Tường cáu bẩn, nước chảy lênh láng, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc… là “chuyện thường ngày” ở nhà vệ sinh một số trường CĐ, ĐH trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nhà vệ sinh ẩm thấp, nhớp nháp trong KTX ĐH Bách Khoa |
Mỗi khi bước vào giảng đường, các sinh viên trường CĐ Sư phạm Hà Nội đều được tiếp đón bằng thứ mùi “đặc trưng” do nhà vệ sinh đặt ngay đầu hành lang tầng một. Vị trí đặt đã thiếu hợp lý, cả tòa nhà 4 tầng lại chỉ có duy nhất một nhà vệ sinh nên nhiều sinh viên ngại đi “giải quyết nỗi buồn”.
“Lớp học ở tầng 4, mỗi lần có “nhu cầu” phải chạy xuống tận tầng 1 nên mình thường giải quyết trước ở nhà hoặc nhịn luôn cho lành” - Nguyễn Thanh Hoa (Sinh viên CĐ Sư phạm Hà Nội) than thở.
Cùng chung cảnh ngộ, Ngô Thái Hà (Sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân) chia sẻ: “Ở mấy tòa nhà mới xây nhà vệ sinh tuy có mùi nhưng vẫn còn sạch chán, còn ở những khu lớp học cũ thì ôi thôi, sinh viên vào ngửi và nhìn rồi lắc đầu quay ra”.
Giấy vệ sinh đương nhiên trở thành thứ xa xỉ phẩm trong các nhà vệ sinh của trường đại học, ký túc xá (KTX) sinh viên. “Những lúc bí quá mà không có giấy thì phải xé vở, xé giáo trình thôi” - Hà hóm hỉnh nói.
Thùng xốp chứa nước tại nhà vệ sinh KTX ĐH Kinh tế Quốc dân |
Nhà vệ sinh bẩn do nhiều nguyên nhân nhưng không thể không kể đến ý thức của sinh viên, những người hằng ngày sử dụng nó.
Theo ghi nhận của PV, tại nhà vệ sinh chung KTX trường ĐH Kinh tế Quốc dân nước xả được đựng trong thùng xốp cáu bẩn, ca múc cũng chỉ là vỏ thùng sơn loại nhỏ không có tay cầm, rất nhiều sinh viên “sợ bẩn” không thèm múc nước dội.
Tại KTX ĐH Bách Khoa, sàn nhà vệ sinh lênh láng nước giặt, bọt xà phòng do sinh viên nam dùng quá nhiều. Gần đó lọ nước rửa bát, túi nilon, rác... trôi lềnh phềnh bít cả cửa cống thoát.
Ông Phạm Thanh Nghề - Giám đốc Trung tâm KTX ĐH Bách Khoa cho biết: Ban quản lý đã thuê công ty môi trường đến dọn nhà vệ sinh cho sinh viên. Các em chỉ giữ gìn vệ sinh thôi, chứ đã có đội ngũ riêng dọn ngày 2 buổi, bao gồm cả thứ 7, chủ nhật, ngày lễ.
Ban quản lý cũng vừa thuê xe thùng thông thụt nhà vệ sinh cho sinh viên chứ không để tình trạng kéo dài. Nhưng quan trọng còn ở ý thức của sinh viên nữa, người đông, ý thức kém thì sạch sao được.
“Ai chả muốn có trang thiết bị đàng hoàng, việc quản lý cũng đỡ mệt nhưng kinh phí có hạn, không thể giải quyết một sớm một chiều được” - ông Nghề chia sẻ.
Kim Thái/Bee
Bình luận