Nguyên văn phản hồi với Vietnamnet về bài báo “Trăn trở về cảnh báo ‘những gì bán được là đã bán’ của Bộ trưởng” như thế này: “Hơn 12 năm trước chúng ta đã có bài học về M&A rồi nhưng có vẻ đến nay không ai nhớ. Hồi đó, ngành vật liệu xây dựng chứng kiến cảnh Prime Group, doanh nghiệp thứ nhất Việt Nam và thứ 5 thế giới về sản xuất gạch men với 24 công ty trực thuộc, ngậm ngùi buộc phải bán cho người Thái với giá 5.000 tỷ đồng. Chỉ sau 3 năm, người Thái hoàn vốn. Bạn có thấy đau không? Tôi thấy đau”.
Tin nhắn đó, cũng như bài báo, chắc chắn làm những người hiểu biết, có trách nhiệm sực tỉnh và âu lo trước việc các doanh nghiệp Việt Nam yếu đi và được M&A.
Xin trích dẫn số liệu của tờ Forbes thống kê 20 thương vụ M&A lớn nhất thị trường Việt Nam trong những năm qua. Các nhà đầu tư đến từ Thái Lan góp mặt khoảng một phần ba; còn lại từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Indonesia, Hoa Kỳ và một số tên tuổi trong nước như Masan Group, Vinamilk, An Quý Hưng…
Danh sách các ông lớn Thái Lan góp mặt trong 20 thương vụ M&A lớn nhất thị trường Việt Nam, được Forbes Việt Nam thống kê gồm Beverage chi 4,8 tỷ USD mua lại 53,59% cổ phần của Sabeco; Central Group bỏ ra khoảng 1,14 tỷ USD mua Big C; TCC Holdings mua Metro Việt Nam (800 triệu USD); Siam City Cement (SCCC) mua 65% Lafarge Holcim (524 triệu USD); SCG mua Công ty cổ phần vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM, tổng giá trị được cho là 440 triệu USD); SCG mua 85% cổ phần Prime Group (290 triệu USD); Power Buy (chuỗi bán lẻ thuộc Central Group) mua Nguyễn Kim (140 triệu USD); Saraburi (thành viên của SCG) mua 54% nhựa Bình Minh (100 triệu USD)…
Đã đành là theo kinh tế thị trường, việc M&A là bình thường và được bảo vệ bởi luật pháp. Cũng tinh thần đó là việc thu hút doanh nghiệp FDI với mong muốn họ mang vào vốn, công nghệ, kỹ năng quản trị, kết nối thị trường…
Tuy nhiên, xin đưa ra một vài số liệu như sau từ báo cáo PCI 2022 của VCCI để ai quan tâm cùng suy ngẫm: “Phần lớn doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, dù là theo tiêu chí về vốn, lao động hay doanh thu. Cụ thể, gần 83% doanh nghiệp FDI có số vốn dưới 100 tỷ đồng, một phần tư doanh nghiệp FDI sử dụng dưới 10 lao động và 57,4% có dưới 50 lao động. Về doanh thu, gần 25% số doanh nghiệp FDI có doanh thu dưới 3 tỷ đồng và 77,8% có doanh thu dưới 100 tỷ đồng trong năm 2022”.
“Con số nói lên tất cả”, không cần phân tích gì thêm nữa thì hơn. Chỉ băn khoăn một điều, chúng ta có nhiều chính sách thảm đỏ cho doanh nghiệp FDI thì cũng nên lót thảm đỏ cho doanh nghiệp trong nước, thay vì tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”.
Theo số liệu giai đoạn 1986-2022, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI, trong đó 274 tỷ USD đã được giải ngân. Khác với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia hay Philippines có dòng vốn FDI vào lớn nhưng vẫn có một lượng vốn khá nhiều đầu tư ra nước ngoài. Trong khi đó, đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam là không đáng kể và xu hướng thu hút FDI vào vẫn đang rất tích cực. Các địa phương của Việt Nam vẫn cạnh tranh mạnh mẽ, đưa ra nhiều ưu đãi để hấp dẫn đầu tư.
Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam tất nhiên mục tiêu phải là tìm kiếm lợi nhuận. Từ mong muốn của phía Việt Nam, thu hút FDI là bởi thiếu vốn, thiếu kĩ thuật, công nghệ và mục tiêu nhằm thoả mãn tiêu dùng trong nước và có được thị trường xuất khẩu. Các nước công nghiệp phát triển hiển nhiên là có đủ cả vốn, kĩ thuật và có mặt ở nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu. Không thể phủ nhận là các doanh nghiệp FDI hiện đang chiếm đến hơn 2/3 giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Sau gần 40 năm thu hút đầu tư, nền kinh tế Việt Nam cũng đã gặt hái được những thành công không nhỏ. Với dân số năm 1986 là 61 triệu người và giờ đã xấp xỉ 100 triệu, GDP 2022 cũng đã đạt bình quân đầu người hơn 4 nghìn USD. Với một thị trường dân số khá lớn và là nền kinh tế đang lên thì cũng có một sức hấp dẫn không nhỏ đối với đầu tư nước ngoài. Từ những khu chế xuất ban đầu tận dụng ưu thế nhân công rẻ, giờ thì hầu hết sản phẩm tiêu dùng thông dụng đáp ứng nhu cầu trong nước đều có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.
