• Zalo

Nới lỏng bay quốc tế, chặt chẽ hơn với bay nội địa

Thị trườngThứ Hai, 06/12/2021 07:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều Bộ, ngành và các doanh nghiệp hàng không thống nhất kiến nghị mở bay thương mại quốc tế định kỳ và bỏ quy định cách ly tập trung khách bay quốc tế.

Ngược lại, với khách bay nội địa, một số chuyên gia đề xuất cần áp dụng xét nghiệm với khách bay. 

Vừa "xin cho", vừa tụt hậu

Tại cuộc họp góp ý về vấn đề mở bay thương mại quốc tế định kỳ do Bộ GT - VT tổ chức tuần trước, đại diện của các bộ và toàn bộ doanh nghiệp hàng không đều đề nghị mở bay quốc tế ngay từ đầu tháng 12 này.

Theo ông Trịnh Hồng Quang, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, các nước đã mở bay quốc tế thương mại định kỳ và bỏ cách ly đối với khách đã tiêm đủ hai mũi, có kết quả âm tính từ lâu. Ngay cả Campuchia mới đây cũng đã làm như vậy, nhưng ở Việt Nam các hãng vẫn chưa được bay quốc tế định kỳ và khách nhập cảnh vẫn bị cách ly tập trung.

Để đối phó, nhiều công ty du lịch tổ chức cho khách bay trên các tuyến bay của hãng nước ngoài về Campuchia rồi về Việt Nam thông qua cửa khẩu đường bộ Tây Ninh. Nguy cơ mất thị trường hàng không quốc tế đã hiện hữu.  

Gần 2 năm bị cấm bay quốc tế định kỳ, cơ quan chức năng nước ta chỉ cho phép bay bằng 4 hình thức: giải cứu công dân; chở chuyên gia; thuê chuyến kèm cách ly; và bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Cả 4 hình thức này khách đều phải chi trả rất đắt đỏ và phải xin phép bay với nhiều thủ tục nhiêu khê.

Các chuyến bay này thường phải nhận được sự đồng ý của 4 bộ: Ngoại giao, Công an, Y tế, GT - VT và mới đây là Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch (đối với chuyến bay thí điểm đón khách quốc tế). Các hãng hàng không trong nước hoàn toàn bị động và bị biến thành hãng chở thuê cho các doanh nghiệp khác trên chính đường bay thông lệ của mình.

Nới lỏng bay quốc tế, chặt chẽ hơn với bay nội địa - 1

 Hình ảnh trái ngược về bay quốc tế ở sân bay Thái Lan (trên) và Việt Nam (dưới).

Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ gần 2 tháng. Bộ Y tế đã tiêm hơn 125 triệu liều vaccine cho người trên 18 tuổi. Trong đó, người trên 18 tuổi có 94% tiêm ít nhất 1 liều và gần 80% tiêm đủ 2 liều. Nhiều tỉnh thành tiêm đủ 2 mũi cho khoảng 80 - 90% người trên 18 tuổi trên địa bàn.

Tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, hàng không quốc tế vẫn bị đóng cửa. Tình trạng này làm tái diễn cơ chế ‘xin – cho’ và khiến ngành hàng không, du lịch tiếp tục gặp khó khăn, càng tụt hậu so với các nước trong khu vực và nguy cơ mất thị trường ngày càng lớn. 

Bay quốc tế để "cứu" nền kinh tế

Toàn bộ các doanh nghiệp hàng không và đại diện một số bộ liên quan tham dự cuộc họp đã khẩn thiết đề nghị "cởi trói" cho ngành hàng không và cụ thể hoá chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi thăm và làm việc tại Nhật Bản: Việt Nam sẽ mở bay quốc tế từ đầu tháng 12/2021.

Theo ông Trịnh Hồng Quang, việc mở bay quốc tế định kỳ và không áp dụng cách ly với khách bay không chỉ nhằm cứu ngành hàng không trong nước mà còn cứu cả ngành du lịch. Đồng thời, cứu hàng trăm ngàn kiều bào đang tha thiết được trở về nước để đón Tết Dương lịch và Tết cổ truyền.

Theo một số chuyên gia kinh tế, việc mở bay quốc tế đối với những quốc gia đã kiểm soát dịch tốt còn để cứu nền kinh tế vốn đang rất cần được phục hồi qua duy trì đầu tư, du lịch và giao thương với nước ngoài. Hàng không là ngành có sức lan tỏa rất rộng, là cầu nối quan trọng nhất với thế giới. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, không thể để thế giới sôi động còn mình thì ‘đóng cửa’ mãi được. 

Một lãnh đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết: vừa qua, tại phiên họp trực tuyến quốc tế, đại diện của hơn 30 nước tham dự cuộc họp thông báo họ đã bỏ quy định cách ly với khách quốc tế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính.

