Vào mùa này, con đường dẫn vào bản Ploang ngập ngụa bùn đất. Xe máy cứ ga lên là bánh sau lại xoay tròn, không nhúc nhích được. Phải đẩy xe gần chục cây số mới được ngồi lên xe nhưng chỉ cần một sơ suất nhỏ thì cả người và xe sẽ "vồ ếch".
Sau mấy tiếng “vật lộn” với đống đất nhão nhoét trên đường, chúng tôi cũng đến được bản Ploang, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).
Khó khăn chồng chất
Thấy người lạ, những đứa trẻ từ các bếp lửa ở góc nhà sàn kéo nhau ra đứng đầy đường. Trời rét căm căm nhưng trên người chúng chỉ có độc một chiếc quần đùi và áo cộc tay, dường như sự tò mò "chiến thắng" cả cái lạnh đang xâm chiếm, phủ lấy bản khi sương chiều đang xuống.
Tới bản, nhờ có cán bộ đoàn xã dẫn đi, trên đường chúng tôi cũng được nghe kể nhiều về bản nhưng vào đến nơi thật sự không ngờ. Bản nằm nép mình dưới những rặng núi đá vôi cao sừng sững.
Đường vào bản Ploang ngập ngụa trong bùn đất. |
Bản không có điện thắp sáng, còn sóng điện thoại thì từ ngoài đường cái vào mấy km đã mất hoàn toàn. Khi màn đêm xuống, thứ ánh sáng duy nhất là những bếp lửa dưới nhà sàn.
Bên bếp lửa ấm, trưởng bản Hồ Văn Thiên (SN 1986) cho biết, cả bản có 20 hộ với 94 nhân khẩu, chủ yếu sống dựa vào nương rẫy nên cuộc sống vô cùng khó khăn.
Vì không có lúa nước nên đến bây giờ bà con vẫn phải trồng lúa trên nương, không có điều kiện chăm sóc cẩn thận như ở dưới xuôi nên cây lúa sâu bệnh, năng suất chẳng đáng là bao. Một mùa như thế, mỗi gia đình chỉ thu được hai đến ba bao lúa, chừng đó chỉ đủ ăn trong tháng với gia đình ít người.
Ngoài ra, dân bản còn trồng ngô, trồng sắn. Và đó là những thứ lương thực chính, gần như có trong tất cả mọi bữa ăn của bà con ở bản.
Những đứa trẻ con ở bản Ploang rất tò mò khi thấy người lạ |
Để tăng "chất lượng" bữa ăn cho các con, bố mẹ phải lên rừng đặt bẫy, săn thú, hái rau rừng. Còn những đứa trẻ ngoài buổi học thì xuống suối bắt ốc, kiếm vài con cá nhỏ phụ giúp bố mẹ.
Anh Hồ Đình (SN 1982) cho biết, gia đình đã có 4 đứa con, lúa làm không có năng suất nên mặc dù rất cố gắng kiếm thêm nhưng vẫn không đủ ăn.
Cái khổ của dân bản không chỉ ở con đường đi, mà sóng điện thoại, điện thắp sáng, nước sạch, trạm xá đều không có.
Ước mơ xa vời
Đồng bào ở đây đều là người Vân Kiều, cái ăn cái mặc đã thiếu thốn trăm bề. Nhưng khổ nhất vẫn là mỗi khi đau ốm xuống, không trạm xá, thuốc thang nên bà con phải tự chữa cho nhau bằng lá cây rừng.
Chỉ những trường hợp ốm nặng, bà con mới thay nhau khiêng người ốm ra trạm xá. Đau ốm là một chuyện, sinh nở của chị em phụ nữ trong bản cũng “tự thân vận động”.
Một góc bản Ploang, nơi gần như tách biệt với bên ngoài. |
Nhắc đến đây, ông Hồ Văn Duyên (SN 1968) nhớ lại, khoảng gần chục năm trước, ở bản đã có hai trường hợp bị chết khi sinh con.
“Đó là bà Nguyễn Thị Thạc, bà Thạc mất vì khi sinh, đứa con trong bụng quay ngang lại, chúng tôi khiêng bà ra chưa đến trạm xá thì cả bà và đứa con trọng bụng mất.
Tiếp theo là trường hợp bà Hồ Thị Trào, sinh con ra nhưng bị sót nhau trong bụng. Hôm đó là một ngày trời mưa tầm tã, con đường duy nhất ngập sâu trong nước nên chúng tôi chỉ biết nhìn bà chết dần mà không làm gì được”, ông Duyên buồn bã nhớ lại.
Thực ra, bản vẫn có y tế, nhưng người này không ở đây mà ở cách đó cả mấy chục km. Mỗi tháng họ vào khoảng hai lần để cấp phát thuốc cho những người đau ốm.
Video cầu treo chu va 6
Thắc mắc vì sai không đào tạo người trong bản để cùng ở với bà con, trưởng bản Hồ Văn Thiên cho hay, hiện nay ở đây chưa có ai đủ trình độ để đi học làm thầy thuốc hết. Đến thời điểm này, bản mới chỉ có cháu Hồ Văn Thuôn học cấp 3 thôi. Giờ cả bản ai cũng mong sau này cháu về làm thầy thuốc cho dân bản đỡ khổ.
Bản Ploang sống như tách biệt hẳn với bên ngoài, không chỉ đường đi lại khó khăn, không sóng điện thoại, không điện thắp sáng mà đến nước sạch bà con cũng phải gánh dưới suối về dùng.
“Rừng chúng tôi nhiều lim, lá rụng xuống dòng suối nên nguồn nước không tốt chút nào. Nhưng vì không còn cách nào khác, mỗi ngày chúng tôi xuống suối gánh nước 6 đến 7 lần. Mỗi lần như thế người lớn gánh 4 can, trẻ em hai can, mỗi can 20 lít nước để phục vụ cho sinh hoạt”, chị Hồ Thị Hòa (SN 1971 cho biết.
Cuộc sống vất vả, dân bản đang từng ngày mong có điện, đường đi, nước sạch, trạm xá. Những thứ tưởng chùng “đơn giản” ở dưới xuôi nhưng với những người dân nơi đây thì đó là cả một niềm mơ ước.
Theo VNN
Bình luận