Mong muốn thu hút vốn trong giai đoạn đầu thiếu vốn không còn là yếu tố cấp thiết lúc này. Nguồn vốn trong dân gửi ở hệ thống các ngân hàng thương mại cũng đã vượt quá 500 tỷ USD, chưa kể một lượng lớn giá trị kim loại quý, ngoại tệ nằm trong dân. Lượng kiều hối từ nước ngoài mỗi năm cũng đạt khoảng 20 tỷ USD.
Mong muốn thu hút các đầu tư kĩ thuật, công nghệ để kéo theo phát triển trình độ trong nước gần như rất hiếm các doanh nghiệp trong nước có được những sản phẩm song song bên cạnh sản phẩm nước ngoài.
Xu hướng thu hút đầu tư những năm gần đây cho thấy hy vọng tiếp cận công nghệ cao từ nước ngoài còn rất xa vời. Các doanh nghiệp thuần Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các sản phẩm nước ngoài cũng đã rất khó. Ngay cả những lĩnh vực trong tầm tay của người Việt như làm nông nghiệp, chế biến thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, đồ uống hay dịch vụ bán lẻ cũng dần nhường chỗ cho các doanh nghiệp nước ngoài. Các nền móng công nghiệp nhẹ tiêu dùng từ vật liệu như sợi, dệt, tơ, da đã từng gây dựng một thời cũng dần biến mất.
Nếu tính tỷ lệ lượng vốn FDI vào trên GDP năm 2020 của khu vực ASEAN thì Thái Lan là 54,4%, Indonesia 22,7%, Malaysia 51,7%, Philippines 29,9%, còn Việt Nam là 65,8%. Ngoài ASEAN thì Trung Quốc 13%, Hàn Quốc 16,3%, Nhật Bản 4,9%, Ấn Độ 17,9%, Đài Loan 16,5%.
Nếu so sánh đầu tư ra nước ngoài (đến 2020) thì Thái Lan là 155,6 tỷ USD, Indonesia 88,2 tỷ USD, Malaysia 129,3 tỷ USD, Philippines 64 tỷ USD, còn Việt Nam chỉ 11,5 tỷ USD. Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài 2.352 tỷ USD so với 1.919 tỷ USD từ nước ngoài vào.
Mục tiêu của đầu tư là phải sinh lời. Theo số liệu “Sách trắng doanh nghiệp 2021” năm 2019 khu vực FDI có 18.762 doanh nghiệp (bằng 2,8% số doanh nghiệp cả nước), sử dụng 5,0 triệu lao động (chiếm 32,8% lao động doanh nghiệp). Bình quân 2016-2019, doanh nghiệp FDI có lợi nhuận trước thuế 374,9 nghìn tỉ đồng (chiếm 44,4% tổng lãi doanh nghiệp cả nước).
Như vậy, với số lãi chỉ hơn 16 tỷ USD, tính trên vốn 274 tỷ USD, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chỉ 6% (mà đây mới chỉ là lãi trước thuế). Đáng chú ý có đến 45,6% doanh nghiệp FDI kinh doanh lỗ. Con số này ở doanh nghiệp nhà nước là 18,8%, còn doanh nghiệp cả nước là 48,8%.
Với một tỷ lệ lớn doanh nghiệp FDI không có lãi, câu trả lời chỉ có thể là các doanh nghiệp này đang nhắm đến lợi ích lâu dài. Tuy nhiên, có những doanh nghiệp có lợi nhuận rất lớn, thậm chí lợi nhuận một năm bằng nhiều lần số vốn mang vào Việt Nam ban đầu. Xu hướng thu hút mạnh mẽ vốn FDI vẫn chưa dừng lại.
Giả sử hiệu quả lợi nhuận thu được trên vốn của các doanh nghiệp FDI cao hơn các doanh nghiệp trong nước và ở mức 15% thì với vốn FDI 300 tỷ USD chẳng hạn sẽ có lợi nhuận sau thuế là 45 tỷ USD. Nếu số lợi nhuận này chuyển ra ngoài Việt Nam thì nguồn ngoại tệ sẽ cân đối như thế nào. Xuất siêu 3 năm 2019-2022 của Việt Nam chỉ tương ứng là 19,1 - 4 - 12,4 tỷ USD.
Rõ ràng, Việt Nam đang trong quá trình phát triển và thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, xu hướng thu hút ngoại lực để phát triển rất cần thiết.
Tuy nhiên, mô hình phát triển cũng khó có thể khác biệt với đa số các nước khác đi trước như là những kinh nghiệm cần học tập. Mô hình gần nhất là Trung Quốc chỉ đổi mới trước Việt Nam chừng 5 năm hồi thập niên 80 thế kỷ trước. Trung Quốc có tỷ lệ vốn FDI vào rất thấp so với GDP hay nói cách khác, họ đã tận dụng rất tốt giai đoạn thu hút FDI ban đầu để tự phát triển.
So với 4 nước ASEAN tương tự quy mô như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines thì Việt Nam là nước dựa vào FDI nhiều nhất và đầu tư ra nước ngoài ít nhất.
Câu hỏi Việt Nam cân đối ngoại tệ như thế nào với nhu cầu chuyển lãi ra của các doanh nghiệp FDI đã phản ánh một thực tế khá cách biệt về mô hình phát triển dựa vào FDI của Việt Nam so với các nước khác.
Bình luận