Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định quyết tâm sẽ đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn trong năm 2015, nhưng một số chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, gánh nặng về xử lý nợ xấu trong năm 2015 là khá nặng.
Xử lý mạnh nợ xấu trong năm 2014
Để triển khai xử lý nợ xấu một cách căn bản, ngày 31/5/2013, Chính phủ đã ký Quyết định số 843/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản Việt Nam.
Đề án ”Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” với 5 nhóm giải pháp tổng thể xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai cần triển khai đến năm 2015, gồm: nhóm giải pháp đối với TCTD; nhóm giải pháp đối với khách hàng của TCTD; nhóm giải pháp về cơ chế chính sách; nhóm giải pháp về thanh tra, giám sát và giải pháp thành lập VAMC.
Trên cơ sở đó, ngày 26/7/2013, công ty VAMC đã chính thức đi vào hoạt động với nguyên tắc hoạt động của công ty là lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận, công khai, minh bạch và hạn chế rủi ro, chi phí trong xử lý nợ xấu.
Việc xử lý nợ xấu thông qua VAMC là nhằm đạt được các mục tiêu: Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD bằng cơ chế phân bổ dần chi phí trích lập dự phòng rủi ro giúp các TCTD cân đối năng lực tài chính xử lý các tổn thất về nợ xấu; Hỗ trợ khách hàng vay thông qua việc cơ cấu lại khoản nợ, hỗ trợ tài chính cho khách hàng vay, chuyển nợ thành vốn góp,...Nợ xấu vẫn là bài toán khó giải trong năm 2015 (Ảnh minh họa)
Với một số quyền hạn đặc thù, VAMC sẽ phối hợp các cơ quan liên quan trong việc đẩy nhanh tiến độ bán, xử lý nợ và tài sản bảo đảm. Nhờ đó, sau khi bán nợ xấu cho VAMC, trên bảng cân đối kế toán của TCTD bán nợ, khoản nợ xấu bán cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam được thay thế bằng các trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành.
Nhìn lại số nợ xấu đã được VAMC xử lý có thể thấy, nếu tính cả số nợ xấu VAMC duyệt mua trong tháng 10/2014 cùng với số nợ xấu xử lý trong năm 2012 (69,9 nghìn tỷ đồng), 2013 (97,7 nghìn tỷ đồng) và 9 tháng đầu năm 2014 (72,84 nghìn tỷ đồng) thì tổng số nợ xấu đã được VAMC xử lý ước khoảng 252 nghìn tỷ đồng, bằng 54,3% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012 đã được NHNN báo cáo với Bộ Chính trị và Chính phủ khi xây dựng Đề án xử lý nợ xấu.
NHNN nhận định, những giải pháp xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng trong thời gian vừa qua đã đem lại kết tích cực: nợ xấu đã được xử lý một bước, tốc độ tăng nợ xấu chậm lại, doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn để phát triển sản xuất kinh doanh. Đây là các giải pháp thực sự có ý nghĩa đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng.
“Gánh nặng về xử lý nợ xấu trong năm 2015 là khá nặng”
Trong năm 2015, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện 6 mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản. Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ này là, sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, tập trung tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, giảm mạnh nợ xấu xuống 3% vào cuối năm 2015, đây là tỷ lệ nợ xấu thông thường của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế thị trường; đảm bảo an toàn, hiệu quả hệ thống ngân hàng….
Cũng trong thời gian qua, một trong những yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu được các đại biểu Quốc hội nêu tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII (vừa kết thúc trong tháng 11/2014), đó là, NHNN cần khẩn trương triển khai nhiều giải pháp, trong đó, yêu cầu các TCTD công khai, minh bạch về nợ xấu và kết quả xử lý, thực hiện các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu gia tăng…
Đánh giá về việc xử lý nợ xấu trong thời gian qua của NHNN, một số chuyên gia kinh tế đều ghi nhận, dù nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn, nhưng nỗ lực để giải quyết nợ xấu của NHNN cũng đã đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên, để xử lý nợ xấu về ngưỡng an toàn trong năm 2015 vẫn còn khá "ghập ghềnh" cho hệ thống ngân hàng.
TS Vũ Đình Ánh cho biết, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đặt ra mục tiêu cuối năm 2015 sẽ đưa mức nợ xấu về chuẩn quốc tế, khoảng 3% trên tổng dư nợ. Do đó, gánh nặng về xử lý nợ xấu trong năm 2015 là khá nặng, khi nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề.
Ví dụ, quy mô nợ xấu không những không giảm mà tăng lên dù Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các biện pháp kiểm soát, cũng như phân loại nợ theo thông lệ chuẩn mực quốc tế.
Theo báo cáo mới nhất của NHNN chi nhánh Tp.HCM, tính đến cuối tháng 10/2014, nợ xấu trên địa bàn chiếm tỷ lệ 6,57% tổng dư nợ, tăng 2,1% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh.
Cụ thể, trong 8 tháng đầu năm 2014, nợ xấu đã tăng lên 60.900 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ là 6,1%. Trong tổng nợ xấu 60.900 tỉ đồng, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 39,3%.
Theo NHNN chi nhánh TPHCM, nợ xấu của các NHTM bắt đầu tăng mạnh từ tháng 6, khi Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2013/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài có hiệu lực.
Dù vẫn còn khá nhiều khó khăn trong xử lý nợ xấu, nhưng NHNN khẳng định, từ kết quả xử lý nợ xấu đạt được cùng với việc tiếp tục quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng và sự phối hợp đồng bộ, tích cực của các Bộ ngành, địa phương, NHNN tin tưởng rằng nợ xấu sẽ được đưa về mức an toàn đến cuối năm 2015 như mục tiêu đã đề ra.
Theo Vnmedia
Bình luận