• Zalo

Nói 'trình độ dân trí thấp' bị phản ứng: Đại biểu Hà Minh Huệ lên tiếng

Thời sựThứ Năm, 04/06/2015 03:11:00 +07:00Google News

Ông Hà Minh Huệ lên tiếng sau khi các câu trích dẫn phát biểu của ông tại phiên thảo luận tổ về Dự thảo Luật trưng cầu ý dân trong cuộc thảo luận ở tổ chiều 3/6

(VTC News) - Ông Hà Minh Huệ lên tiếng sau khi các câu trích dẫn phát biểu của ông tại phiên thảo luận tổ về Dự thảo Luật trưng cầu ý dân trong cuộc thảo luận ở tổ chiều 3/6 nhận được nhiều ý kiến trái chiều, không đồng tình.

Ông được một báo mạng dẫn lời nói "Dân chủ của ta có hạn, dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số, trưng cầu có khi gây hại, không thể tùy tiện".

Câu nói của đại biểu Hà Minh Huệ nhận được nhiều ý kiến không đồng tình, bởi lẽ trình độ dân trí của Việt Nam hiện nay đã có những sự chuyển biến rõ rệt. Việc trưng cầu dân ý đã được đưa vào Luật từ rất lâu ở các nước phát triển. Hơn nữa, việc trưng cầu dân ý cũng là một trong những việc làm nhằm nâng cao quyền dân chủ của người dân, theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Sáng 4/6, PV VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Hà Minh Huệ. Ông Huệ cho rằng việc ông nói "trình độ dân trí thấp" có lẽ đang bị hiểu lầm, hiểu sai, ý phát biểu của ông được trích dẫn tách khỏi ý bao quát chung nói về tầm quan trọng về việc mở rộng dân chủ, thể chế hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013.
 Đại biểu Hà Minh Huệ.

- Hôm qua ông có nói "dân trí nước ta còn thấp" nên không thể tuỳ tiện trưng cầu ý dân. Vậy ông ủng hộ hay không ủng hộ việc có Luật trưng cầu dân ý này?

Trước hết, tôi khẳng định tôi rất ủng hộ. Việc xây dựng và thông qua Luật trưng cầu dân ý là cần thiết. Trên thế giới nhiều nước đã có luật này rồi. Ở nước ta, ý kiến đồng tình với việc này cũng rất lớn. Tôi cũng đồng tình, ủng hộ, nhưng nhấn mạnh Dự thảo luật phải quy định chặt chẽ, cụ thể từng lĩnh vực cần đưa ra xin ý kiến nhân dân. Không thể tuỳ tiện, bất kỳ việc gì cũng đưa ra được.

Trong tình hình đất nước ta hiện nay, muốn xây dựng Luật, đặc biệt Luật trưng cầu dân ý, là một luật mới, liên quan tới vấn đề dân chủ, càng phải thận trọng. Ý tôi nói và nêu ở câu đấy được trích dẫn là trong bối cảnh hiện nay, cần xác định cụ thể những vấn đề gì cần được đưa ra trưng cầu dân ý, không phải vấn đề nào cũng đưa ra.

Theo tôi, đó phải là những vấn đề rất lớn, như vấn đề sửa đổi điều này, điều kia của Hiến pháp. Còn nhưng việc lớn nào khác, tôi mong Ban soạn thảo xác định, tôi chưa thể nói được trong lúc nay.

 

Ý tôi nói và nêu ở câu đấy được trích dẫn là trong bối cảnh hiện nay, cần xác định cụ thể những vấn đề gì cần được đưa ra trưng cầu dân ý, không phải vấn đề nào cũng đưa ra.
 
Trong tình hình xã hội có nhiều việc bức xúc. Vì vậy, khi đưa ra một vấn đề để tranh luận, thảo luận sẽ khó sự không thống nhất. Đặc biệt, khi đưa ra trưng cầu ý kiến chung cũng sẽ chưa chắc đạt được đồng thuận. Có những người gọi là thiểu số sẽ nói to và nổi rõ hơn, còn những người đồng tình thì lại không nói gì. Ý tôi là ở chỗ đó.


