• Zalo

Nọc độc rắn hổ mang chúa nguy hiểm thế nào?

Bệnh và thuốcThứ Ba, 25/08/2020 10:15:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Với 7ml nọc độc, rắn hổ mang chúa có thể giết chết 1 con voi châu Phi trong vài giờ và làm cho 20 người đàn ông trưởng thành phải mất mạng.

Rắn hổ mang chúa thuộc họ Elapidae (họ rắn hổ), phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới, trải dài từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa ghi nhận được trong tự nhiên là 7m.

Loài được đánh giá nguy hiểm và đáng sợ trong phạm vi sinh sống của chúng, dù chúng thường không chủ động tấn công con người.

Khi vào cơ thể, nọc độc của rắn hổ mang chúa sẽ tấn công thẳng tới hệ thần kinh trung ương, gây mờ mắt, đau nhức, buồn ngủ, chóng mặt và tê liệt thần kinh. Sở dĩ nọc độc rắn hổ mang chúa đáng sợ vì nó chứa một hợp chất gồm các độc tố thần kinh và cytotoxin. Đó đều là những chất có thể gây tổn hại mô thần kinh và làm vô hiệu các tế bào.

Theo các chuyên gia, rắn hổ mang chúa có khả năng giết chết nạn nhân thông qua một vết cắn có chứa từ 200 – 500mg nọc độc. Thông thường, vết cắn của rắn hổ mang chúa có thể giết chết người chỉ sau 30 phút.

Nọc độc rắn hổ mang chúa nguy hiểm thế nào? - 1

Với 7ml nọc độc, rắn hổ mang chúa có thể giết chết 1 con voi châu Phi trong vài giờ. (Ảnh minh họa: 24h).

Rắn hổ mang chúa có khả năng khống chế lượng chất độc khi cắn con mồi. Chúng tiết ra chất độc được chứa trong 1 túi cơ của tuyến nọc nằm ở vòm họng. Túi cơ này sẽ co bóp đưa nọc độc đến răng nanh khi tấn công con mồi.

Đặc biệt, rắn hổ mang chúa có thể phun tối đa tới 7 ml nọc độc - có thể giết chết một con voi châu Phi trong vài giờ và làm cho 20 người đàn ông trưởng thành thiệt mạng. Với "khả năng" này nên chúng được mệnh danh là "chúa của các loài bò sát".

Làm gì khi bị rắn cắn?

Theo các chuyên gia, người bị rắn cắn không nên băng garo, vì cột chặt có thể làm máu không đến được vị trí bị buộc khiến phần này dễ hoại tử. Khi đến bệnh viện, bác sĩ tháo băng garo ra thì chất độc sẽ cùng lúc ùa về tim khiến bệnh nhân vào cơn sốc, bệnh nhân có thể chết ngay lập tức.

Sau khi xác định bị rắn độc cắn, người bị nạn cần nằm im, dùng cố định chân tay, vùng bị cắn... để hạn chế việc xâm nhập của nọc độc vào cơ thể, hoặc làm cho việc thâm nhập chậm đi và ít hơn.

Người bị rắn cắn cũng không nên tự tiện đi lại, trích, rạch, châm, chọc vùng rắn cắn nhằm loại bớt chất độc ra khỏi cơ thể. Hành động này sẽ vô tình làm chất độc di chuyển nhanh hơn trong cơ thể, giảm bớt thời gian cứu sống.

Ngoài ra, bệnh nhân bị rắn cắn cần tuyệt đối không được đắp đá, chườm lạnh và không bôi các loại hóa chất, thuốc, lá cây… lên vết cắn.

Nọc độc rắn hổ mang chúa đặc biệt nguy hiểm, có tỷ lệ thiệt mạng cao. Bởi vậy, các bác sĩ khuyến cáo, khi bị rắn cắn, người dân phải nhanh chóng tới bệnh viện để được điều trị, cấp cứu kịp thời.

Phạm Quý
Bình luận
vtcnews.vn