Hồi đầu tháng 8, Gideon Schreiber và nhóm các nhà virus học tại Viện Khoa học Weizmann ở Israel bắt đầu thử nghiệm trên protein gai của virus SARS-CoV-2, nhằm dự đoán khả năng các đột biến trong tương lai có thể tạo ra biến chủng mới nguy hiểm.
Vào thời điểm đó, ông Schreiber lo ngại có nhiều cách để protein gai phát triển. Nếu tất cả đột biến xuất hiện cùng một lúc, nó có thể tạo ra một biến chủng vừa có khả năng lây lan cao, vừa có khả năng né tránh hệ miễn dịch của cơ thể, đồng thời làm giảm khả năng bảo vệ của vaccine, theo Guardian.
Nỗi lo thành hiện thực
Ba tháng sau, nỗi lo của ông Schreiber thành hiện thực. Biến chủng B.1.1.529 - được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặt tên là Omicron vào ngày 26/11- được xác nhận xuất hiện ở Nam Phi và các nước miền Nam châu lục. Nó sở hữu tất cả các đột biến mà nhóm của ông Schreiber đã dự đoán.
“Trường hợp này là đặc biệt, vì biến chủng có nhiều đột biến hơn thông thường”, ông cho biết.
Theo ông Schreiber, những đột biến có thể làm tăng khả năng của Omicron để né tránh miễn dịch, nhưng vẫn chưa rõ biến chủng này có khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn hay không.
Trên khắp thế giới, các nhóm nhà virus học đang chạy đua để phân tích trình tự gene của Omicron và cố gắng tìm hiểu điều gì có thể xảy ra tiếp theo.
Đến nay, nghiên cứu được thực hiện bởi Tulio de Oliveira, chuyên gia virus học hàng đầu Nam Phi, tiết lộ rằng biến chủng mới chứa hơn 30 đột biến trên protein gai. Các đột biến được cho là có thể giúp Omicron "áp đảo" kháng thể hình thành từ việc mắc COVID-19 trước đó hoặc tiêm chủng.
“Biến chủng này dường như có khả năng lây truyền cao”, nhà khoa học gene Yatish Turakhia, từ Đại học California tại San Diego, cho biết. “Trong vòng chưa đầy hai tuần, nó dường như thống trị ở Nam Phi, vượt qua cả chủng Delta”.
Nước nghèo vẫn thiệt hại nặng nhất
Omicron xuất hiện như thế nào vẫn còn là một bí ẩn. Các nhà khoa học nghi ngờ rằng giống như biến chủng Beta, lời giải thích hợp lý nhất là virus có thể phát triển và tiến hóa đều đặn trong cơ thể của một người bị suy giảm miễn dịch.
Với 8,2 triệu người nhiễm HIV, hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, cuộc chiến chống lại COVID-19 của Nam Phi đặc biệt phức tạp khi những bệnh nhân này phải vật lộn để loại bỏ virus, đồng nghĩa với việc biến chủng có thể tồn tại trong cơ thể họ lâu hơn.
Trong khi nhiều nhà virus học dự báo biến chủng tiếp theo là sự phát triển của chủng Delta, Omicron có vẻ không liên quan.
Thay vào đó, Omicron kết hợp một số đột biến được thấy trong các biến chủng Alpha, Beta và Gamma, cùng với các đột biến mới.
Theo giáo sư Ravi Gupta tại Đại học Cambridge, những dữ liệu thu thập cho đến nay là đáng lo ngại. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn với Observer, ông từng nói xác suất một "siêu biến chủng" mới xuất hiện đến 80%.
Một số nhà khoa học hoài nghi lệnh cấm đi lại sẽ làm chậm sự lây lan của Omicron. Tuy nhiên, việc ngăn chặn biến chủng này phát triển là gần như không thể. Thay vào đó, ông Gupta đang kêu gọi xét nghiệm tất cả du khách trước biến chủng mới.
Đồng thời, các nhà sản xuất vaccine và giới khoa học đang tìm hiểu Omicron có thể làm suy yếu, hoặc vô hiệu, khả năng bảo vệ của những vaccine COVID-19 hiện hành đến mức độ nào.
Bốn ca nhiễm biến chủng mới ở Israel vẫn mắc bệnh dù đã được tiêm chủng đầy đủ.
Tuy nhiên, William Hanage, một nhà dịch tễ học, chỉ ra rằng câu hỏi quan trọng hơn là liệu biến chủng có gây tình trạng bệnh nặng cho người mắc không.
“Biến chủng Delta cũng xuất hiện ở những người được tiêm ngừa. Vì vậy, đây không phải là điều đặc biệt”, ông cho biết. "Tuy nhiên, đối với những nơi mà tỷ lệ tiêm chủng cao là một giấc mơ xa vời, tình hình có thể rất nghiêm trọng”.
BioNTech, công ty sản xuất vaccine ngừa COVID-19 với Pfizer, dự kiến có dữ liệu về hiệu quả của mũi tiêm chống lại Omicron trong hai tuần. Công ty này nói có thể điều chỉnh vaccine nhằm đối phó với biến chủng mới trong vòng 6 tuần.
Đối với các quốc gia có thu nhập cao, như Anh, tác động của Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn.
Ông Schreiber nói mặc dù biến chủng có thể có khả năng tránh một số kháng thể từ vaccine, tất cả vaccine hiện tại vẫn có nhiều cách khác nhau để chống lại virus - chẳng hạn bằng cách kích thích miễn dịch tế bào T.
Những tác động nghiêm trọng nhất mà biến chủng này mang đến sẽ xảy ra ở các quốc gia như Nam Phi, nơi chỉ 24% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Dữ liệu từ các nước này trong những tuần và tháng tới sẽ tiết lộ “sức mạnh thực sự" của Omicron.
“Biến chủng này có khả năng né tránh miễn dịch khá tốt”, ông Schreiber nói. “Trong khi biến chủng đang lây lan nhanh chóng, nó cũng có thể biến mất một lần nữa - như đã xảy ra với nhiều biến chủng khác. Chúng ta vẫn chưa thể biết chắc chắn vào lúc này. Điều rõ ràng là chúng ta nên cảnh giác và thận trọng”, vị chuyên gia nói.
Bình luận