Trong khi nói về vấn đề này, tôi có cầm tờ báo Khoa học và đời sống ra ngày 3/6, đọc câu trả lời phỏng vấn của Giáo sư TS Nguyễn Đăng Dung, Khoa Luật, Đại học quốc gia Hà Nội tỏ ý băn khoăn về hạn chế của trưng cầu dân ý.

Trả lời câu hỏi: Trình độ dân trí ảnh hưởng như thế nào đến việc trưng cầu dân ý, ông Dung nói (tôi đọc nguyên văn): Theo tôi, nó có vai trò quyết định. Bởi trong khi tâm lý đám đông rất phổ biến mà trình độ dân trí nói chung còn thấp thì việc trưng cầu dân ý có khi lại gây hại. Thực tế, người lý trí, suy nghĩ có tính chất triết học vẫn là thiểu số.


Câu này là tôi trích dẫn lời của một giáo sư luật. Ông ấy phát biểu như thế, tôi thấy cũng có phần đúng và đọc ra để các đại biểu suy xét.

- Vậy theo ông, khi trưng cầu dân ý một vấn đề mà người dân không quan tâm thì sẽ "gây hại" như thế nào?

Ví dụ như việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại một địa phương. Đây là vấn đề cấp Quốc gia, nên đa số ý kiến của người dân sẽ đồng tình, nhưng ý kiến của người dân địa phương nơi sẽ xây dựng cơ sở đó, chắc sẽ không đồng tình.

Họ không đồng tình vì họ lo ngại về sự an toàn của dự án đối với cuộc sống của người dân địa phương đó. Sự lo lắng này là do họ không hiểu về vấn đề an toàn hạt nhân là như thế nào. Cái này cũng không phải là ai cũng hiểu được.

Còn đã có chủ trường làm thì làm phải an toàn. Các nước khác trên thế giới cũng xây dựng và phát triển các nhà máy hạt nhân. Họ không phải xây dựng các nhà máy ở khu vực "đồng không mông quạnh", mà vẫn xây dựng ở những khu có người ở. Đây là quyền và trách nhiệm của nhà nước, Chính phủ và các cơ quan chức năng.

- Như ông vừa nói, nên quy định những vấn đề cần trưng cầu dân ý, vậy theo ông những vấn đề nào nên trưng cầu dân ý, vấn đề nào không cần trưng cầu dân ý?


Việc trưng cầu dân ý về sửa đối Hiến pháp thì rõ là cần thiết, còn những vấn đề khác tôi cũng không đủ trình độ để nêu ra. Những người làm công tác xây dựng Luật này nên xây dựng và làm rõ các nội dung này.

- Ông đánh giá thế nào trình độ dân trí của chúng ta hiện nay?

Nước ta đang phát triển mọi mặt, trình độ dân trí tăng lên, nhưng trình độ thực hiện dân chủ chưa có đủ kinh nghiệm để làm, nên tôi đề nghị làm việc gì cũng hết sức thận trọng, đặc biệt là vấn đề trưng cầu dân ý.

Các thế lực thù địch bên ngoài sẽ thúc đẩy trưng cầu dân ý, và khi có 1 vấn đề cần trưng cầu dân ý mà họ xúi giục người dân thì chúng ta phải làm như thế nào giải quyết những vấn đề đó?

Đây là những vấn đề cần phải hết sức thận trọng khi xây dựng Luật này.

- Một ý khác trong phần phát biểu hôm qua của ông cũng khiến nhiều ý kiến tranh cãi là "Dân chủ của ta có hạn", ông có thể nói rõ hơn ý này?

Tôi cho rằng, Hiến pháp năm 2013 đã mở rộng dân chủ, đề cao quyền của công dân, quyền con người, khẳng định và quyền dân chủ, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Nước ta đang trong quá trình đổi mới, thì dân chủ cũng phải học tập, được thực thi trong thực tế cuộc sống.

Hiện việc thực thi dân chủ đang đẩy mạnh theo tinh thần của Hiến pháp 2013.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn