Được kíp phẫu thuật của BV Vinmec và bác sĩ Joseph Rosen – chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ Hoa Kỳ đang ở VN - nhận lời mổ cho con, chị Nguyễn Thị Nga (30 tuổi, ở TP Thái Nguyên) đã như trút được nửa gánh nặng.
Khi BS phẫu thuật ra khỏi phòng mổ, nhìn chị với một nụ cười và nói rất ngắn gọn “Tốt lắm”, chị cảm thấy dường như trong cuộc sống không có một niềm vui nào bằng. Vậy là cô con gái bé bỏng của chị đã có cơ may không bị liệt cánh tay suốt đời như bao lâu nay chị lo lắng.
Cháu Hoàng Kim Yến Nhi là con gái thứ 2 của chị Nga. Lần sinh trước, chị đẻ thường. Lần này, chị cũng đi khám bệnh, siêu âm đều đặn định kỳ và được xác định là thai nhi phát triển tốt, có thể đẻ thường. Chị trở dạ, cháu bé đã ra được đầu, nhưng còn vướng vai. Trong cơn đau đẻ, chị chỉ cảm nhận lờ mờ được người đỡ đã kéo vai bé rất mạnh. Sau động tác mạnh tay của bác sĩ ấy, chị rặn một hơi nữa, em bé mới lọt lòng.
Nỗi lo khác lại ập đến, chị thấy cánh tay phải của con mềm nhũn, đưa lên đến đâu lại rơi xuống đến đấy, không có biểu hiện cử động, khoa tay như trẻ bình thường. Hoảng quá, chị bế con lên bệnh viện tuyến TƯ và được các BS cho chẩn đoán là cháu bị tổn thương đám rối thần kinh do tai biến sản khoa.
Chính động tác kéo mạnh khi đỡ cháu ra đời là nguyên nhân dẫn đến tổn thương này. Thế nhưng hiện nay, chưa có nơi nào mổ nối được, chỉ còn hy vọng vào việc tập phục hồi chức năng. Chị chỉ còn cách bế con về nhà, theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng, tập cho con hàng ngày.
Mỗi ngày 6 lần, mỗi lần 30 phút, chị đều đặn xoa bóp, đưa tay lên xuống cho con để tay bé không bị teo cơ dính khớp. Có một BS phục hồi chức năng chạy điện, chiếu tia kích thích dây thần kinh mọc trở lại cho bé.
Ba tháng đầu tiên trong cuộc đời bé với chị như nhích hàng ngày, như khả năng phục hồi chậm chạp của bé Nhi. Cô bé bắt đầu biết lẫy, vặn mình, khi nằm chơi bắt đầu tự nâng tay lên cao hơn, nhưng cũng rất nhanh lại rơi xuống. Bàn tay không bị co cơ cuộn chặt như lúc đầu. Khi đặt quyển sách vào, bé đã có phản xạ nắm lại nhưng cũng chỉ nắm hờ.
Khi bé Nhi sang tháng thứ 4, chuyển biến vẫn chậm nên chị được giới thiệu đi chụp CT – scanner cho con. Nhìn kết quả kết luận chụp phim cháu bị đứt 1 dây thần kinh số 5, liệt 2 dây số 6 và 7, chị òa khóc. Bác sĩ vẫn bảo hiện nay chưa có nơi nào mổ được. Chị lần xem trên mạng, hỏi nhiều người, ai cũng bảo ở VN chưa mổ phẫu thuật phục hồi được tổn thương này. Một đoàn bác sĩ đến từ Australia khám cho bé, cũng lắc đầu.
Em bé ăn ngủ tốt, bụ bẫm, 5 tháng đã được 7kg. Nhưng chẳng lẽ bé sẽ bị liệt cánh tay phải này suốt đời? Chị đã bàn với chồng, còn nước còn tát, nghỉ hè thử đưa con vào miền Nam xem có hy vọng gì không, mặt khác thì tham khảo biện pháp châm cứu.
Được biết Vinmec sẽ phối hợp với đoàn chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ của Hoa Kỳ đến rất quan tâm và sẽ mổ một số trường hợp tổn thương đám rối thần kinh, chị lại hy vọng bế con đến. Chồng chị không nói được tiếng Anh nhiều, nhưng anh cố gắng nói ước nguyện của mình bằng bằng ngôn ngữ của người thầy thuốc từ phương xa đến: “Nếu ông giúp được cho cháu, chúng tôi sẽ vô cùng hạnh phúc”, mong rằng cháu sẽ có cơ may được mổ.
Người mẹ như trút được nửa gánh nặng lo lắng bất an bấy lâu nay khi bác sĩ nhận lời mổ. Bác sĩ phẫu thuật ra khỏi phòng mổ sau gần 7h đồng hồ, ông mỉm cười và nói rất ngắn “Tốt rồi”, chị thấy dường như không có gì vui hơn thế. Cháu bé đã được nối các dây thần kinh bị đứt và liệt.
Chị cũng được giải thích, việc nối dây thần kinh này như nối được vỏ ngoài của dây điện. Còn lõi dây điện chính là tủy sống, mỗi ngày mọc thêm một chút. Cứ như thế, sau khoảng 6 tháng, toàn bộ dây thần kinh phục hồi và cánh tay của bé Nhi có thể cử động bình thường.
Con gái chị đã có cơ hội thoát khỏi cảnh tật nguyền suốt đời. Sinh con ra, ai cũng muốn con mình lành lặn và phát triển bình thường. Và chị nói, các bác sĩ Vinmec và đoàn phẫu thuật đã giúp chị làm tròn thiên chức ấy của mình.
Theo GS TS Nguyễn Thanh Liêm, Gíam đốc Vinmec cho biết: “Các tổn thương đám rối thần kinh do tai biến sản khoa thường xảy ra trong quá trình đỡ đẻ, khi hộ lý thao tác mạnh khi kéo trẻ ra. Tổn thương này có thể khiến cánh tay dần bị liệt suốt đời. Ở Việt Nam, chắc chắn số trẻ bị dị tật này không ít.
Tuy nhiên, hiện tại chưa có nơi nào thực hiện phẫu thuật này. Bởi chuyên khoa thần kinh thường giải quyết các vấn đề vùng đầu cổ, sọ não. Tổn thương thần kinh ngoại vi ở người lớn thường do chuyên khoa chấn thương chỉnh hình làm. Còn chấn thương chỉnh hình nhi thường làm về xương, khớp.
Ngoài ra, tạo hình thẩm mỹ lại thường đi vào các phần mềm. Vì thế, các chấn thương thần kinh bẩm sinh, ở trẻ em thì ngay cả bác sĩ nhi cũng chưa làm. Vì thế, với tổn thương đám rối thần kinh ở trẻ sơ sinh chưa có giải pháp tối ưu. Đây chính là một khoảng trống giữa các chuyên khoa hiện nay.
Để giải quyết được thương tổn này, trước hết cần phải xác định chính xác dây thần kinh nào bị đứt hoặc liệt bằng chụp máy cộng hưởng từ có độ phân giải cao. Kỹ thuật nối dây thần kinh, phải thực hiện dưới kính hiển vi, đòi hỏi phẫu thuật viên phải thành thạo về kỹ thuật vi phẫu.
Như trường hợp cháu Nhi, phẫu thuật viên đã lấy một nhánh thần kinh chi phối cơ vùng cẳng chân, tìm đúng chỗ đứt và nối cho 3 dây thần kinh, C5, 6,7. Vì thế, đây là một kỹ thuật khó.
Xác định còn một khoảng trống như vậy nên Vinmec đang xúc tiến thành lập một Trung tâm phẫu thuật nhi khoa, trong đó sẽ ưu tiên đào tạo bác sĩ có thể đảm nhiệm được kỹ thuật phẫu thuật thần kinh ở trẻ em. Và mổ cho các trường hợp tổn thương đám rối thần kinh bẩm sinh như vậy.
GS Liêm cho biết thêm: Nhiều gia đình khi được bác sĩ trả lời là không mổ được đã phải cam chịu tình trạng liệt suốt đời. Điều này đã từng xảy ra như với nhiều loại bệnh như chứng ra mồ hôi tay, hay bệnh giãn tĩnh mạch tinh ở trẻ em. Bệnh nhân thường cam chịu cho đến khi BV Nhi TƯ công bố có thể tiến hành phẫu thuật chữa được. Và từ đó hàng năm mùa hè, các cháu đến mổ chữa các bệnh này rất đông.
Gia Bảo
Bình luận