• Zalo

Nổ sập nhà kinh hoàng: Cái chết được báo trước?

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 25/02/2013 11:28:00 +07:00Google News

Theo đạo diễn Tường Phương, nhà đạo diễn Lê Minh Phương (nạn nhân và là chủ căn nhà bị nổ) từng bị nổ tan hoang trong lúc đang dựng phim trường…

Theo đạo diễn Tường Phương, nhà đạo diễn Lê Minh Phương (nạn nhân và là chủ căn nhà bị nổ) từng bị nổ tan hoang trong lúc đang dựng phim trường…


Vụ nổ khiến 10 người chết đang khiến dư luận hết sức quan tâm. Trước hết là sự chia sẻ của mọi người đối với những cái chết quá thương tâm, trong đó đặc biệt là cả gia đình đạo diễn Lê Minh Phương.

Tuy nhiên, một thông tin khiến khá nhiều người cảm thấy sốc, đó là nhà của đạo diễn “Phương khói lửa” đã từng bị nổ tan hoang. Chia sẻ trên báo NLĐ, đạo diễn Tường Phương cho biết: “Trước đây, nhà anh Phương cũng từng bị nổ tan hoang trong lúc đang dựng phim trường, may là lúc đó không có ai ở bên trong. Lần này không hiểu sao lại đến nông nỗi như vậy".

Tuy nhiên, đạo diễn Tường Phương không cho biết, ngôi nhà từng bị nổ là ngôi nhà nào, bởi theo thông tin ban đầu thì ngôi nhà bị nổ lần này mới được nạn nhân thuê 2 tháng nay.

Hiện trường vụ nổ (Ảnh: Phạm Nguyễn). 
Nhưng dù vậy, có thể thấy một điều là ngoài việc chủ nhân của căn nhà đã quá mạo hiểm khi “đánh cuộc” mạng sống của cả gia đình trong đống thuốc nổ, thì việc quản lý của chính quyền đối với việc lưu trữ, sử dụng chất nổ là quá lỏng lẻo.

Chính vì vậy, ngay sau khi vụ nổ xảy ra, hàng loạt ý kiến của độc giả đã gửi đến báo chí phản ánh về tình trạng quản lý chất nổ. Đặc biệt, khá nhiều ý kiến cho rằng, lỗi của quản lý chính quyền địa phương là rất lớn.

Một người nhận là chuyên gia về thuốc nổ trong một trường sĩ quan quân đội (đã nghỉ hưu), viết: “Tôi thấy ta không hề coi trọng việc giám sát các điều kiện hành nghề, gia công thuốc nổ đối với công dân nên mới xảy ra cơ sự này. Những cơ sở sản xuất, pha chế đóng gói chất gây nổ, các lượng nổ phải được đăng ký nghiêm ngặt và nhất thiết phải cách ly khu dân cư, kho tàng, cơ quan...”.

“Nhà của nạn nhân đã từng bị nổ, như vậy không thể nói là chính quyền không biết việc nhà này chưa chất nổ nguy hiểm. Vậy mà vẫn tiếp tục để tình trạng này tái diễn dẫn đến hậu quả đau lòng. Người ta bảo mất bò mới lo làm chuồng. Bây giờ mất người, mà là mất nhiều người thì sẽ lo làm gì?” – độc giả có tên Hoàng Hải đặt câu hỏi.

Trong khi đó, một độc giả khác viết: “Qua vụ này cùng với các vụ cháy nổ gas thời gian qua cho thấy, việc quản lý địa bàn khu dân cư đã phát sinh nhiều bất cập và đáng báo động. Mong nhà nước sớm chấn chỉnh sao cho khu dân cư chỉ là nơi để ở thôi. Trường hợp nếu cho phép kinh tế hộ gia đình, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh thì chỉ cho phép ngành nghề nào là thật sự tuyệt đối an toàn, không gây cháy nổ hay độc hại môi trường. Hy vọng những cảnh đau lòng như thế này không còn xảy ra nữa!”.

Có ý kiến đề nghị Quốc hội họp kỳ tới ban hành bổ sung thêm nhiều điều luật về quản lý chất nổ tác nghiệp và chất nổ chuyên dụng quân sự. Những người được phép tàng trữ để hành nghề (như làm phim, phá núi, mở đường...) thì cần có "giấy phép đặc biệt" và buộc họ phải tàng trữ các chất cháy nổ xa nhà dân, nghiêm cấm đưa chất nổ vào khu dân cư. Cần phải nghiêm khắc với chuyện này như với ma túy vì quá đau khổ cho người dưng vô tình thiệt mạng oan ức.

Một bạn đọc thì đề nghị phải kiểm tra ngay những người chuyên cung cấp các đạo cụ tạo cảnh khói lửa cho các đoàn làm phim khác, bởi những thứ tự chế, tự pha trộn đó mà sản xuất, tàng trữ tại khu dân cư, vận chuyển ở nơi công cộng thì không thể chấp nhận được vì chúng vô cùng thiếu ổn định nên tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào.

Một số ý kiến cũng cho rằng, đây là hậu quả của việc hành nghề thiếu chuyên nghiệp. Hành nghề cháy nổ nhưng không qua đào tạo, không được cấp chứng chỉ hành nghề.

Cũng có ý kiến gợi ý rằng, “các đoàn làm phim khi muốn tạo hiệu ứng cháy nổ, sao không hợp tác với bộ đội công binh? Bao giờ chúng ta mới chấm dứt được tác phong hành nghề “tài tử” để không phải ôm hận?”.

Cũng có ý kiến cho rằng, ngay bản thân những người dân sống xung quanh khu vực nhà nạn nhân cũng chưa biết cách để bảo vệ mình, bởi nếu họ có biết gia đình ông Phương chưa chất nổ thì phải trình báo và đấu tranh đến cùng chứ không thể chấp nhận sống chung với mối nguy hiểm như vậy.

Trong khi đó, thông tin tại cuộc họp báo do Bộ Công an tổ chức trong chiều nay tại TP. HCM cho biết, ngôi nhà xảy ra vụ việc kinh hoàng nói trên đã được Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM cấp phép hoạt động cho Công ty Lạc Việt. Công tác khám nghiệm hiện trường ban đầu đã xác định đây là 1 vụ tại nạn, tuy nhiên vẫn cần làm rõ ngọn nguồn các tình tiết nên sẽ khởi tố vụ án để điều tra làm rõ.

"Những cái chết quá đau lòng trong vụ nổ không khỏi khiến bất cứ ai cũng thấy thương tâm. Xin chia buồn với toàn thể gia quyến nạn nhân, nhưng với những gì đã và đang xảy ra, với sự chủ quan đáng tiếc của bản thân nạn nhân Phương và sự tắc trách trong quản lý của chính quyền thì có thể nói rằng, những cái chết gần như đã được báo trước mà chẳng mấy ai quan tâm. Sau vụ việc  này, liệu rằng nhiều người khác cùng gia đình họ và cả những người hàng xóm vẫn đang "sống trong sợ hãi" một cách... vô tư có giật mình?" - bạn đọc Nguyễn Hồng Thúy viết.
Pháp lệnh về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ:

Điều 9. Tiêu chuẩn của người được giao bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ:

1. Người được giao bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải có các tiêu chuẩn sau đây:

a) Phẩm chất, đạo đức tốt, đủ sức khoẻ phù hợp với công việc được giao;

b) Có chứng chỉ chuyên môn về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy;

c) Nắm vững nội quy, chế độ quản lý, bảo quản kho, nơi cất giữ vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

2. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể khoản 1 Điều này đối với Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể khoản 1 Điều này đối với Công an nhân dân; chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có liên quan quy định cụ thể khoản 1 Điều này đối với các đối tượng khác.

Điều 10. Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

1. Vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ theo quy định.

2. Kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được thiết kế, xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn về phòng, chống cháy, nổ và bảo đảm môi trường theo quy định; có nội quy, phương án bảo vệ, phương án phòng, chống cháy, nổ, phương tiện bảo đảm an toàn được cơ quan chủ quản và cơ quan chức năng phê duyệt.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với các đối tượng khác.

Theo VnMedia

Bình luận