Constrexim Hod biến nhà tái định cư thành nhà công vụ
Một trong những sự kiện tốn nhiều giấy mực nhất của báo chí tuần vừa qua là việc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Constrexim (Constrexim Hod) đã có những việc làm khuất tất khi dùng quỹ nhà tái định cư (118 căn hộ) tại dự án Green Park (Yên Hòa – Cầu Giấy, Hà Nội), để bán cho Chính phủ sử dụng làm nhà công vụ. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Constrexim Hod đã sử dụng sai mục đích quỹ đất 20% của lô đất CT1 – CT2, thuộc dự án khu nhà ở và công trình công cộng Yên Hòa, Cầu Giấy.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch Hội đồng quản trị Constrexim Hod cho rằng, việc bán quỹ nhà nói trên là đúng pháp luật và thực hiện theo chỉ đạo của cấp thẩm quyền. Theo đó, Constrexim Hod dùng quỹ nhà tái định cư để bán cho Chính phủ làm nhà công vụ và được sự chấp thuận của của UBND thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng.
Trả lời báo chí ngày 29/3, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho rằng, việc bán căn hộ tái định cư tại CT1, CT2 Yên Hòa làm nhà công vụ cũng ảnh hưởng đến quỹ nhà tái định cư, song nhu cầu về nhà công vụ cấp thiết hơn nên cần ưu tiên.
Trong khi đó, theo báo cáo của Sở Xây dựng, nhà tái định cư trên địa bàn chỉ đáp ứng 50% nhu cầu nhà ở tái định cư cho các hộ dân bị thu hồi đất cho các dự án theo đó các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ do thiếu quỹ nhà tái định cư để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Điều đáng nói, khi được hỏi về những vướng mắc liên quan đến dự án, chủ đầu tư đều lấy lý do thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng đã phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tiến hành khảo sát một số dự án nhà ở trên địa bàn thành phố Hà Nội để mua nhà chung cư làm nhà công vụ.
Tuy nhiên, trong văn bản chỉ đạo UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng số 83/TTg-KTN của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc mua căn hộ chung cư làm nhà ở công vụ ngày 13/1/2012 ghi rõ:
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội tổ chức mua 100 căn hộ chung cư làm nhà ở công vụ, trước mắt mua 30 căn đáp ứng yêu cầu sử dụng được ngay.
Như vậy, Thủ tướng không hề chỉ đạo mua nhà chung cư thuộc quỹ nhà phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để làm nhà công vụ cho Chính phủ.
Có lẽ chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo khi được hỏi đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề: "Cảm ơn thông tin từ báo chí, tôi sẽ tiến hành kiểm tra ngay".
Còn dưới góc nhìn xã hội, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường đánh giá: "Chúng ta có thể bắt đầu những dự án xây nhà công vụ hoàn toàn thuộc khu vực khác.
Khu vực tái định cư là khu vực chúng ta coi là để đền bù cho những người bị thiệt hại về nhà ở do Nhà nước thu hồi đất. Đấy là việc mang tính an sinh xã hội, không phải thuộc kênh của thị trường mang tính thương mại. An sinh xã hội đây là bồi hoàn cho những người đang bị thiệt hại”.
Làn sóng mua bán, sáp nhập dự án
Khi thị trường bất động sản (BĐS) mất thanh khoản, nhiều dự án đã âm thầm thay tên, đổi chủ. Theo thống kê sơ bộ, tổng giá trị thương vụ chuyển nhượng trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam thời gian qua ước đạt 251 triệu USD.
Nếu như trước đây, đa phần các ông chủ ngoại mua dự án của các công ty trong nước thì hiện nay, xu hướng mua bán đang có những chuyển biến gây bất ngờ.
Một trong những thương vụ được dư luận khá quan tâm trong thời gian gần đây là việc Tập đoàn C.T Group công bố chính thức sở hữu Công ty TNHH Phát triển GS Củ Chi (thuộc Tập đoàn GS Engineering & Construction Corp của Hàn Quốc) sau khi bỏ ra 24 triệu USD để mua lại 95% cổ phần của công ty này.
Không chỉ ở TPHCM, tại Hà Nội thời gian qua đã diễn ra hàng loạt vụ chuyển nhượng các dự án BĐS, khách sạn nghỉ dưỡng. Cụ thể, Công ty Hanel Hà Nội đã mua lại 100% cổ phần của khách sạn 5 sao Daewoo Hà Nội từ doanh nghiệp Hàn Quốc. Một thương vụ dù im tiếng nhưng lại khiến giới đầu tư bất ngờ là việc nhà đầu tư Việt Nam mua lại khách sạn 5 sao Hilton Opera (Hà Nội) từ tay các ông chủ Đức và Áo của Tập đoàn BRG.
Theo giới kinh doanh BĐS, những thương vụ được công bố như trên chỉ là bề nổi của tảng băng, bởi thực tế, hàng loạt thương vụ khác mà các ông chủ nội “luộc” lại các dự án của ông chủ ngoại được diễn ra âm thầm, với giá trị lên đến hàng trăm triệu USD.
