Đáng lẽ ra, nhà kho của ông Oleksandr Chubuk hiện giờ phải trống không, chờ chứa vụ thu hoạch mới, sau khi vụ lúa mì mùa đông của ông đã được chuyển ra nước ngoài. Thế nhưng, hiện giờ, tất cả các thùng chứa trong nhà kho của ông ở miền Trung Ukraine đều đang chất đầy ngũ cốc mà không thể chuyển đi vì xung đột đang diễn ra.
Những cánh đồng lúa mì xanh ngắt đang chín dần. Không lâu nữa, các cánh đồng này sẽ chuyển màu vàng ươm dưới bầu trời xanh. Ông Chubuk dự kiến có thể thu hoạch được 500 tấn, nhưng lần đầu tiên trong 30 năm làm nông dân, ông không biết chắc chắn sẽ phải làm gì với số lúa mì thu hoạch được.
“Thứ duy nhất tôi có lúc này là hy vọng”, ông nói.
Ukraine không thể giải phóng các kho chứa
Theo Tổng thống Volodymyr Zelensky, xung đột với Nga đã khiến khoảng 22 triệu tấn ngũ cốc bị kẹt lại ở Ukraine. Xung đột càng kéo dài càng khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn đối với quốc gia được mệnh danh là “vựa ngũ cốc của châu Âu”, nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về lúa mì, ngô và dầu hướng dương.
Trước khi xung đột bùng phát, Ukraine có thể xuất khẩu 6-7 triệu tấn ngũ cốc mỗi tháng, nhưng theo Hiệp hội ngũ cốc Ukraine, trong tháng 6 vừa qua, nước này chỉ có thể chuyển đi khoảng 2,2 triệu tấn. Thông thường, Ukraine xuất khẩu 30% ngũ cốc sang châu Âu, 30% sang Bắc Phi và 40% sang châu Á.
Do ảnh hưởng của xung đột, các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen bị phong tỏa, số phận của vụ thu hoạch sắp tới ở nước này trở nên khó dự đoán. Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết xung đột làm ảnh hưởng tới việc cung cấp lương thực cho nhiều quốc gia đang phát triển và có thể khiến cho nạn đói ở châu Phi trở nên trầm trọng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng, Ankara đang làm việc với Liên hợp quốc, Ukraine và Nga để tìm ra giải pháp, mở ra các hành lang an toàn cở Biển Đen để vận chuyển lúa mì.
Ukraine vẫn đang thử các giải pháp thay thế nhằm xuất khẩu ngũ cốc, ít nhất là tới châu Âu. Tuy nhiên, các giải pháp này đều không hiệu quả bằng đường biển.
Hiện nay, 30% ngũ cốc của Ukraine được xuất khẩu qua 3 cảng trên sông Danube ở Tây Nam Ukraine. Ukraine cũng đang tìm cách vận chuyển ngũ cốc qua 12 cửa khẩu biên giới với các nước châu Âu. Tuy nhiên xe tải phải xếp hàng chờ nhiều ngày và các cơ sở hạ tầng của châu Âu cũng không thể tiếp nhận khối lượng ngũ cốc lớn tới như vậy, ông Mykola Horbachov, người đứng đầu Hiệp hội Ngũ cốc Ukraine cho biết.
“Không thể xây dựng cơ sở hạ tầng như vậy chỉ trong 1 năm”, ông Horbachov nói với AP.
Xung đột Nga-Ukraine cũng khiến chi phí vận tải tăng cao. Giá vận chuyển lúa mạch đã thu hoạch của năm nay tới Constanta, cảng gần nhất ở Romania, là 160-180 USD/tấn, tăng gấp 4 lần so với mức 40-45USD/tấn trước đây. Do đó số tiền mà nông dân thu về chỉ khoảng 100 USD/tấn.
Nông dân đứng trước nguy cơ phá sản
Theo ông Horbachov, nông dân Ukraine đang phải đối mặt với tình hình khó khăn nhất kể từ năm 1991.
“Hầu hết nông dân đều đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Nhưng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bán rẻ ngũ cốc, thậm chí bán lỗ”, ông Horbachov nói.
Cũng không phải nông dân nào cũng bán được ngũ cốc. Trước khi xung đột bùng phát, ông Chubuk có thể bán 1 tấn lúa mì từ nông trại ở vùng Kiev vơi giá 270 USD. Nhưng hiện dù bán với giá 135 USD/tấn, ông vẫn không thể tìm được người mua.
Ở các khu vực gần chiến tuyến tại miền Đông và miền Nam, nông dân vẫn tiếp tục làm việc trên cánh đồng bất chấp tính mạng bị đe dọa.
Ông Yurii Vakulenko ở vùng Dnipropetrovsk cho biết: “Mọi thứ có thể kết thúc chỉ trong chốc lát nếu có 1 quả bom thả xuống, hoặc như chúng ta thấy, các cánh đồng đang bốc cháy”.
Ukraine đã có một vụ thu hoạch ngũ cốc kỷ lục vào năm 2021, thu được 107 triệu tấn. Vụ thu hoạch năm nay từng được dự báo còn cao hơn thế.
Tuy nhiên, ông Horbachov ước tính trong trường hợp khả quan nhất hiện nay, nông dân Ukraine sẽ chỉ thu hoạch 70 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay.
“Nếu không mở các cảng ở Biển Đen, nông dân Ukraine sẽ không còn cách nào để tồn tại”, ông Horbachov nói.
Bình luận