Năm 2000, hoạt động phòng tư vấn tâm lý học đường ở TP.HCM bắt đầu tại hai trường THCS bán công Trương Công Định và THCS công lập Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh). Năm học 2008-2009, Sở GD&ĐT TP.HCM chính thức chỉ đạo các trường phải thành lập phòng tư vấn học đường và có cán bộ chuyên trách. Tuy nhiên, đến nay công tác tư vấn học đường vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu hiệu quả; thậm chí có trường vẫn chưa xây dựng được hoạt động tư vấn tâm lý. Trong khi đó, tình trạng băng nhóm, trấn lột trong trường học vẫn diễn ra triền miên. Nhiều học sinh là nạn nhân bị cô lập, tẩy chay, thiếu một điểm tựa tâm lý để chống lại dẫn đến co cụm hoặc bùng nổ theo hướng xấu về mặt tâm lý.
Là thành viên của hội, nhóm phi chính thức này trong trường, lớp, các em sẽ được “bảo vệ”, được hưởng nhiều lợi ích. Những em không nằm ở nhóm nào rất dễ bị tẩy chay, cô lập, ghẻ lạnh, bị chọc phá với muôn vàn cách của học trò, đơn giản thì bị nhét chuột chết vào cặp, bị trét kẹo cao su, bị xé tập…
Hiện tượng trên thường xảy ra với học sinh ở lớp chuyển cấp (lớp 5 lên lớp 6, lớp 9 lên lớp 10) vì đây là giai đoạn các em chưa quen với môi trường mới, còn bỡ ngỡ và chưa xây dựng được mối quan hệ trong trường học để tự bảo vệ mình.
Bất an mỗi khi đến lớp
Bé T. - học sinh lớp 6 Trường THCS C. (quận 3) từng bị tẩy chay vì không gia nhập vào nhóm của một chị ở lớp trên. Mỗi khi đến lớp, T. đều có cảm giác hoang mang, không an toàn. Vì thế, T. luôn cố gắng hạn chế thời gian ở trường: Không học bán trú, không ăn trưa tại trường, hạn chế dùng nhà vệ sinh... để tránh mâu thuẫn có thể xảy ra. Thậm chí trong giờ kiểm tra miệng, T. không dám trả lời những câu hỏi của giáo viên để đạt quá 5 điểm vì nếu như vậy sẽ bị các thành viên khác tẩy chay, đặt điều để gây sự, bị nói xấu.
Ba mất sớm, gia đình khó khăn, HL - học sinh một trường THCS ở Củ Chi cũng bị các bạn trong lớp cô lập. HL không được chơi với các nhóm khác trong lớp và thường bị các nhóm đem hoàn cảnh ra nói xấu. “Do em học giỏi nên các bạn khác cũng không thèm chơi với em. Những nhóm học sinh không ngoan thường gắn với nhau bằng việc ăn chơi, chẳng lo học hành, lại thường xuyên tụ tập mua sắm, ăn quà vặt, tám chuyện, nói tục, nói xấu bạn bè. Nếu ai muốn chơi chung với những nhóm này phải tập tành ăn chơi như vậy. Nhóm nào cũng có người cầm đầu, quậy nhất, giàu có và chịu chơi” - HL cho biết.
H. - học sinh Trường L. (quận 3) cũng từng khổ sở vì bị các bạn xa lánh do nhất quyết không gia nhập nhóm thích một chàng “hot boy” trong trường. Ngay ngày hôm sau, những chuyện riêng của H. đã bị công khai trong toàn trường khiến buổi học hôm đó, H. phải lấy lý do bị bệnh để về nhà, tránh những lời chọc ghẹo ác ý của các bạn. Và H. đã mất một thời gian rất dài mới vượt qua được sự sợ hãi mỗi khi đến lớp.
Sử dụng Facebook nói xấu nhau
Nhiều học sinh không chỉ bị bạn bè nói xấu, châm chọc trước mặt, sau lưng mà còn bị bạn bè đưa lên Facebook cho các thành viên bàn tán. Em NTT, học sinh lớp 8 Trường THCS N. kể về trường hợp của mình: “Ngày thường em chỉ chăm chú vào việc học bài, tan giờ là về nhà nên có bao giờ biết chơi Facebook gì đâu. Đến một ngày có cô bạn gửi qua cho em bài viết trên Facebook của một bạn trong lớp, em tìm hiểu ra mới biết lâu nay bạn bè không chơi với mình vì có người đặt điều nói xấu”. N. kể: “Bạn đó viết rằng em là một người xấu xa, một thứ ung nhọt trong xã hội, cần phải xóa bỏ. Đồng thời, kêu gọi mọi người không nên chơi với em. Rằng em không biết gì mà cứ tỏ vẻ này nọ”. Đọc xong em rất buồn, nhất là đọc mấy cái phản hồi đại loại như: “Ôi tớ cũng không ngờ về bạn ấy; thiệt hết biết; bình thường nhìn ngoan thế nhưng không ngờ…”.
Em đem chuyện bài viết nói lại với tác giả, bạn đó không những không xin lỗi em mà còn dọa: “Tao thích thì tao viết, mày làm gì tao. Mày mà đi méc cô giáo thì đừng trách”. Bạn đó nói vậy thôi nhưng ngày hôm sau, em vào trang Facebook của bạn thì bài viết đã được gỡ xuống. Tuy nhiên, cũng từ ngày đó, cả lớp nhìn em với con mắt khác, ít người quan tâm và chơi với em hơn. Đó là chưa kể lâu lâu còn có bạn xì xào, một vài bạn còn quay lại giả vờ hỏi: “Mày làm gì mà để thằng T. bảo là một thứ ung nhọt của xã hội vậy?”.
Trấn lột kiểu học trò
Anh Vũ Đình Sơn, phụ huynh một học sinh lớp 7 ở quận Bình Thạnh, chia sẻ: “Cách đây không lâu, thấy con thứ Bảy tuần nào cũng xin 50.000 đồng để đóng tiền học thêm. Tôi gọi điện thoại cho cô giáo mới vỡ lẽ không có chuyện đó. Về nhà tra hỏi con trai mãi, nó mới khai phải đóng tiền “bảo kê” cho một bạn trong lớp để khỏi bị các bạn khác bắt nạt”. Theo tìm hiểu của anh Sơn, con anh từ bé tới lớn khá nhút nhát, đi học hay bị các bạn bắt nạt nên chấp nhận đóng tiền bảo kê cho đại ca mới được yên thân. “Tôi đã bí mật phản ánh lại chuyện này với cô giáo để cô có hướng xử lý chứ cũng không dám làm ầm lên sợ ảnh hưởng đến con” - anh Sơn nói.
Tiếp xúc với cô giáo chủ nhiệm của H. (con anh Sơn), cô cho biết sau khi tiếp nhận thông tin từ anh Sơn, cô đã báo lên lãnh đạo trường, đồng thời cho triệu tập phụ huynh của học sinh cá biệt kia đến họp. Vị phụ huynh này cũng không biết việc con mình làm và hứa sẽ tìm hiểu và giáo dục con thêm nữa. “Bên cạnh đó, tôi cũng đánh động để em học sinh này biết rằng nhà trường đã biết chuyện, nếu em không thay đổi sẽ bị kỷ luật. Hiện tại trong trường, các em học sinh phản ánh không còn bị thu tiền “bảo kê” nữa” - cô giáo cho biết.
Học sinh lớp 7 bị trấn lột hơn 20 triệu đồng L. học sinh lớp 7 (năm học 2010-2011) của một trường THCS ở quận 3 từng bị N. (học sinh cùng trường) trấn lột gần 23 triệu đồng. N. vốn lớn lên trong gia đình không có cha, mẹ là công nhân nên không có thời gian theo dõi chuyện học hành của con. Học ca chiều nhưng N. thường xuyên lên lớp từ ca sáng, kết bè kết nhóm trong và ngoài trường. Ban đầu N. chỉ mượn tiền L. từ 100.000 đến vài trăm ngàn đồng. L. vì sợ nên không dám đòi. Dần dần với “tư cách” là một “chị hai” có vai vế trong trường, N. đã buộc L. phải nộp tiền cho mình, nếu không sẽ bị tẩy chay, bị đánh hội đồng. Sự việc tái diễn trong một thời gian dài khiến L. luôn cảm thấy nặng nề, sợ hãi mỗi khi đến lớp, thậm chí khủng hoảng đến mức không dám đến trường, cũng không dám về nhà. Chỉ đến khi mẹ L. (là một giáo viên) phát hiện gia đình mất tiền, thấy con học hành sa sút, bỏ học mới đến báo với nhà trường. L. cũng thừa nhận đã nhiều lần lén lấy tiền của gia đình để cống nạp cho N. với số tiền lên đến gần 23 triệu đồng. “Hành động của N. không chỉ vi phạm nội quy của nhà trường mà còn vi phạm pháp luật. Sau khi phát hiện ra sự việc, nhà trường đã mời gia đình hai bên đến làm việc, đình chỉ việc học đối với N. và chuyển hồ sơ sang công an phường giải quyết. Riêng với em học sinh bị trấn lột, sau khi được gia đình và nhà trường động viên, tinh thần đã ổn định và đi học trở lại” - thầy Lê Công Luận, giám thị Trường THCS Colette, cho biết. Con tôi đã từng bị tẩy chay Lý do bị tẩy chay muôn hình vạn trạng. Con gái tôi bị tẩy chay vì học giỏi, tham gia hoạt động trường lớp tích cực nên thầy cô thương! Cháu còn nói không chỉ có mình cháu mà bạn nào xinh xắn, học giỏi, được các anh lớp trên chú ý là bị các bạn, các chị tẩy chay. Nhẹ thì bị tung tin nói xấu, xé tập, lấy đồ dùng học tập, bị cô lập, nặng hơn thì bị các chị gọi ra cảnh cáo, bị đánh... Sau khi phát hiện cháu bị tẩy chay, tôi đã âm thầm tìm hiểu về nhóm của chị trùm trường cháu, tôi cho con gái mình nhập vào nhóm, mời các cháu về nhà nấu ăn, đưa các cháu đi mua đồ diễn văn nghệ... Sau một thời gian tìm hiểu, điều làm tôi ngạc nhiên là sự liều lĩnh, thể hiện bản lĩnh đàn chị của bé gái lớp 8 mà các cháu gọi là “chị trùm”, đó là cách xài tiền như nước, bao đàn em ăn uống, can thiệp hay nhờ đàn em “bảo kê” cho em út của mình, chia sẻ hoặc cho, tặng các em đĩa nhạc, phim đang hot, bao xem phim..., sau đó mới điều khiển các em theo ý đồ của mình. Sau khi cho cháu chơi chung nhóm và chính tôi cũng tìm hiểu về gia cảnh, liên lạc với ba mẹ các cháu, từ đó tôi mới phân tích điểm mạnh, yếu của chị trùm, giúp cháu tìm thêm bạn ở nhóm khác, giúp con thoát ra khỏi nỗi sợ hãi. |
HÀN GIANG - KHẮC HUY/PL TPHCM
Bình luận