16 tỉnh, thành sẽ giãn cách theo chỉ thị này để chống dịch là: Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau và Kiên Giang.
Trước đó, 3 tỉnh, thành gồm: TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai cũng đang áp dụng Chỉ thị 16.
Thời gian thực hiện giãn cách 14 ngày. Thời điểm bắt đầu áp dụng biện pháp giãn cách xã hội đối với các tỉnh, thành phố bổ sung do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định, nhưng không muộn hơn 0h ngày 19/7.
Đối với tỉnh, thành phố đang áp dụng biện pháp giãn cách trước ngày có văn bản căn cứ diễn biến dịch bệnh và kết quả phòng, chống dịch trên địa bàn, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền trước khi quyết định việc tiếp tục thực hiện giãn cách như đã quyết định hoặc kéo dài thời gian giãn cách như các tỉnh, thành phố bổ sung nêu trên.
Quyết định của Thủ tướng được đưa ra căn cứ theo đề nghị của Bộ trưởng Y tế và ý kiến thống nhất của Thường trực Chính phủ, trong bối cảnh "tình hình diễn biến phức tạp của COVID-19 và vì mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là trên hết, trước hết".
Các Bộ, cơ quan chức năng Trung ương căn cứ chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao và chỉ đạo phân công của Thủ tướng, chủ động phối hợp chặt chẽ hiệu quả với các địa phương để thực hiện nghiêm túc hiệu quả Chỉ thị 16.
Thủ tướng chỉ đạo phải đảm bảo nguồn vật tư, nhân lực, trang thiết bị y tế, nhất là đội ngũ y bác sỹ, cán bộ nhân viên y tế, bảo đảm an ninh xã hội an toàn chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân, không để bất cứ người nào thiếu ăn thiếu mặc, thiếu nhu yếu phẩm thiết yếu. Đặc biệt nâng cao hiệu quả điều trị, ưu tiên tối đa nguồn lực cho ca bệnh nặng.
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Thủ tướng đề nghị các địa phương kiên quyết không để “chặt ngoài, lỏng trong", tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên và yêu cầu về giãn cách, không để xảy ra tụ tập đông người.
Đồng thời quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, nhất là bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do dịch bệnh.
Bảo đảm tốt nhất an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo đảm sản xuất, lưu thông hàng hóa an toàn trong nội bộ tỉnh, thành phố và với các địa phương khác; chỉ cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh đối với các cơ sở đáp ứng yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch; không để thửa, thiếu hàng hóa, ách tắc giao thông.
Trong điều kiện phòng, chống dịch cấp bách do chúng virus mới Delta diễn biến nhanh, mạnh, khó lường và còn nhiều khó khăn về điều kiện đảm bảo; với tinh thần vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng kêu gọi nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tự lực, tự cường; chia sẻ, ủng hộ, hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện Chỉ thị 16, chỉ ra khỏi nhà trong trường hợp thật sự cần thiết và thực hiện nghiêm 5K.
"Việc thực hiện Chỉ thị 16 không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ, mà còn là quyền lợi của mỗi người dân, vì lợi ích của cộng đồng và vì sự phát triển của đất nước", công văn của Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trường Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tiếp chỉ đạo Thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện, thay mặt Thủ tướng giải quyết các vấn để cấp bách, phát sinh mới theo thẩm quyền.
Các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo và phân công của Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch.
Bình luận