• Zalo

Nội bộ Trung Quốc lục đục trước vụ kiện 'đường lưỡi bò'

Thế giớiThứ Sáu, 18/12/2015 08:33:00 +07:00Google News

Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc nước này nên phản ứng như thế nào khi Tòa Trọng tài Thường trực sắp ra phán quyết với vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc nước này nên phản ứng như thế nào khi Tòa Trọng tài Thường trực sắp ra phán quyết với vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò".

Giới chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc có thể đang lo lắng trước nguy cơ bị bẽ mặt trong vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" trước tòa án quốc tế.

Sau khi Philippines nộp hồ sơ kiện "đường lưỡi bò" lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Trung Quốc đã tẩy chay phiên tòa và tuyên bố không thừa nhận quyền tài phán của PCA.
Hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc trên một bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa. Ảnh: Bloomberg
Hoạt động bồi đắp phi pháp của Trung Quốc trên một bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam ở Trường Sa. Ảnh: Bloomberg 

Đây được coi là một phần trong chính sách giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng cơ chế song phương của Bắc Kinh mà không thông qua tòa án và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, việc từ chối tham gia vụ kiện cũng có nghĩa là họ sẽ không thể đưa ra bất cứ lập luận nào trong các phiên tranh tụng trước tòa.


Trong lúc Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn mải tranh luận xem liệu có nên xuất hiện tại tòa khi phiên tranh tụng bắt đầu vào cuối tháng trước, các chuyên gia luật quốc tế của nước này lại không thể đảm bảo với các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ thắng trong vụ kiện, hai quan chức giấu tên có hiểu biết về vấn đề tiết lộ.

Tháng 12/2014, Trung Quốc đưa ra một bản tuyên bố lập trường cho rằng đơn kiện "đường lưỡi bò" của Phillipines đề cập đến vấn đề tranh chấp chủ quyền, nên không thuộc thẩm quyền xét xử của PCA.

Trung Quốc khăng khăng rằng họ "có chủ quyền không tranh cãi" khi "là nước đầu tiên phát hiện, đặt tên, khám phá và khai tác các nguồn tài nguyên" trong khu vực. Tòa PCA đã bác bỏ luận điểm này và coi hồ sơ của Philippines "đủ cấu thành một vụ kiện" mà tòa có quyền xét xử.


Khi PCA tuyên bố sẽ ra phán quyết vào giữa năm 2016, vụ kiện "đường lưỡi bò" đã trở thành trò "đá bóng" đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Hai cục trong bộ này đã tranh cãi về trách nhiệm giải quyết vụ kiện trong khoảng một năm, trước khi đẩy cho các quan chức ngoại giao cấp thấp hơn, theo hai nguồn tin trên.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời các câu hỏi qua đường fax hôm 17/12 về cách giải quyết của họ với vụ kiện này.

"Có người cho rằng đây là một bước đi khôn ngoan và linh hoạt theo chính sách đối ngoại 'tiến hai bước, lùi một bước' của Trung Quốc. Nhưng tôi không nghĩ vậy, bởi đây có thể là cách suy diễn quá xa xôi", James Kraska, giám đốc Trung tâm nghiên cứu luật quốc tế Stockton thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, nói.

Trụ sở Tòa Trọng tài Thường trực, nơi xét xử vụ kiện "đường lưỡi bò" của Philippines. Ảnh: Reuters

Cuộc tranh luận trong nội bộ Bộ Ngoại giao cho thấy các quan chức ngoại giao Trung Quốc đang lo lắng rằng nếu Phillipines thắng kiện, Trung Quốc sẽ bị bẽ mặt trước cộng đồng quốc tế, nhất là khi Chủ tịch Tập Cận Bình đã đặt nhiều kỳ vọng vào các dự án bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông.

Ông đã coi hoạt động xây đảo nhân tạo ở Biển Đông là "niềm tự hào quốc gia" và là trọng tâm của việc trỗi dậy thành một cường quốc quân sự của Trung Quốc.


"Điều này cũng phản ánh sự thiếu tầm nhìn chiến lược của các quan chức ngoại giao Trung Quốc, những người vốn chỉ chuyên hoạt động ngoại giao mà thiếu đi nền tảng chính trị thường thấy của các chiến lược gia ở các nước khác", Zhang Baohui, giáo đốc Viện Nghiên cứu châu Á Thái Bình Dương ở Đại học Lingnan, Hong Kong, nhận định.

Từ lâu các nhà phân tích đã dày công tìm hiểu tư duy đối ngoại của Trung Quốc. Cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong cuốn "Bàn về Trung Quốc" xuất bản năm 2011 cho rằng tư duy đối ngoại của Trung Quốc dựa trên binh pháp Tôn Tử, trong đó chủ trương theo đuổi các mục tiêu lâu dài dựa trên sự hiểu biết về đối thủ.

"Hiện nay, mọi cấp trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều toàn là những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, và giới học giả tin rằng nền tảng hiểu biết của họ không đủ tầm để định hướng cho sự trỗi dậy của Trung Quốc. Một cường quốc lớn như Trung Quốc cần những người có tư duy chiến lược tầm cỡ", ông Zhang nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu vào làm ở Bộ Ngoại giao sau khi tốt nghiệp đại học vào năm 1982, cho đến khi trở thành người đứng đầu cơ quan này vào năm 2013. Người tiền nhiệm của ông là Dương Khiết Trì cũng có thâm niên làm việc trong Bộ Ngoại giao từ năm 1975.

"Trung Quốc cũng dễ mắc sai lầm trong chính sách đối ngoại như bất kỳ quốc gia nào. Các vấn đề chính trị nội bộ và cạnh tranh diễn ra trong bộ máy ngoại giao khiến cho việc giải quyết các vấn đề phức tạp luôn rất khó khăn. Đây là một cuộc chơi tương đối mới, vì thế không có gì ngạc nhiên khi họ hoang mang", Nick Bisley, giáo sư quan hệ quốc tế Đại học La Trobe, Melbourne, nhấn mạnh.


Nguồn: VNE
Bình luận
vtcnews.vn