• Zalo

Nỗi ám ảnh của bệnh nhân tiểu đường khi phải cắt chân

Sức khỏeThứ Ba, 07/11/2017 08:04:00 +07:00Google News

Tiểu đường là căn bệnh có thể biến một người bình thường thành tàn phế.

Trên giường bệnh nằm sát bên cửa sổ, bà Hoàng Thị Sơn (ở Thanh Hóa) ánh mắt thơ thẩn nhìn ra ngoài. Chân trái của bà băng bó kín cả bàn chân. Chỉ 2 ngày nữa, bà buộc phải tiến hành cắt bỏ phần chân này nếu muốn giữ lại mạng sống. Gia đình giấu bà điều này.

Bà Sơn là một trong những ca bệnh đái tháo đường điển hình với biến chứng nặng nhất là hoại tử bàn chân, có nguy cơ gây nhiễm trùng máu toàn thân, đồng nghĩa nguy cơ tử vong rất cao.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện, Phó trưởng khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết căn bệnh đái tháo đường của bà Sơn đã diễn tiến âm thầm từ lâu. Bà chỉ được phát hiện bệnh cách đây hai năm. 20 ngày trước, bàn chân trái của bà bỗng nhiên sưng, sau đó tình trạng ngày càng nặng.

Bà được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa lên khoa Chăm sóc Bàn chân, Bệnh viện Nội tiết trung ương với vết thương đã hoại tử và nặng mùi.

Noi am anh cua benh nhan tieu duong khi phai cat chan hinh anh 1

 Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Thiện trấn an bà Sơn trước tình trạng phải đoạn chi trái. Ảnh: HQ.

Hoàng Thị Thúy (con gái bà Sơn) cho biết cha đang trên đường ra Hà Nội để kịp làm thủ tục cho mẹ tiến hành cắt bỏ phần chân. Tuy nhiên, gia đình vẫn chưa biết nên nói với bà Sơn như thế nào về tình trạng này.

“Mẹ tôi bị ám ảnh hơn những người khác. Một tay bà đi chợ bán cá nuôi lớn ba chị em chúng tôi. Bà chưa bao giờ nghĩ mình phải nằm một chỗ để phiền con cái, lại càng không bao giờ đồng ý cắt bỏ một phần cơ thể. Bởi như thế bà sẽ thành người tàn phế, không thể làm gì.

Bà ấy có thể chết chứ không đồng ý nên chúng tôi buộc phải giấu. Chúng tôi cũng rất lo lắng về tình trạng của bà sau khi biết mình không còn bàn chân”, chị Thúy chia sẻ.

Tại khoa Chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết trung ương, bà Sơn chỉ là một trong số hàng trăm bệnh nhân đang phải băng bó chân vì biến chứng của bệnh tiểu đường.

Tại phòng kế bên, ông Nguyễn Xuân Sinh (giảng viên chuyên ngành thể chất, sống ở Long Biên, Hà Nội) cũng phải điều trị do biến chứng bàn chân của căn bệnh đái tháo đường.

Thường xuyên tập thể dục và vận động nhiều do đặc trưng nghề nghiệp nhưng trước đây, khi biết mình mắc đái tháo đường, ông Sinh cũng như nhiều bệnh nhân khác rất chủ quan. Ban đầu, bệnh chưa gây đau đớn và phiền toái. Ông vẫn thường xuyên tham gia các buổi nhậu, uống quá chén cũng như không chú ý tới chế độ ăn uống. Ông chia sẻ không ngờ căn bệnh lại có thể gây biến chứng nặng đến vậy.

Noi am anh cua benh nhan tieu duong khi phai cat chan hinh anh 2

Biến chứng bàn chân trở thành biến chứng nặng nề, là một trong nguyên nhân gây tàn phế cho bệnh nhân đái tháo đường. Ảnh: HQ. 

Theo thạc sĩ Thiện, biến chứng bàn chân trở thành biến chứng nặng nề. Đây là một trong nguyên nhân gây tàn phế cho bệnh nhân đái tháo đường. Những bệnh nhân đến đây thường đã tổn thương rất nặng, từng điều trị ở tuyến dưới hoặc các bệnh viện khác không thành công. Nhiều bệnh nhân bị hoại tử lan rộng vào tận xương buộc phải cắt bỏ chân.

Để phòng chống biến chứng bàn chân, bác sĩ Thiện cho biết các bệnh nhân phải có thói quen kiểm tra sức khỏe, xác định đường huyết cao hay thấp. Khi xuất hiện dấu hiệu bàn chân tê bì phải đi khám ngay. Đây là dấu hiệu sớm nhất của biến chứng ở bàn chân, tiền đề cho loét chân sau đó. Với những vết thương dù rất nhỏ, người đái tháo đường cũng cần đến chuyên khoa để xử lý.

GS.TS Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE), cũng cảnh báo đái tháo đường đang gia tăng nhanh chóng trên toàn thế giới với 415 triệu người mắc, đặc biệt đối với các nước đang phát triển.

Video: 3 trẻ nhập viện vì tiểu đường chỉ trong một tuần

Việt Nam là một trong những nước có người mắc cao nhất thế giới, với tỷ lệ bệnh nhân chiếm khoảng 5,4 % dân số. Ngoài ra, khoảng 69,9% người bệnh chưa được chẩn đoán, tức đã có bệnh nhưng chưa biết để điều trị và giảm thiểu các biến chứng.

Giáo sư nhấn mạnh cùng với việc tăng sử dụng thực phẩm không thích hợp, ít hoặc không hoạt động thể lực ở trẻ em, bệnh đái tháo đường type 2 đang có xu hướng tăng ở cả trẻ em thay vì chỉ xuất hiện phổ biến ở người trưởng thành, trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.

Đái tháo đường là bệnh gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như mù lòa, suy thận, tim và cắt cụt chi. Bệnh gây tử vong cao hàng thứ 4 thế giới.

10 giây trôi qua, thế giới có một người tử vong vì bệnh đái tháo đường, 24 giờ tiếp theo có bệnh nhân mắc biến chứng như mất thị lực, suy tim, chạy thận.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn