• Zalo

Nỗi lòng công nhân xa quê, đón Tết Sài Gòn

Thời sựThứ Tư, 29/01/2014 07:08:00 +07:00Google News

(VTC News) - Không bánh chưng xanh, dưa hấu đỏ, không quà mứt, không hoa mai, hoa đào..., đó là cuộc sống của những gia đình công nhân xa quê đón Tết tại TPHCM.

Ngày Tết là ngày sum họp gia đình, con cháu quây quần bên ông bà, cha mẹ để mừng tuổi, chúc Tết. Thế nhưng đâu đó vẫn còn những người vì hoàn cảnh không thể về quê đón Tết cùng gia đình, người thân.
Ngày 29 Tết, chúng tôi có mặt tại khu nhà trọ nằm trên đường Trần Thanh Mại, quận Bình Tân, nơi tập trung phần nhiều dân nhập cư, người lao động làm việc tại công ty Pou Yuen và KCN Tân Tạo.
Căn phòng rộng chừng 20m2 nằm sâu trong con hẻm nhỏ, với 4 cá thể đang sinh sống nơi đây. Điều đập vào mắt chúng tôi là quần áo treo bao quanh tường nhà, cùng bàn máy may, máy vắt sổ.
Ngày Tết đến gần nhưng căn phòng hầu như không trang trí gì, không hoa mai, hoa đào, bánh chưng xanh hay dưa hấu đỏ. Ấn tượng nhất là hình ảnh hai phụ nữ, một đang cặm cụi may vá, một đang cầm chén cơm ăn vội.
Hỏi ra được biết, đây là hai chị em ruột. Người chị tên Nguyễn Thị Hảo (44 tuổi) chưa chồng, phụ giúp việc nhà, em gái tên Nguyễn Thị Thảo (39 tuổi) làm công nhân tại Pou Yuen, vừa lập gia đình, có con nhỏ hơn 1 tuổi.
Chị Hảo (ngồi may), chị Thảo trò chuyện cùng phóng viên VTC News. Ảnh: Phan Cường
Chia sẻ tâm sự về chuyện đón Tết xa quê chị Thảo cho biết, chị đã xa quê hơn hai chục năm muốn về quê đón Tết lắm nhưng chưa một lần nào đặt chân về nơi chôn nhau cắt rốn.
Gần 15 năm làm công nhân công ty Pou Yuen (phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TPHCM), trung bình mỗi ngày chị làm 8 tiếng, nhưng cũng chỉ đủ lo cho bản thân.
Đồng lương ít ỏi, nếu có đơn hàng chị vẫn phải tăng thì tăng ca, tăng kíp. Nhưng cuộc sống thành phố đắt đỏ, chị Thảo quyết định đi học thêm nghề tay trái - may vá, sửa chữa quần áo tại nhà.
Chị Hảo may sửa quần áo phụ giúp tiền phòng trọ cho vợ chồng em gái.
Cuộc sống nơi đô thị đầu tắt mặt tối cứ cuốn chị đi, đến lúc "giật mình" thì tuổi đã ngoài ba mươi mà vẫn chưa có mảnh tình vắt vai. 
May mắn đến với chị mỗi khi có một thanh niên làm nghề sửa khóa để ý. Và rồi cả hai đã tiến đến hôn nhân. Hôm đám cưới tổ chức chỉ vài bàn đãi khách ở quê.
Bé gái là niềm vui, an ủi của vợ chồng chị Thảo trong những ngày Tết xa quê.

Kết quả của mối tình giữa cô thợ may và anh sửa khóa là bé gái xinh xắn ra đời. Niềm vui chưa tày gang, nỗi lo cơm áo gạo tiền lại bủa vây hai vợ chồng.

