6 năm trôi qua, Mike và Pam Urry (Ontario, Canada) vẫn không thể nào quên được ngày con trai 13 tuổi Steven treo cổ tự tử vì không thể thoát khỏi bạo lực học đường.
Hôm đó, Steven bị bạn đánh, quay clip và phát tán lên mạng. Em về nhà, treo cổ tự tử trong phòng riêng. Sự ra đi ấy để lại nỗi đau khôn cùng cho người thân cùng sự hối hận, day dứt khôn nguôi với bạn học - những người từng thờ ơ trước cơn ác mộng Steven phải chịu.
Cơn ác mộng dai dẳng của học sinh yếu thế
Theo Huffington Post, Steven là cậu bé dễ thương, nhạy cảm và thích nghệ thuật. Từ lúc đi học, em đã khó hòa nhập và thường xuyên bị trêu cợt, đánh đập.
Câu chuyện buồn kéo dài hàng năm trời nhưng chỉ vài tháng trước khi Steven chọn tự kết thúc mọi thứ, bố mẹ em mới biết.
Họ báo lên trường, nhờ cảnh sát can thiệp và lên kế hoạch chuyển trường cho con. Tuy nhiên, tất cả đã không còn kịp để cứu lấy cậu bé bên bờ vực tuyệt vọng.
“Chúng tôi phát hiện quá muộn, hành động cũng không đủ nhanh. Nhà trường và cơ quan chức năng không làm gì để chấm dứt sự bạo hành đó. Giờ con tôi đi rồi, cậu bé ngoan ngoãn của chúng tôi thực sự đi rồi”, Mike nghẹn ngào, nói.
Đáng buồn đây cũng là tình trạng chung của rất nhiều vụ bạo lực học đường khi những nạn nhân yếu thế cô đơn vật lộn với nỗi đau thể xác, tinh thần mà không được bạn bè, thầy cô hay gia đình giúp đỡ, hoặc hỗ trợ quá muộn.
CNN đưa tin tháng ba vừa qua, Raniya Wright, nữ sinh lớp 5 trường Tiểu học Forest Hills ở Walterboro, South Carolina, Mỹ, qua đời sau khi bị bạn học đánh dã man.
Ngày 25/3, vụ việc xảy ra ngay trong lớp học khiến em bị thương nặng. Nhà trường đưa em đến phòng y tế trước khi chuyển đến bệnh viện gần đó. Do tình hình quá nghiêm trọng, Raniya được cấp cứu bằng trực thăng đến bệnh viện South Carolina. Đáng tiếc, 2 ngày sau, em không qua khỏi.
Cái chết của nữ sinh lớp 5 khiến gia đình và người dân thị trấn em từng sinh sống sốc nặng. Phía cảnh sát tiếp tục điều tra và cho biết chưa thể đưa ra kết luận trong vài tuần tới.
Tháng 10/2018, clip nữ sinh 14 tuổi trường Trung học Armwood (Seffner, California, Mỹ) đánh bạn học dã man bị tung lên mạng khiến dư luận phẫn nộ. Điều đáng nói nguyên nhân vụ bạo hành không hề xuất phát từ bản thân nạn nhân, có chăng, chỉ vì em là người dễ bắt nạt nên phải gánh chịu cơn giận từ bạn học khi anh họ em quấy rầy người này.
Kẻ hành hung liên tục đấm, đá, kéo tóc, lôi nạn nhân trượt trên sàn nhà vệ sinh bất chấp em la hét, nỗ lực né tránh. Nhiều bạn học chứng kiến nhưng không giúp đỡ. Vụ bạo hành chỉ kết thúc khi nhân viên nhà trường can thiệp.
Những vết thương không thể xoa dịu
Tháng 4/2017, một cuộc ẩu đả khác xảy ra tại trường THCS Akron (New York, Mỹ). Hai nữ sinh, không công khai tên vì chưa thành niên, đánh bạn chỉ để thị uy, cảnh cáo những thành viên khác.
Vụ việc khiến một nạn nhân chấn thương nặng do bị hung thủ đi giày gót sắt đạp nhiều cú vào đầu. Một người khác cũng có nhiều vết thương nghiêm trọng trên mặt.
Cảnh sát Akron cho hay đây không phải lần đầu tiên hai nữ sinh này đánh bạn học. Năm 2016, họ gây ra một vụ bạo hành khác nhưng không bị xử lý.
