• Zalo

Nơi bác sĩ phải mặc áo mưa, đeo 3 lớp găng tay trong phòng mổ

Sức khỏeThứ Năm, 29/11/2018 07:58:00 +07:00Google News

Một sinh linh bé nhỏ chào đời là sự vui mừng, hạnh phúc của cả gia đình, nhưng có những đứa trẻ chỉ nhận được giọt nước mắt đau xót từ mẹ.

Bệnh nhân Ngô Thị Thanh, bầu 12 tuần không có ở phòng từ 10h. Em gọi điện thoại nhiều lần nhưng không liên lạc được.

Nữ điều dưỡng xếp lại chiếc gối đang xô lệch, báo cáo lại tình hình trong phòng cách ly dành cho bệnh nhân HIV với Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thế Vũ, Trưởng khoa Sản nhiễm trùng, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. 

Vị bác sĩ 28 năm kinh nghiệm khẽ cau mày, buông một tiếng thở dài khi nghe thông báo. Bác sĩ Vũ cho biết trường hợp sản phụ bỏ trốn không hiếm gặp tại khoa. Đây là một sản phụ 21 tuổi nhiễm HIV xin phá thai, có thể vì quá sợ hãi nên đã bỏ đi trước khi làm thủ thuật. Nếu sau một ngày sản phụ không về, các bác sĩ buộc phải trả lại hồ sơ bệnh nhân cho bệnh viện.

Ca mổ đầu tiên trong đời: Bắt con cho sản phụ nhiễm HIV

Hai mươi tám năm trước, Lê Thế Vũ là một bác sĩ trẻ vừa “chân ướt chân ráo” ra trường. Ngày đó, chàng trai 23 tuổi được phân công ca mổ đầu tiên trong đời là mổ bắt con cho một sản phụ HIV. “Sợ lắm chứ, khi đó mặt tôi cắt không ra một giọt máu vì căng thẳng. Mọi quy trình tôi đều thuộc nằm lòng nhưng vẫn có cảm giác lo sợ. May mắn, ca mổ đó thành công tốt đẹp, mẹ tròn con vuông”, bác sĩ Vũ kể lại.

Đến bây giờ, khi anh đã đỡ đẻ cho rất nhiều sản phụ, lắng nghe nhiều câu chuyện thầm kín của họ nhưng giây phút ấy, đứa trẻ ấy là ký ức không thể quên. 

Với thai phụ nhiễm HIV, đòi hỏi bác sĩ phải cẩn trọng, mọi thao tác đều phải thực hiện chậm hơn. Việc này giúp bác sĩ bảo đảm an toàn cho chính mình và đồng nghiệp. 

"Thay vì đeo một đôi găng tay như thông thường, chúng tôi lồng 3 lần găng tay, mặc áo mưa trong phòng mổ, đeo kính bảo hộ để tránh dịch ở bệnh nhân bắn ra. Thế nên, trong phòng mổ, chúng tôi hay đùa với nhau rằng “trời không mưa mà mặc áo mưa”, bác sĩ Vũ cười xòa. 

Mỗi ca mổ cho sản phụ HIV thường diễn ra lâu hơn so với bình thường. Thời gian chuyển dạ càng kéo dài càng ảnh hưởng đến tính mạng người mẹ. Khi đẻ thường, bác sĩ tuyệt đối không để đứa trẻ bị xây xước. 

Trong trường hợp đòi hỏi tốc độ nhanh chóng, nhưng lại phải xử lý từng bước kỹ lưỡng để tránh nguy cơ phơi nhiễm HIV là thách thức với bác sĩ. "Chúng tôi đối diện và làm tốt nhất có thể. Công việc rủi ro cao không có nghĩa bác sĩ, nhân viên y tế run sợ mà bỏ mặc bệnh nhân. Thiếu tôn trọng, miệt thị hay bỏ rơi sản phụ là điều chúng tôi không được phép nghĩ đến. Mọi cố gắng sau cùng cũng để đảm bảo sự an toàn của bệnh nhân là trên hết", bác sĩ Vũ tâm sự. 

Dù được bảo hộ kỹ lưỡng, đúng quy trình, quy định nhưng không ít bác sỹ, nhân viên y tế trong khoa bị phơi nhiễm. Thế nhưng vì sức khỏe, tính mạng người bệnh và đứa trẻ, họ vẫn tiếp tục làm công việc đầy nguy cơ lây nhiễm căn bệnh nan y này. 

Bác sĩ phụ sản này luôn quan niệm đã mắc bệnh thì không ai dễ chịu, sung sướng, đặc biệt những người bị HIV. Nếu ngay cả những người làm ngành y mà cũng phân biệt đối xử thì người bệnh sẽ khổ tâm đến thế nào.

bacsi1 13

 

Đừng nghĩ sản phụ nào mắc HIV cũng là "dân chơi"

Đối với bác sĩ Vũ, có lẽ điều khó khăn nhất trong công việc này là thông báo cho bệnh nhân biết họ đang đối diện án tử. Có nữ bệnh nhân suy sụp tới mức ngất xỉu sau khi nghe bác sĩ báo kết quả dương tính với HIV. Có người gào khóc, chẳng thể tin vào sự thật đang diễn ra, từng lời bác sĩ nói như sét đánh ngang tai, bởi lâu nay luôn giữ mình trong sạch, chung thủy với chồng.

Nguyễn Thị Thanh (26 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) cũng là một trường hợp như thế. Trong chiếc áo đồng phục cho các sản phụ, thân hình nhỏ bé, gầy guộc của Thanh như bị chiếc áo nuốt chửng. Gương mặt cô tái nhợt, xanh xao sau ca phẫu thuật lấy thai ngoài tử cung cách đây hai ngày. Đôi mắt ướt nhìn lên trần nhà như đang nghĩ ngợi, thấy có người vào phòng Thanh khẽ quay người vào tường, né tránh sự dò xét từ người lạ. 

Khi chúng tôi hỏi chuyện, cô chỉ khẽ lắc đầu, ậm ừ không nói, đưa mắt nhìn về phía người thân đang vắt nước cam. Hiểu ý, tôi nhờ người nhà ra ngoài, khép hờ cánh cửa phòng bệnh để cô dễ trải lòng hơn.

Thanh kể mình có con trai đầu 3 tuổi và khi đó cô không mắc căn bệnh quái ác này. Gần đây, thấy cơ thể có dấu hiệu thai nghén, cô vui sướng đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả, Thanh có thai thật, nhưng niềm vui chẳng tày gang, thai lại làm tổ ngoài dạ con, phát hiện muộn hơn có thể dẫn đến tai biến nguy hiểm. Nỗi đau chẳng dừng lại ở đó, cô nhận thêm một thông báo của bác sĩ rằng mình dương tính với HIV.

Kể tới đây, môi cô gái trẻ run lên bần bật, giọng nghẹn ứ: “Em yêu chồng, chưa bao giờ dám nghĩ đến chuyện chung chạ với ai ngoài chồng, tại sao lại mắc bệnh này, chính em cũng không biết. Em vẫn chưa dám nói cho chồng và người nhà biết chuyện", giọt nước mắt lăn dài trên má Thanh.

Cô hít một hơi, kìm lại sự xúc động, nói tiếp: “Cuộc đời em coi như từ đây chấm hết. Những ngày ở viện nhiều lần em nghĩ tới cái chết, nhưng nghĩ đến con nhỏ ở nhà, em lại không dám". 

Nếu ngày mai, Thanh hết sốt, cô sẽ được làm thủ tục ra viện nhưng bà mẹ trẻ vẫn chưa biết nói chuyện này với chồng và người thân bằng cách nào.

- Hay là em cứ giấu chồng?

Bà mẹ trẻ đưa mắt lên nhìn, chờ lời khuyên từ những người ngoài cuộc.

bacsi2 15

 Bác sĩ Lê Thế Vũ. 

Bác sĩ Vũ chia sẻ bệnh viện phải tôn trọng quyền riêng tư của bệnh nhân. Nếu Thanh hay bất kể sản phụ nào muốn giữ kín, không cho người thân biết cũng không được phép tiết lộ. Vì vậy, không ít người muốn giấu chồng, gia đình tới cùng. Việc này rất nguy hiểm cho người nhà, họ có thể bị phơi nhiễm bất cứ lúc nào nếu không biết cách bảo vệ mình. 

Lại có gia đình đều là tầng lớp trí thức, quan chức, vì sợ điều tiếng nên tránh mặt, giao toàn bộ công việc chăm sóc sản phụ cho người giúp việc. Hậu sinh, họ không đến thăm con, cô gái trẻ ấy chỉ lủi thủi một mình trong suốt những ngày mang nặng đẻ đau. 

Chính những người thân trong gia đình cũng kỳ thị, phân biệt đối xử khiến bệnh nhân HIV sống khép kín, đề phòng những người xung quanh. Họ tuyệt vọng, không muốn tiếp xúc, chia sẻ với ai, ngay cả bác sĩ.

