiết kế, dự toán, được quản lý theo kinh nghiệm dẫn đến một số chi không đúng, gây thất thoát lãng phí, một số công trình chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng người dân bức xúc.

Về việc thành lập, hoạt động Quỹ phúc lợi và bảo hiểm nông dân, đến thời điểm khảo sát quỹ đã có 1.423 người tham gia, trong đó có 678 người được hưởng lương hưu từ quỹ với mức 400 nghìn đồng/người/tháng. Quỹ quản lý số tiền hơn 53,6 tỉ đồng. Nhưng phần lớn vốn hình thành quỹ là từ số tiền 33,6 tỉ đồng (cùng với lãi suất gửi tín dụng) thu được do các thôn và UBND xã tổ chức chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái quy định pháp luật. 

Quỹ bảo hiểm và phúc lợi nông dân được thành lập và hoạt động chưa có cơ sở pháp lý. Cụ thể, Ban quản lý quỹ không có tư cách pháp nhân, hoạt động thu chi không có con dấu riêng, nên các chứng từ kế toán chưa đảm bảo đầy đủ yếu tố hợp lệ, hợp pháp theo quy định Luật Kế toán. 

Ngoài ra, việc quy định mức thu đóng góp của các thành viên và mức chi trả lương hưu, phụ cấp, chi hội nghị, tiếp khách, hội họp và chi hỗ trợ Đảng ủy, UBND, các đoàn thể xã… được thực hiện ngoài quy định của Điều lệ quỹ. 

Kế toán quỹ chưa ở sổ cái để tổng hợp cân đối các tài khoản đã sử dụng, mà mở sổ chi tiết tài khoản tiền gửi ngân hàng thực hiện chất là để theo dõi các khoản tiền cho các ngân hàng - quỹ tín dụng vay vốn. Đây là việc lập quỹ trái phép, không đúng quy định của pháp luật hiện hành, vi phạm Điều 166 Bộ Luật Hình sự.

Từ kết quả trên, ông Thọ nhận định: “Thời gian qua một số cơ quan truyền thông, báo chí đã thông tin, đề cập về mô hình, điển hình xã Thanh Văn, trong xây dựng nông thôn mới. Đối chiếu với kết quả khảo sát thấy đây là thông tin một chiều, không đúng bản chất sự việc, gây ngộ nhận, hiểu nhầm trong dư luận xã hội.”

Về biện pháp xử lý đối với các sai phạm xảy ra tại xã Thanh Văn, ông Thọ cho biết, đây mới chỉ là kết quả khảo sát bước đầu ủa Uỷ ban kiểm tra Thành uỷ Hà Nội. Hiện Thành uỷ đã giao UBND TP Hà Nội thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra toàn diện. Phải rà soát từng trường hợp vi phạm cụ thể sau đó mới có hướng xử lý.

Minh Quyết
Bình luận
vtcnews.vn