• Zalo

Nỗi hàm oan của gia đình có con tự tử

Pháp luậtThứ Bảy, 22/06/2013 07:06:00 +07:00Google News

Nỗi đau sẽ chồng nỗi đau khi người làm cha làm mẹ đã mất con lại gánh thêm những lời bàn tán xì xầm thiếu căn cứ.

Nỗi đau sẽ chồng nỗi đau khi người làm cha làm mẹ đã mất con lại gánh thêm những lời bàn tán xì xầm thiếu căn cứ.

Viện cớ đi học thêm, em Phú Thị Duyên (16 tuổi), học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Du, ngụ tại thôn 10 xã Đắk La, huyện Đắk Hà, tỉnh Kom Tum, đã nhảy sông Đắk Bla, đoạn chảy qua thành phố Kon Tum tự vẫn.

Tư trang để lại ngoài chiếc xe máy, cặp sách còn có lá thư tuyệt mệnh. Khi đưa thi thể em về nhà, lá thư bị thất lạc khiến gia đình bị hàm oan: Ép buộc con cái học quá sức nên Duyên tự vẫn.

tự tử, học sinh giỏi, lá thư tuyệt mệnh, hàm oan
 Cầu Đắk Bla nơi em Phú Thị Duyên tự vẫn.

Từ lá thư tuyệt mệnh mất tích

Sáng 9/6, phóng viên nhận được cuộc gọi từ người hàng xóm của gia đình em Duyên. Nội dung xoay quanh câu chuyện bố mẹ nạn nhân chưa nguôi đau đớn, tiếc thương khi đứa con gái ngoan ngoãn, hiền lành, học giỏi ra đi ở tuổi ăn tuổi học thì phải hứng chịu thêm nỗi khốn đốn, giày vò từ những lời đồn thổi bàn tán: “Gia đình ép con cái học quá sức nên con nhảy sông quyên sinh”.
 
Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ, bố Duyên - anh Phú Văn Quyên (37 tuổi), nước mắt sụt sùi nghẹn ngào: “Người mất thì cũng mất rồi, mồ đã yên, mả đã đẹp. Chuyện đau buồn chưa lắng dịu thì người dân râm ran bàn ra tán vào, con chết là vì bố mẹ bắt học quá nhiều, học thật giỏi. Nếu có thật thì gia đình chịu, chứ đằng này không có mà họ cứ thêm thắt ít nhiều, nghe người này nói người kia nói lại khiến vợ chồng tôi càng đau buồn, tủi nhục hơn”.

Câu chuyện bắt đầu từ lá thư tuyệt mệnh Duyên để lại trên cầu sau khi nhảy sông Đắk Bla. Lời đồn thổi được thể lan nhanh như gió từ thành phố Kon Tum về đến xã Đắk La, huyện Đắk Hà nơi Duyên sinh sống. Anh Quyên tâm sự, hay tin con nhảy sông tự vẫn, vợ chồng anh quỵ ngã, trời đất như quay cuồng, chao đảo dưới chân.

Nhìn thấy thân thể con tím tái, lạnh ngắt, anh và vợ tâm trí rối bời, mê sảng như người mộng du, nước mắt ngắn dài đưa thi thể Duyên, xe máy, cặp sách về mà quên béng mất lá thư vì ai đó đã lỡ cầm. Ngày hôm sau lên tìm lại thì không có nữa. “Đến bây giờ gần 1 tháng sau khi sự việc xảy ra, tôi cũng chưa biết lá thư đó như thế nào, nội dung ra làm sao”, anh Quyên nói.

Trên bàn thờ nghi ngút khói, di ảnh em Phú Thị Duyên xinh xắn, trắng trẻo, ánh mắt hiện lên vẻ thông minh. Em ra đi đột ngột khiến ai cũng tiếc thương, đau buồn. Chị Nguyễn Thị Hiếu thắp nén nhang cho con mà nước mắt cứ chảy trên hai con mắt sâu hoắm, hốc hác vì khóc quá nhiều. Cái chết của con khiến chị già hẳn đi so với tuổi 36 của mình. Chị ngồi bệt xuống sàn nhà, thân thể tiều tụy, héo hon như tàu lá chuối sau bão, đến nỗi ngồi ghế chị cũng sợ ngã.

Chị rưng rưng kể lại cái ngày cuối cùng gặp con. Lúc 16 giờ ngày 14/5, vợ chồng chị vừa về đến nhà sau khi chăm xong rẫy cà phê thì thấy Duyên dắt xe máy đi.  Chị lo lắng vì chưa bao giờ thấy con đi xe máy, ngay cả học thêm Duyên cũng đi xe đạp. Lo sợ con có thể gặp tai nạn, anh Quyên điện cho cô giáo chủ nhiệm thì cô bảo: “Chắc em Duyên đi chụp ảnh vì tôi bảo em chụp cho cô 2 cái ảnh 3x4 làm thẻ học sinh”. Nghe cô bảo thế, anh chị cũng bớt lo lắng.

Đến 20h tối cùng ngày thì anh chị nghe hung tin. Thi thể Duyên được gia đình và họ hàng chôn cất đàng hoàng. Sự việc tưởng như xong xuôi thì những lời đồn thổi vô căn cứ vì lá thư tuyệt mệnh khiến anh chị nhiều đêm mất ăn, mất ngủ, công việc phải bỏ dở vì tủi nhục và không biết giải thích thế nào.

Tự vẫn vì bị ép buộc học quá sức?

Anh Quyên bảo, sáng hôm sau con mất anh lên cầu Đắk Bla tìm lại lá thư thì không thấy gì. Hỏi người dân xung quanh thì họ bảo, người cầm sau cùng đem lá thư đến trả, nhưng người thân đã đưa thi thể em Duyên về nên đã vò lại ném xuống sông coi như là trả lại cho người đã mất.

Kẻ thì bảo, người ta bỏ lá thư lại trên cầu, lấy đá chèn lên để người thân lên lấy lại, nhưng khi anh lên cũng không thấy. Anh chỉ nghe báo đài đưa tin là bố mẹ bắt con cái học quá sức nên sinh trầm cảm, tự vẫn, ghi theo nội dung trong thư để lại. Hỏi người dân xung quanh đó, nội dung bức thư ra làm sao, anh nhận được thông tin ít ỏi: “Con không thể tiếp tục học nữa”.

tự tử, học sinh giỏi, lá thư tuyệt mệnh, hàm oan

Cái chết của con cùng những lời đồn thổi vô căn cứ khiến anh Quyên suy sụp, chị Nguyễn Thị Hiếu quỵ ngã, phải ngồi bệt không dám ngồi ghế vì sợ ngã. 

Anh Quyên lý giải, Duyên có ý định tự vẫn thì không thể tiếp tục đi học được nữa nên mới ghi như thế.

Khi đề cập đến chuyện học hành của Duyên, anh bảo, Duyên là đứa thông minh, sáng dạ, ham học hỏi. Anh chị là người gốc Hải Dương vào Kon Tum lập nghiệp từ năm 1999. Từ lớp 1 đến lớp 5, Duyên học ở quê, sống với bà nội, năm nào cũng đạt học lực tiên tiến.

Lên lớp 6, Duyên chuyển vào ở với bố mẹ, suốt 4 năm học cấp 2, Duyên đều đạt học sinh giỏi. Trường THPT Nguyễn Du là nơi Duyên theo học lớp 10. Theo như lời chia sẻ của chị Hiếu thì học kì 1, Duyên đạt học sinh tiên tiến thôi. Cũng nhiều lần chị thấy con muộn phiền, căng thẳng vì kết quả không như ý muốn.

“Nhà cũng không đến nỗi nghèo khó nên con cái chỉ lo học hành, không làm gì cả ngoài phụ mẹ đi chợ, nấu cơm. Tôi cũng luôn động viên con cái học hành và đã từng dặn Duyên, nếu con muốn học thêm môn gì thì bố mẹ cho đi học”, anh Quyên chia sẻ. Duyên có học thêm môn Toán vào các ngày thứ 2, 4, 6 vào lúc 19-21h và môn Hóa ngày thứ 3, 5, 7 là lúc 17-19h. Ngày nào Duyên cũng đi học về đúng thời gian như trên lịch nên anh chị luôn an tâm và hài lòng.

“Thời gian học của Duyên, chúng tôi không ràng buộc. Con thích học giờ nào cũng được. Tầm 22-22h30 là Duyên ngủ rồi”, chị Hiếu nói thêm. Vợ chồng anh chị cũng chưa bao giờ ép buộc hay bắt con phải đạt danh hiệu này nọ dẫn đến áp lực khiến con nhảy sông tự vẫn như dư luận bàn tán khiến gia đình chị khốn đốn và phẫn uất hơn.

Chuyện Duyên tự vẫn vì lý do gì thì đến nay vợ chồng chị cũng không rõ, bởi Duyên rất ít khi trò chuyện với bố mẹ. Như lời vợ chồng chị nói, Duyên là đứa rất trầm, ít nói, ít cười, không bao giờ tâm sự với bố mẹ điều gì. Bố mẹ hỏi câu gì thì trả lời câu đó. Trước lúc xảy ra sự việc, Duyên cũng không biểu hiện cảm xúc gì nên gia đình, họ hàng cũng không rõ nguyên nhân dẫn chết cái chết của em.

Trao đổi qua điện thoại với cô giáo Hoàng Thị Phương Loan – chủ nhiệm lớp em Duyên, cô nói, Duyên là học sinh ngoan hiền, lễ phép, tiếp thu bài nhanh, học lực khá, rất trầm tính, hầu như không tâm sự gì về chuyện học hành hay gia đình cho cô giáo nghe.

Vào ngày xảy ra sự việc đau lòng, buổi sáng Duyên vẫn đi học bình thường, thậm chí cười đùa cùng chúng bạn. Hay tin, thầy cô và bạn bè rất bất ngờ và khó hiểu. Cũng theo cô giáo Loan, em Duyên tự vẫn khi học kì 2 mới thi được 2 môn, nếu các môn còn lại điểm thi trên 8 thì có khả năng Duyên sẽ đạt học sinh giỏi.

Dẫu sự việc trôi qua đã gần một tháng, nhưng khi gợi lại chuyện cũ anh Quyên và chị Hiếu cứ khóc nấc lên vì quá thương đứa con gái chăm ngoan, học giỏi. Anh chị bảo, mất con vợ chồng như người mất hồn, giờ những lời râm ran bàn tán ra vào như cơn bão lòng quăng quật khiến gia đình quỵ hẳn, mang tiếng là “giết con”.

“Gia đình chỉ mong tìm ra lá thư tuyệt mệnh của con để biết nguyên nhân con tự vẫn. Chứ lời đồn thổi như thế nào gia đình cũng không quan tâm nữa vì mất con là nỗi đau đớn quá sức chịu đựng với vợ chồng tôi rồi”, chị Hiếu nghẹn ngào.

Có hay không chuyện nữ sinh lớp 10 tự vẫn vì áp lực học hành như những lời đồn thổi trong bức thư đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.  Nỗi đau sẽ chồng nỗi đau khi người làm cha làm mẹ đã mất con lại gánh thêm những lời bàn tán xì xầm thiếu căn cứ. Và những lời bàn tán đó chính là mũi tên, mà mũi tên đã lao đi thì chắc chắn sẽ để lại vết thương.


Theo Lao động

Bình luận
vtcnews.vn