Một sản phụ bình thường trước ngày sinh nở vốn nhiều lo lắng, với người nhiễm HIV sự sợ hãi nhân lên gấp nhiều lần. Họ mang trong mình những ánh mắt mặc cảm, sợ bị mọi người miệt thị nhưng sâu thẳm là khát khao được làm mẹ dù đang mang virus HIV trong cơ thể. 

Căn phòng của sản phụ nhiễm HIV không có gì khác biệt. Chính những sản phụ được chuyển vào nằm tại đây cũng không biết mình đang bị cách ly.

Bác sĩ Vũ cho hay: “Tất cả thông tin bệnh nhân chúng tôi đều giữ kín, các bác sĩ và nhân viên y tế dùng ám hiệu với nhau. Việc này để đảm bảo bí mật riêng tư cho các sản phụ, tránh được ánh mắt kỳ thị, khác thường từ những người xung quanh. Hơn hết, sản phụ mắc HIV rất nhạy cảm, một câu nói đùa thiếu ý nhị cũng có thể khiến họ mặc cảm. Nếu bạn nghĩ, bệnh nhân HIV đều là những "dân chơi", sống buông thả, sa đọa là sai lầm. Họ cũng có thể là nạn nhân". 

Giọt nước mắt của bác sĩ sản khoa

Với mỗi bác sĩ sản phụ khoa, điều thiêng liêng nhất có lẽ là khoảnh khắc đón những sinh linh bé nhỏ chào đời. Qua 28 năm làm việc, bác sĩ Thế Vũ nhận thấy rằng tình mẫu tử của sản phụ nhiễm HIV không có gì khác biệt với những người bình thường. Tuy nhiên, điều khiến anh ám ảnh nhất là gương mặt của họ, khi nhìn thấy con, dường như những giọt nước mắt hạnh phúc, đau khổ rơi cùng lúc.

Họ yêu con nhưng vẫn luôn lo sợ về tương lai đầy mờ mịt phía trước, liệu đứa trẻ có được sống như những người bình thường, đủ sức mạnh để chống chọi với căn bệnh quái ác này. 

Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền HIV cho con trong cả ba thời kỳ mang thai, khi sinh và cho con bú qua sữa mẹ. Sản phụ không có cách nào khác ngoài uống thuốc để giảm khả năng lây nhiễm HIV sang con.

1 7

 

Cũng theo bác sĩ sản khoa, phụ nữ mang thai cần điều trị HIV sớm ngay từ khi phát hiện. Nếu được uống thuốc theo phác đồ điều trị sớm, có thể giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con.

Các nghiên cứu cho thấy, khi điều trị dự phòng bằng thuốc ARV, sinh nở an toàn và nuôi con an toàn, nguy cơ lây truyền HIV từ mẹ sang con chỉ còn 2%. Nếu không có các can thiệp giảm thiểu lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, nguy cơ mẹ lây truyền có thể 25-40%.

Từ nhỏ tôi luôn nghĩ mình sẽ làm nghệ thuật

Cha là nhạc sĩ, được tiếp xúc với âm nhạc từ nhỏ. Lê Thế Vũ luôn nghĩ rằng khi lớn lên sẽ làm công việc có thiên hướng nghệ thuật. Rồi anh lại bén duyên với ngành y, đặc biệt khoa sản. 

Để cân bằng lại áp lực trong công việc, anh tìm đến âm nhạc. Mỗi khi mổ, anh thường dùng tai nghe bluetooth, mở một bản nhạc yêu thích để giảm bớt căng thẳng, tập trung cao độ hơn.

Đây cũng là công cụ giúp anh thêm gần gũi với bệnh nhân của mình. Cách đây không lâu, anh đỡ đẻ cho một sản phụ sinh non, giữ thai thành công. Cô là một giáo viên dạy violin, biết bác sĩ thích chơi piano. Nữ bệnh nhân đề nghị: 

- Anh Vũ ơi, hôm nào anh với em cùng chơi một bản nhạc. Anh chơi piano, còn em chơi violin. 

"Thế là tôi vui vẻ đồng ý, tập luyện hăng say. Gần 30 năm làm nghề, cũng có lúc tôi chán nản nhưng những niềm vui nhỏ nhặt như vậy lại giúp tôi cân bằng lại", bác sĩ Vũ nói. 

1 9

 

Trong đời chạy chữa cho nhiều cặp vợ chồng khác nhau, bác sĩ Vũ nhận về nhiều niềm hạnh phúc. Tính đến nay, hàng chục cặp vợ chồng muốn anh làm cha nuôi của đứa trẻ, lấy tên bác sĩ đặt cho con. Với anh, điều đó rất thiêng liêng, tự hào khi công việc của mình mang lại niềm vui cho các gia đình, có thêm động lực để tiếp tục cống hiến.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn