• Zalo

Nội dung nào được Bộ GD&ĐT tinh giản trong học kỳ II?

Giáo dụcThứ Ba, 31/03/2020 19:27:12 +07:00Google News
(VTC News) -

Bộ GD&ĐT cho biết, một số bài học sẽ được chuyển thành bài tự chọn, bài tự học ở nhà hoặc không tổ chức dạy học, dành thời gian cho giảng dạy kiến thức trọng tâm.

Chiều ngày 31/1, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký văn bản hướng dẫn gửi các Sở GD&ĐT về những nội dung tinh giản trong chương trình học kỳ II năm học 2019-2020.

Không kiểm tra nội dung tinh giản

Căn cứ vào thời lượng còn lại của năm học 2019-2020, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh một số nội dung dạy học các môn của học kỳ II.

Trong đó, với các môn thực hiện theo chương trình nâng cao, cơ sở giáo dục trung học căn cứ Công văn hướng dẫn cụ thể để chủ động điều chỉnh nội dung dạy học tương ứng, phù hợp với thời gian còn lại của năm học.

Đối với các môn học Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục, các cơ sở giáo dục trung học chủ động điều chỉnh nội dung và hình thức tổ chức dạy phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Bộ GD&ĐT yêu cầu, các nhà trường không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung, kiến thức đã tinh giản và các nội dung đã được ghi “Không dạy”, “Không làm”, “Không thực hiện” đồng thời khuyến khích học sinh tự học. Cụ thể, khuyến khích học sinh tự đọc, tự xem, tự làm, tự thực hiện.

Đảm bảo học sinh lớp 1 biết đọc, biết viết 

Riêng với bậc tiểu học, Bộ GD&ĐT hướng dẫn tinh giản cụ thể cho từng môn học của từng lớp học từ lớp 1 đến lớp 5.

Theo đó, có 9  môn học từ lớp 1 đến lớp 5 được điều chỉnh nội dung dạy học của học kỳ II, gồm: Toán; Tiếng Việt; Khoa học; Đạo đức; Tự nhiên và Xã hội; Lịch sử và Địa lý; Âm nhạc; Thủ công/ Kỹ thuật; Thể dục. 

Việc tinh giản được thực hiện theo nguyên tắc, đảm bảo mục tiêu giáo dục của chương trình GDPT đối với cấp Tiểu học hiện hành theo qui định của Luật Giáo dục; đảm bảo tính logic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các khối lớp trong cùng môn học, các môn học trong cùng khối lớp và cấp học và thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, phân cấp trong quá trình thực hiện.

 Nội dung nào được Bộ GD&ĐT tinh giản trong học kỳ II? - 1

Bộ GD&ĐT thống nhất những nội dung tinh giản học kỳ II năm học 2019-2020.

Như vậy, các nội dung cơ bản được giữ để đảm bảo cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, chỉ tinh giản những nội dung nâng cao, yêu cầu vận dụng và vận dụng cao. Một số nội dung, yêu cầu trong bài học được giảm tải; một số bài học được chuyển thành bài tự chọn, bài tự học ở nhà hoặc không tổ chức dạy học; các nội dung tiết học gần nhau thuộc cùng một chủ đề được ghép thành một bài học theo chủ đề. 

Đồng thời, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT lưu ý đối với môn Tiếng Việt lớp 1, căn cứ vào trình độ học sinh và giáo viên, các nhà trường chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học, đảm bảo học sinh đạt được các yêu cầu cơ bản về kiến thức, kĩ năng môn Tiếng Việt lớp 1 một cách chắc chắn. “Không để tình trạng học sinh không biết đọc, không biết viết tiếng Việt khi lên lớp 2”, văn bản nêu.

Tập trung kiến thức trọng tâm

Một số môn học có yêu cầu học sinh thực hiện việc đi điều tra, tìm hiểu ở môi trường địa phương xung quanh hoặc các hoạt động tìm hiểu mà đòi hỏi tiếp xúc gần với động vật… Bộ GD&ĐT hướng dẫn không yêu cầu học sinh thực hiện nữa, để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm dịch bệnh cho các em.

Với các thí nghiệm yêu cầu học sinh thực hiện theo nhóm có thể thay bằng: giáo viên tiến hành thí nghiệm chung trước lớp và yêu cầu học sinh tích cực tham gia xây dựng kiến thức (như đưa ra phương án thí nghiệm, dự đoán, hay rút ra kết luận từ kết quả thí nghiệm). Một số thí nghiệm đơn giản giáo viên hướng dẫn học sinh tự làm ở nhà.

Môn Lịch sử và Địa lý, các bài học và nội dung tự chọn, Bộ GD&ĐT hướng dẫn cơ sở giáo dục căn cứ vào quỹ thời gian của học kì II, đặc điểm vùng miền, đặc điểm học sinh và nhà trường, để quyết định thực hiện một trong các phương án: không dạy học bài tự chọn; dạy học bài tự chọn nhưng rà soát, tinh giản để tập trung giải quyết các nội dung cốt lõi; tổ chức thành bài đọc thêm cho học sinh có hướng dẫn của giáo viên.

Các nhà trường rà soát, tinh giản, sắp xếp, kết hợp các bài học có nội dung liên quan thành một bài học/chủ đề cần đảm bảo các yêu cầu như: đảm bảo nội dung cốt lõi của yêu cầu cần đạt theo chuẩn kiến thức, kĩ năng; tinh giản tối đa các nội dung kiến thức trùng lặp.

Công văn này được gửi các Sở GD&ĐT trong bối cảnh học sinh toàn bộ các cấp của 63 tỉnh/ TP nghỉ học hoàn toàn chưa xác định thời hạn hoặc ít nhất là ngày 15/4 mới quay lại trường học. Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường dạy học trực tuyến, truyền hình cho học sinh. 

Video: Trào lưu ghép tên hay để cùng kêu gọi chống dịch Covid-19

xuân cường
Bình luận
vtcnews.vn