• Zalo

Nỗi đau sau bộ tranh mới của họa sĩ Sát thủ đầu mưng mủ

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 06/11/2012 09:08:00 +07:00Google News

Ít người biết rằng, động lực sáng tác tranh chủ đề về giao thông của anh bắt nguồn từ một biến cố khủng khiếp của gia đình.

Ít người biết rằng, động lực sáng tác tranh chủ đề về giao thông của anh bắt nguồn từ một biến cố khủng khiếp của gia đình.

Trong bộ tranh biếm họa về giao thông vừa ra mắt mới đây, họa sĩ Nguyễn Thành Phong (tác giả tập tranh gây tranh cãi "Sát thủ đầu mưng mủ") đã chỉ ra những vấn đề bức xúc trong giao thông ở nước ta hiện nay như tình trạng tắc đường, phóng nhanh vượt ẩu, hiện tượng thoát nước vào mùa mưa vẫn chưa có dấu hiệu được giải quyết triệt để...

Họa sĩ trẻ Nguyễn Thành Phong
Người "chơi chữ" bằng tranh vẽ

Dường như âm hưởng của cuốn sách đình đám "Sát thủ đầu mưng mủ" xuất bản cách đây gần một năm vẫn còn nên "thừa thắng xông lên", những bức tranh của Thành Phong lần này vẫn là những chiêu quen thuộc như lợi dụng yếu tố đồng âm, lắt léo trong cách gieo vần của những câu thành ngữ "sành điệu" để sáng tạo minh họa bằng tranh.

Thưởng thức tranh của Phong, người đọc thấy thú vị, bởi tính thời sự cũng như cách chuyển tải ý tưởng vô cùng gần gũi của anh.

Nói về những tác phẩm của mình, Phong khiêm tốn: "Chính thực tiễn cuộc sống cùng với tư duy sáng tạo hài hước của các bạn trẻ thông qua những thành ngữ hiện đại gửi đến, trong khi mình có chút vốn liếng về hội họa nên giúp các bạn chuyển tải thành tranh để tăng thêm phần sinh động".


Với tư cách là "cha đẻ" của hai tác phẩm đang "nóng hầm hập", Phong thẳng thắn thừa nhận: "So với "Sát thủ đầu mưng mủ" thì bộ tranh vui về giao thông lần này mình thấy hài lòng hơn, bởi tư duy thể hiện đã có chiều sâu”.

Với tác phẩm trước, vì là lần đầu tiên tiếp cận tư duy hình ảnh nên nhiều lúc cậu vẫn loay hoay khi gặp phải những câu thành ngữ mặc dù có vần vè như câu thành ngữ quen thuộc: "Chảnh như con cá cảnh" nhưng khi chuyển thể thành tranh thì lại tối nghĩa là khó có thể nghĩ ra ý tứ để thể hiện.

Với bộ tranh vui về giao thông lần này, nhờ có những kinh nghiệm quý báu đó nên tư duy sáng tạo đã có chiều sâu, đặc biệt là tư duy lợi dụng tiếng lóng để minh họa một cách hài hước. Điều này thể hiện ở bức tranh minh họa câu thành ngữ hài hước: "Đi ngược chiều, trẻ trâu chơi liều" gắn với bức tranh vẽ hình một cậu con trai cưỡi con trâu xông vào đám đông giao thông ngược chiều, cầm roi hét "Yêêê!".

Nét thông minh của chàng họa sỹ trẻ này là ở chỗ đã sử dụng được từ lóng "trẻ trâu" đang rất thịnh hành hiện nay để diễn tả mức độ quá khích, phóng xe bạt mạng của một bộ phận giới trẻ "chưa thấy quan tài chưa đổ lệ".

Một bức trong tập tranh mới về giao thông của Thành Phong.
Hay như cách Phong tập trung khai thác tiếng lóng ở từ "thú" trong câu: "Còi to máy rú là thú đi xe". Chữ "thú" ở đây không còn mang ý nghĩa chỉ về một thú vui tiêu khiển nữa mà trở thành một công cụ để chàng họa sỹ châm biếm sâu cay khi vẽ một con khỉ lông lá mặt đỏ gay đang trong tư thế co hai chân lên để "bốc đầu".


Phong bật mí, đây là bức tranh đầu tiên trong số 20 bức tranh vui về giao thông anh vừa chuyển tải. Do đây là tác phẩm khơi mào nên anh  đầy hứng thú và thoải mái khi phóng bút.