Pháp luật không dung dưỡng cho hành vi bạo lực. Ngay sau vụ bắt nạt hồi tháng 4/2017, cảnh sát bắt giữ hai nữ sinh. Họ được tại ngoại nhờ bố mẹ nộp tiền bảo lãnh nhưng vẫn phải hầu tòa với cáo buộc dành cho trẻ vị thành niên.
Nữ sinh 14 tuổi trường Trung học Armwood cũng bị cảnh sát bắt giữ và buộc tội. Nhà trường ngay lập tức đình chỉ học đối với học sinh hành hung bạn, đồng thời kỷ luật người quay clip.
Trong khi đó, gia đình Raniya Wright vẫn mòn mỏi chờ đợi kết luận từ cảnh sát. Trường chỉ đình chỉ học một học sinh (không xác định có liên quan vụ bạo hành không) và chưa ai bị bắt giữ sau cái chết của Raniya.
Nhưng dù kẻ hành hung phải trả giá, công lý được thực thi hay không, cơn ác mộng vẫn đeo bám nạn nhân và gia đình họ, thậm chí, trở thành nỗi đau không thể xoa dịu.
Theo nghiên cứu của TS Andre Sourander, giáo sư ngành bệnh học tâm thần trẻ em tại ĐH Turku (Phần Lan), 20% người từng bị bắt nạt hồi đi học gặp các vấn đề về tâm lý khi trưởng thành.
Ảnh hưởng dễ nhận biết nhất từ bạo lực học đường là nạn nhân bị sang chấn tâm lý. Nhiều người vật lộn để vượt qua tổn thương tinh thần hồi nhỏ. Cuộc sống của họ vẫn tiếp diễn với những nỗi đau đè nén và không phải ai cũng hiểu.
Thực tế cho thấy cậu bé Steven không phải nạn nhân duy nhất của bạo lực học đường chọn cách tiêu cực, tự kết thúc mạng sống để giải thoát. Tháng 8/2016, Danny Fitzpatrick để lại thư tuyệt mệnh, kể lại chuyện em đã vật lộn trong vô vọng để chống lại bạo lực học đường, trước khi không thể chịu đựng nổi, và tự sát.
Tháng 12/2018, McKenzie Adams, 9 tuổi ở Demopolis, Alabama, Mỹ, tự tử sau một năm trời bị bạo hành ở trường.
Sự ra đi của những nạn nhân là vết cứa không thể nào lành với người ở lại. 6 năm sau ngày chết của Steven, Mike vẫn không thể quên cảm giác máu toàn thân như đông lại khi biết tin. Pam lâm vào hoảng loạn, kích động, cô liên tục lắc đầu như để chối bỏ sự thật rằng con trai mình đã không còn nữa.
Sau những bàng hoàng, đau xót ban đầu, họ chuẩn bị đám tang cho Steven. Ông ngoại em tự mình đào mộ cho cháu và chính tay Mike đặt bình tro cốt của con trai xuống nơi an nghỉ nghìn thu.
6 năm trôi qua, họ cố gắng để trở lại cuộc sống bình thường nhưng mỗi lần thấy tin tức bạo lực học đường hay trẻ tự tử, nỗi đau ấy lại nhói lên. Dù nỗ lực đến đâu, họ vẫn không thể khỏa lấp những trống vắng trong tim mình bởi hạnh phúc, hy vọng của họ đã tan biến vào khoảnh khắc chứng kiến con nằm lạnh ngắt trong nhà xác, cổ vẫn hằn vết dây thừng.
Và sau 6 năm, sự ra đi của Steven cũng để lại nỗi day dứt khôn nguôi với bạn học. Họ ước giá mình đã làm gì đó để chuyện đau thương không xảy ra.
“Tất cả chúng tôi biết chuyện gì xảy ra, biết ai đánh cậu ấy, biết kẻ nhốt cậu vào ngăn tủ, biết người nhấn đầu cậu vào bồn nước. Nhưng chúng tôi im lặng. Thật ngu ngốc! Chúng tôi chỉ biết trông đợi ai đó sẽ làm gì đó. Tôi ước gì có thể xin lỗi Steven. Tôi không đánh cậu nhưng nếu tôi không giúp đỡ, tôi có khác gì hung thủ đẩy cậu đến cái chết đâu”, một bạn học của Steven viết trên blog cá nhân sau cái chết đau đớn của nam sinh 13 tuổi.
Bình luận