Chuỗi 10 tuần ca mắc giảm ở châu Âu đã chấm dứt. Theo WHO, một làn sóng lây nhiễm mới là không thể tránh khỏi nếu cổ động viên bóng đá và những người khác lơ là cảnh giác với đại dịch.
Hôm 1/7, WHO nói rằng, số ca mắc mới hồi tuần trước tăng 10%, do có nhiều sự kiện tập trung đông người ở các thành phố đăng cai EURO 2020, nới lỏng giãn cách xã hội, đi lại tự do hơn.
Nỗi lo sân cỏ, quán bar
“Chúng ta cần phải nhìn xa hơn, không chỉ tập trung vào sân vận động. Chúng ta cần nhìn vào cách thức mọi người đi tới đó. Liệu họ có đi thành đoàn xe bus đông đúc?. Liệu họ có tới các quán rượu, quán bar đông đúc để xem các trận đấu hoặc để ăn mừng? Chính những sự kiện nhỏ nhưng liên tục này đang đẩy nhanh sự phát tán của virus”, cán bộ cấp cao về tình huống khẩn cấp của WHO, bà Catherine Smallwood, nói.
Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer coi quyết định của cơ quan quản lý bóng đá châu Âu UEFA cho phép đám đông tụ tập là “hoàn toàn vô trách nhiệm”. UEFA tuyên bố, các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các địa điểm thi đấu “hoàn toàn tuân thủ quy định do các cơ quan y tế công cộng địa phương đặt ra”.
Số ca mắc COVID-19 đang tăng vì biến thể Delta lây nhanh khắp châu Âu.
Giới chức Scotland ngày 30/6 nói rằng, gần 1.300 ca mắc COVID-19 ở Scotland liên quan các cổ động viên bóng đá theo dõi một trận đấu EURO 2020 giữa Scotland và Anh ở London hôm 18/6.
Các ca lây nhiễm gia tăng khiến nhiều người lo ngại rằng, làn sóng COVID-19 thứ ba có thể càn quét châu Âu trong mùa thu tới nếu người dân không tiêm vắc-xin.
“Mối lo về ca mắc tăng trong mùa thu vẫn còn đó. Nhưng điều mà chúng tôi nhìn thấy ở đây là tình trạng đó có thể đến sớm hơn”, bà Smallwood nói.
London, Saint Petersburg thành “điểm nóng”?
Các chiến dịch tiêm chủng đang được thực hiện nhanh chóng khắp châu Âu. Người dân háo hức với mùa nghỉ lễ sắp tới. Đám đông tại các trận đấu EURO 2020 được coi là một dấu hiệu của việc cuộc sống trở lại bình thường.
Nhưng giờ đây hiện hữu nỗi lo về các trận đấu sắp diễn ra ở London (Anh) và Saint Petersburg (Nga) vì đây là hai thành phố bị biến chủng Delta tấn công mạnh. “Nếu chúng ta muốn phát tán biến chủng Delta khắp châu Âu thì đây là cách để chúng ta làm điều đó”, nhà dịch tễ học Antoine Flahault nói với báo chí Pháp.
Trận bán kết EURO hôm 2/7 giữa Tây Ban Nha và Thụy Sĩ diễn ra ở Saint Petersburg dù Nga đang phải đối mặt số ca mắc COVID-19 tăng ầm ầm và số ca tử vong cao hằng ngày ở mức cao kỷ lục.
Hai trận bán kết và trận chung kết sẽ được tổ chức ở London với hơn 60.000 cổ động viên được phép vào sân Wembley.
Biến chủng Delta khiến số bệnh nhân COVID-19 ở Anh tăng mạnh, nhưng giới chức nước này vẫn nới lỏng hạn chế tụ tập đông người trong trận đấu giữa Anh và Đức ở vòng 1/8. Gần 42.000 cổ động viên có mặt trong sân Wembley 90.000 chỗ ngồi. Nhiều cổ động viên Anh không đeo khẩu trang tưng bừng ăn mừng chiến thắng nghẹt thở của đội nhà.
GS.TS Antoine Flahault, Giám đốc Viện Sức khỏe toàn cầu – ĐH Geneva (Thụy Sĩ), nhận định: “Việc di dời các trận đấu tới các thành phố ít nguy cơ lây nhiễm hơn là không quá khó”.
Tuy nhiên, UEFA nói rằng “tất cả các trận đấu còn lại của EURO 2020 sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch”.
Bình luận