Chung quan điểm, Đại tá Trần Văn Dự, Cục phó Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an đề nghị bỏ ngay quy định cách ly tập trung đối với khách bay. Theo ông, ngành y tế nước ta cần phải căn cứ vào tình hình thực tế, vào xu hướng chung của thế giới để thích ứng với điều kiện phòng chống dịch mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế.

Theo các hãng hàng không, việc mở bay thương mại quốc tế định kỳ và không buộc cách ly đối với khách sẽ khiến giá vé bay lập tức giảm rất sâu. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho kiều bào, đặc biệt là những người đi làm việc, du học  có cơ hội được về nhà. Đây cũng là cách chúng ta cụ thể hoá chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào ở xa Tổ quốc.

Trước đề nghị khẩn thiết của đại diện các hàng hàng không, vị đại diện Bộ Y tế tham dự cuộc họp cho biết: Bộ đang dự thảo phương án chỉ cách ly tại nhà 5 ngày đối với kiều bào và 3 ngày tại nhà đối với chuyên gia… đã tiêm đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm COVID âm tính.

Chia sẻ những khó khăn trong công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ GT - VT Lê Anh Tuấn đề nghị bộ này tham khảo kinh nghiệm của các nước để có phương án kiểm soát, phòng chống dịch hữu hiệu. Từ đó, Bộ Y tế tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh, góp phần vào việc phục hồi kinh tế.

Đồng tình quan điểm đó, các hãng hàng không đề nghị sớm công bố kế hoạch mở bay với các phương án chống dịch rõ ràng, dài hơi để kiều bào cũng như khách bay yên tâm lên kế hoạch bay. Các chuyến bay quốc tế phải đưa lịch bay và mở bán trước ít nhất 6 tháng. Nếu không công bố sớm và không quy định rõ ràng, khách sẽ không  đủ thời gian đăng ký bay. 

Khách nội địa cần xét nghiệm trước khi bay

Trong khi đề xuất nới lỏng bay quốc tế (trừ việc cấm bay đến các nước có biến thể Omicron ở châu Phi), một số chuyên gia đề nghị chấn chỉnh tình trạng buông lỏng trong kiểm soát phòng, chống dịch COVID ở nhiều địa phương.

Vừa qua, do áp lực của chi phí xét nghiệm cao, nên nhiều đường bay trong nước không bắt buộc xét nghiệm, khiến dịch bệnh dễ lây lan và gây tốn kém rất nhiều cho công tác truy vết, xử lý FO. Bộ Y tế đã ban hành khung giá xét nghiệm nhanh chỉ còn 109.000 đồng, đã trong khả năng chi trả của khách bay nội địa.

Chuyên gia khuyến nghị Bộ Y tế khẩn trương quy định xét nghiệm trước khi bay, để hãng hàng không và sân bay đảm bảo môi trường an toàn phòng chống dịch. Việc xử lý F0 tại sân bay hoặc trên tàu bay vô cùng phức tạp, rủi ro, tốn kém. Khi đảm bảo khách đều âm tính thì chính hành khách cũng yên tâm bay và các địa phương mở cửa hàng không vì hầu như hạn chế dịch bệnh lây lan qua đường hàng không.

Theo TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, cần khuyến khích hãng hàng không như Vietjet đang thực hiện test miễn phí cho khách trước khi lên tàu bay. Như thế sẽ bịt được lỗ hổng trong khoảng thời gian 72h từ khi nhận kết quả âm tính đến lúc lên tàu bay (sau khi có kết quả âm tính, khách vẫn đi lại, làm việc, vô tình bị dương tính mà không biết).

Như vậy, ngành hàng không sẽ giảm thiểu được nguy cơ vận chuyển F0 từ địa phương này đến địa phương khác, thiết thực góp phần vào công tác phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế.     

Cũng theo TS Bùi Doãn Nề, các ứng dụng phòng, chống COVID-19 hiện tại phổ biến tình trạng thiếu thông tin, thiếu đồng bộ, chậm cập nhật thông tin khách bay trên ứng dụng. Với khách quốc tế, chưa bay tới Việt Nam và khách đi máy bay nói chung không nên bắt buộc khách phải tải ứng dụng PC Covid, (còn khá nhiều lỗi, nhất là mạng quốc tế) để khai báo y tế là quá phiền phức.

Các nước trên thế giới đa phần khai báo vaccine và xét nghiệm trên website, không buộc khách bay tải ứng dụng. Các ứng dụng (App) phát triển để cung cấp dịch vụ cho người dân như đăng ký tiêm chủng, check-in các địa điểm để dễ dàng truy vết, chứ không dành cho khai báo y tế khi bay.

Bảo Anh
Bình luận
vtcnews.vn