Còn bức vẽ mô phỏng câu thành ngữ hiện đại: "Xe mẹ mua, đua mẹ đánh" là lối tư duy từ chính những tình huống thực tế của cuộc sống. Ý tưởng hài hước và đầy sự sáng tạo này khiến nhiều người xem phải giật mình và bật cười khi thấy mình cũng ở trong đó, là nạn nhân mà có khi cũng là thủ phạm... Đồng thời, nó cũng khiến nhiều bạn trẻ bị "bắt trúng tim đen", phải đỏ mặt với thông điệp đả kích dí dỏm mà sâu cay đúng chất Bắc.

Nước mắt sau nụ cười

Nếu như thời điểm Phong cho ra đời cuốn truyện tranh "Sát thủ đầu mưng mủ" xuất hiện nhiều dư luận trái chiều, đặc biệt trên mạng đã xuất hiện những trào lưu "ném đá" dữ dội thì đến bộ tranh vui về giao thông lần này, hầu như mọi người đều tỏ ra thích thú và ủng hộ chàng họa sỹ trẻ.

Tác phẩm gần đây nhất của Phong có tên "Bé lợn, lớn bò" với nội dung phản ánh tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đang rất thời sự trong thời gian qua.

Cũng vẫn những đề tài mang tính thời sự, bộ tranh về giao thông lần này được cho là một hướng khai thác khá khôn khéo của Phong, bởi nội dung đánh trúng tâm lý bức xúc của công chúng trước hiện tượng giao thông hỗn loạn chưa có biện pháp để khắc phục triệt để. Chính điều này đã khiến không ít người nghi ngờ đó là một chiêu "ghi điểm" để xoa dịu dư luận của Thành Phong.

Chàng họa sỹ trẻ tâm sự: "Mình phản ánh những vấn đề nhiều người bức xúc nên cũng nhận được lắm sự đồng tình". Tuy nhiên, đó không phải là một chiêu câu khách như mọi người nghĩ mà xuất phát từ chính thực tế trong cuộc sống mà gia đình mình là nạn nhân của thói phóng nhanh vượt ẩu.

"Đó là môt ngày khủng khiếp cách đây gần 5 năm. Một biến cố đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời và cách nhìn nhận về cuộc sống của tôi: Em gái tôi qua đời sau một tai nạn giao thông" - Phong kể.

Mất mát quá lớn đó khiến Phong hiểu rằng cuộc sống thật mong manh và đó cũng chính là động lực để cậu cho ra đời những sáng tác gần với hơi thở của cuộc sống hơn, trong đó có giao thông.

"Tôi nghĩ, an toàn giao thông đã trở thành vấn đề hết sức nghiêm trọng của xã hội và những nỗ lực không ngừng của mỗi người trong chúng ta nhằm cải thiện giao thông tuy nhỏ bé nhưng vô cùng cấp thiết, cho tới lúc ra đường không còn cảm thấy bất an" - Phong tâm sự.

Họa sỹ Thành Phong cho biết, anh xây dựng tác phẩm dựa trên nguyên tắc làm việc của bản thân. "Trên thực tế, thành công hay thất bại thường đến sau khi tác phẩm ra đời nên tôi cho rằng, việc lựa chọn đề tài để thử thách chính bản thân mình là chính. Đối với người họa sỹ, điều quan trọng trong sáng tác là việc lựa chọn được những đề tài tạo nhiều hứng thú cũng như khơi gợi nhiều cảm hứng sáng tạo" - Phong thẳng thắn chia sẻ.                                   

Lớn lên từ áp lực về "cái bóng của cha mẹ"

Họa sỹ Thành Phong sinh năm 1986, trong một gia đình có bố là phó giáo sư, trưởng khoa Điêu khắc đại học Mỹ thuật Hà Nội, mẹ là thạc sỹ, giảng viên khoa Sư phạm Mỹ thuật (ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương).

Ngay từ nhỏ, Thành Phong đã sống trong một môi trường nghệ thuật nên định hướng của gia đình cho cậu theo học hội họa như một định mệnh. Trong làng mỹ thuật, bố của Phong có thể được coi là người khá nổi tiếng trong nghệ thuật điêu khắc.

"Hành trang bước vào con đường nghệ thuật này là những áp lực về cái bóng quá lớn của cha mẹ và mơ ước giản dị là học vẽ để tha hồ… vẽ truyện tranh" - ý của Phong.


Theo Người đưa tin

Bình luận
vtcnews.vn