Tiền nhà trọ, tiền sữa, tã lót, ăn uống cho con, nhất là những lúc cháu bị bệnh, cả nhà lo sốt vó. Do chị và anh đi làm suốt nên thời gian chăm bé chỉ có vào buổi tối.
Chồng chị Thảo làm nghề tự do, khi kiếm vài chục ngàn đồng/ngày, lúc không có, nên mọi thứ đều dồn vào chị.
Nói về chị Hảo, do bị sốc về mặt tình cảm với mối tình đầu nên người lúc mê lúc tỉnh. Chị Hảo cũng vừa chữa trị liệu pháp tâm lý, theo người nhà tinh thần chị tạm ổn định 70%. Công việc hằng ngày của chị là lượm ve chai đi bán, tối về phụ may giúp em gái sửa các đơn hàng quần áo giản đơn cho khách.
Tổng thu nhập của 3 người, làm việc cật lực cũng chỉ đủ trang trải cuộc sống, không dư dả gì. Tài sản quý giá nhất là chiếc máy may cũ kỹ, ti-vi và chiếc xe máy Trung Quốc.
"Tiền phòng trọ mỗi năm mỗi tăng giá, hiện tại đã gần 2 triệu đồng cho 4 người ở, tính luôn cháu gái còn nhỏ, cộng với các khoản phí khác thì chúng em không thể nào có của để dành" chị Thảo giọng buồn bã.
Có được vài triệu đồng tiền thưởng Tết chị Thảo mua mấy bộ quần áo mới cho con, cho chồng, còn mình thì tìm mấy bộ quần áo cũ may sẵn rồi về sửa lại. Chị tâm sự, mình sống ở trong thành phố đâu có bạn bè, người thân gì nên cũng chả ai quan tâm để ý mình ăn mặc thế nào.
"Tết đến nhiều người ai nấy thấy vui, đi chơi nơi này, chỗ kia, chứ tôi thì muốn nằm nghỉ ngơi ở nhà cho khỏe sau thời gian làm lụng cật lực, tiêu hao "năng lượng" nhiều" - chị Hảo xen vào.
Chia tay gia đình vợ chồng chị Thảo, chúng tôi tìm đến một địa chỉ khu nhà trọ khác cũng nằm trên địa bàn quận Bình Tân. Đó là đôi vợ chồng tuổi đời còn trẻ, anh Trần Thanh Thạch (28 tuổi) và vợ Nguyễn Thúy Chung (25 tuổi), cả hai làm công nhân trong KCN Tân Tạo, quận Bình Tân.
Vợ chồng anh Thạch, chị Chung buồn khi nhắc đến Tết.
Khi chúng tôi đến khu trọ thì họ đang ăn bữa cơm tối dang dở, trên mâm chỉ vài miếng đậu chiên ít cọng hành, chén xì dầu sắp cạn.
Chị Chung dáng vẻ gầy gò, ốm yếu, da dẻ xanh xao. Chị Chung tâm sự, chị và anh Thạch lấy nhau 2 năm và được một bé hơn 1 tuổi. 
Vừa sinh xong là giao con cho ông bà ngoại nuôi nấng. Chị theo anh vô lại Sài Gòn để lo cuộc sống mưu sinh, cả hai vợ chồng làm công nhân nên lương tháng có hạn. 
Chị mới vào lương khoảng trên 1,8 triệu đồng, sau đó tăng theo từng năm nhưng không đáng kể. Đến nay cũng khoảng tầm khoảng trên 2,5 triệu đồng/tháng. Đồng lương eo hẹp khiến hai vợ chồng không dám chi tiêu gì.
Đồ Tết chẳng có gì đáng giá ngoài mấy chai dầu ăn, nồi cơm điện mới mua để trên gác nhỏ của vợ chồng anh Thạch, chị Chung.
Làm việc quanh năm nhiều lúc muốn về thăm con nhưng không được, do điều kiện tiền bạc và đường xá xa xôi, hai vợ chồng tự động viên an ủi nhau cố gắng làm việc rồi đến Tết về thăm con cái, cha mẹ, ông bà cũng không muộn.
Những tưởng như điều mong muốn nhỏ nhoi đó không có gì khó, nhưng ngày hết Tết đến, hai vợ chồng lại lo sốt vó vì nếu cả hai cùng về quê ăn Tết thì tiền dành dụm cả năm không đủ.
"Chỉ tiền xe ra vô đã thấy chóng mặt chứ chưa nói chuyện gì khác. Với lại em thấy những ngày giáp Tết xe cộ chạy ẩu để tranh giành chuyến, tận dụng thu lợi nhuận nên em cũng lo lắng không dám đi xe" - chị Chung tâm sự.
Phần ăn của bữa cơm chính vợ chồng anh Thạch, chị Chung.
Được biết, vé xe đi về Thanh Hóa khoảng trên 1,5 triệu đồng nhưng phải đặt từ sớm chứ không thì cũng chẳng còn vé để về quê. "Nếu muốn đi thì phải đón xe dọc đường, ngồi ghế súp - ghế giữa luồng đi, chen lấn đông đúc. Thế nhưng đường xa mà ngồi vậy thì chẳng ai chịu nổi" - chị Chung nói.
Nhìn quanh quẩn xung quanh căn phòng chẳng có gì đáng giá, 1 chiếc ti vi cũ kỹ và chiếc điện thoại cầm tay làm bạn thân.
Ngoài tiền thưởng 1 tháng lương thì hai vợ chồng còn được tặng nhu yếu phẩm thiết yếu trong ba bữa Tết như vài chai dầu ăn, nước tương, bột ngọt (mì chính), đường... Âu cũng là niềm an ủi còn lại của hai vợ chồng. 
Trước khi tạm biệt ra về, nhìn thấy trong ánh mắt chị Chung, anh Thạch hàng lệ ngân ngấn, đượm buồn. Bất ngờ anh Thạch cất lên giọng nói: "Em nghĩ Tết ở đâu vẫn là Tết, mình được sống trên đất nước của mình, sống trong yên bình thì đón Tết ở đâu vẫn vui vậy. Anh nhỉ!".
Bình luận
vtcnews.vn