Tuy nhiên, trong tình hình thị trường BĐS Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề nguồn vốn, thì việc mua bán và sáp nhập được cho là thượng sách, bởi lẽ đây là một trong những phương án huy động vốn tối ưu, mang lại lợi ích cho cả hai phía và là lối thoát cho nhiều chủ đầu tư nếu không muốn phá sản.
Theo ông Neil MacGregor, Phó Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn BĐS Savills Việt Nam, tình hình hiện nay đang tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư, thị trường BĐS sẽ chứng kiến nhiều thương vụ mua bán diễn ra trong những tháng tới.
Keangnam đột ngột áp mức phí mới
Keangnam có lẽ là một trong những cái tên “nóng” nhất trên mặt báo suốt một thời gian dài. Tuần qua, tòa nhà này lại một lần nữa khiến nhiều người phải chú ý khi vừa gửi văn bản xin từ bỏ quyền quản lý tòa nhà cao nhất Việt Nam, nhưng ngay sau đó lại đơn phương áp mức phí mới 15.085 đồng mỗi m2 một tháng dịch vụ.
Lý do được đưa ra là một số khu chung cư cao cấp khác tại Hà Nội như Golden Westlake và Pacific Place đang thu phí quản lý ở mức 16.720 đồng mỗi m2 một tháng (chưa bao gồm VAT), nên việc áp dụng mức phí mới là hợp lý.
Ban quản lý tòa nhà này cũng cho rằng, phí bảo hiểm liên quan trực tiếp đến tính mạng và tài sản của cư dân nên vẫn tiếp tục thu. Sau này, khi Ban quản trị mới được thành lập thì phí bảo hiểm sẽ được tính toán, cân nhắc lại.
“Những hộ chưa thanh toán dịch vụ, sẽ phải hoàn thành trước ngày 7/4. Trong trường hợp tới ngày 7/4, những cư dân này vẫn không thanh toán phí quản lý, chúng tôi sẽ buộc phải áp dụng chế tài đúng như quy định trong Hợp đồng”, đại diện ban quản lý nêu rõ.
Về việc lình xình ở Keangnam, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở đã báo cáo tiến trình vụ việc và xin ý kiến của UBND thành phố.
Mâu thuẫn về phí dịch vụ của Keangnam nảy sinh từ hồi giữa năm ngoái và đến nay, qua nhiều cuộc họp bàn, với sự can thiệp của UBND thành phố, Sở Xây dựng nhưng hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Báo động tình trạng “chạy” sổ đỏ qua sàn
Mới đây, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an TP. Hà Nội đã phát hiện ra đường dây chuyên làm giả sổ đỏ, gồm nhiều đối tượng tham gia, chiếm đoạt số tiền của nhiều cá nhân lên đến hàng chục tỷ đồng.
Vụ làm giả sổ đỏ này khiến người trong cuộc cũng như dư luận rất sốc, vì phôi làm sổ đỏ giả của các đối tượng trong đường dây này đều là phôi thật. Việc tồn tại những đường dây chạy sổ đỏ tại các sàn giao dịch BĐS (nếu có) là điều rất đáng báo động.
Vì không ai có thể khẳng định, những tấm sổ đỏ mà người dân mất nhiều tiền trả cho dịch vụ và được giao dịch qua các sàn giao dịch BĐS kia là những sổ đỏ… xịn 100%!
Trong hoạt động chuyển nhượng BĐS, sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) là loại giấy tờ được tất cả các bên tham gia quan tâm đặc biệt. Vì vậy, để các giao dịch thành công và có thêm doanh thu, không ít sàn giao dịch BĐS lập ra bộ phận chuyên làm thủ tục sổ đỏ cho các sản phẩm mà sàn môi giới hoặc cung cấp dịch vụ làm sổ đỏ nếu có khách hàng yêu cầu.
Theo ông Phạm Trung Hà, Tổng giám đốc Hòa Phát Land, trong giao dịch mua bán BĐS, với những BĐS đã có sổ đỏ hoặc giấy tờ đầy đủ thì giao dịch diễn ra khá nhanh và thuận tiện. Thế nhưng, với những BĐS xen kẹt hay BĐS thiếu cơ sở pháp lý thì giao dịch trở nên khó khăn. Vì vậy, nhiều sàn giao dịch đã lập ra bộ phận chuyên lo làm giấy tờ sổ đỏ cho những lô đất này.
Những người này am hiểu luật pháp, lại có quan hệ chặt chẽ với nhiều cán bộ, lãnh đạo chính quyền địa phương nên làm các thủ tục giấy tờ gặp nhiều thuận lợi. Những sàn giao dịch BĐS làm tốt việc này thường thu hút được lượng khách hàng đến mua bán rất đông.
PV (tổng hợp)
"Nóng" BĐS tuần qua: Biến nhà tái định cư thành công vụ
(VTC News) – Nhà tái định cư bị hô biến thành nhà công vụ, báo động tình trạng chạy “sổ đỏ” qua sàn, ...…là những sự kiện bất động sản nổi bật tuần qua.
(VTC News) – Nhà tái định cư bị hô biến thành nhà công vụ, báo động tình trạng chạy “sổ đỏ” qua sàn, hay nhiều dự án đang âm thầm mua bán, sáp nhập,…là những sự kiện bất động sản nổi bật tuần qua.
Bình luận