• Zalo

'Nở rộ' ngành học mới: Nhiều trường mở ngành nhưng không có người học

Diễn đànThứ Năm, 16/12/2021 07:52:49 +07:00Google News
(VTC News) -

Nhiều trường đại học dự kiến mở thêm ngành học mới cho mùa tuyển sinh năm 2022, điều này làm dấy lên nỗi lo ngại chất lượng nhân lực trong tương lai.

Hiện các trường đại học, cao đẳng đang ráo riết xây dựng đề án tuyển sinh năm 2022. Trong đó điểm đáng chú ý là việc mở rộng thêm nhiều ngành học mới nhằm thu hút thí sinh đăng ký và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực.

Lo chất lượng đào tạo

Theo TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), việc mở các ngành nghề mới là điều tốt nếu các ngành nghề đó đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như năng lực đào tạo của các nhà trường.

“Các trường khi muốn mở ngành mới mà trước đây chưa có cần xuất phát từ nhu cầu thực tế và phải thực hiện theo quy trình, cần có sự tính toán, khảo sát, điều tra nhất định về cơ hội việc làm cũng như xu thế, khảo sát các doanh nghiệp hoặc tổ chức sử dụng lao động để biết nhu cầu lao động. Từ đó, chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, phát triển các chương trình đào tạo để đảm bảo chất lượng của nguồn nhân lực”- ông Khuyến nói. 

Tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến cũng lo ngại khi nhiều năm trở lại đây tình trạng các trường ồ ạt mở ngành mới, ngành “hot” để thu hút thí sinh.

'Nở rộ' ngành học mới: Nhiều trường mở ngành nhưng không có người học - 1

Sinh viên thực hành tại lớp học. (Ảnh minh hoạ)

“Thực trạng hiện nay, một số trường vì muốn thu hút nhiều sinh viên đã mở thêm nhiều ngành mới với tên gọi hấp dẫn nhưng thực chất là “bình mới rượu cũ”. Điều này ảnh hưởng và gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cũng như công tác tuyển sinh các ngành đào tạo truyền thống”, ông phân tích.

Theo TS Khuyến, mỗi trường đại học có một số ngành học có thế mạnh nhất định. Việc mở ra quá nhiều ngành mới có thể dẫn đến tình trạng, một số ngành không đủ sinh viên để tổ chức lớp học. Sự đa dạng hóa quá nhiều ngành học mới có thể gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh. Và nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc các trường đại học mở thêm nhiều ngành mới không phải là vấn đề đáng lo ngại. Bởi đây là xu hướng tất yếu hiện nay, khi cơ cấu kinh tế đã và đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ, sự phát triển ngành nghề trong xã hội ngày càng đa dạng hơn. Điều đáng lo ngại là khâu quản lí, kiểm định chất lượng khi các ngành nghề mới được mở ra. 

Nếu các trường mở ngành mới phù hợp với nhu cầu của xã hội và người học, yêu cầu nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế xã hội và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của trường, đảm bảo đáp ứng các điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ nghiên cứu cơ hữu, cơ sở vật chất, thiết bị, giáo trình theo yêu cầu từng nhóm ngành nghề khác nhau thì đấy là điều rất tốt và nên ủng hộ.

"Tôi chỉ sợ tiêu cực xảy ra, khi khâu quản lí của nhà nước không chặt chẽ, không kiểm soát, thẩm định được chất lượng những ngành mới ở các đơn vị đào tạo sẽ dẫn đến tình trạng lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc, không sử dụng được nguồn nhân lực", ông Dong nêu.

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc giao quyền cho các trường đại học được tự chủ tuyển sinh phải gắn với yêu cầu kiểm soát chất lượng. Để tránh tình trạng thất nghiệp tràn lan, lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc, thì các trường cần cân nhắc các ngành nghề mới, làm sao đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Việc nhiều trường đại học trên cả nước công bố mở thêm nhiều ngành mới bước đầu cho thấy những dấu hiệu tích cực của chủ trương trao quyền tự chủ cho các trường đại học. Đồng thời giúp đa dạng hoá dịch vụ đào tạo, hạn chế tình trạng độc quyền đối với một số ngành nghề, gây sức ép cạnh tranh để mọi đơn vị đào tạo, mọi ngành nghề đều phải đổi mới, nâng cao chất lượng.

Bên cạnh những tác động tích cực, tốc độ mở rộng các ngành đào tạo quá nhanh có thể gây ra những tác động ngoài mong đợi. Một số trường vì muốn thu hút nhiều sinh viên đã mở thêm nhiều ngành mới với tên gọi hấp dẫn nhưng thực chất là “bình mới rượu cũ”.

Cùng với đó, một số trường mở ra thêm nhiều ngành mới mà chưa sẵn sàng về nguồn nhân lực giảng dạy và cơ sở vật chất, dẫn đến chất lượng đào tạo không đảm bảo.

'Nở rộ' ngành học mới: Nhiều trường mở ngành nhưng không có người học - 2

Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội thực hành. (Ảnh minh hoạ: VNU)

Nhiều trường mở ngành mới

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định. Do đó, việc các trường đại học ồ ạt mở ngành mới trong mùa tuyển sinh năm 2022 là điều có thể dự đoán. 

Trong năm học 2022 - 2023, Đại học Hoa sen tuyển sinh 3.600 chỉ tiêu cho 34 ngành học và 11 chương trình song bằng. Trong đó, trường mở một số ngành học mới, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động như: Thương mại điện tử, Digital Marketing, Phim, Quan hệ công chúng, Kinh tế thể thao, Trí tuệ nhân tạo.

Theo công bố mới nhất, Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM sẽ tuyển khoảng 4.000 chỉ tiêu cho 35 ngành đào tạo. Trường cũng mở mới 6 ngành học là Quản trị văn phòng, Kinh tế quốc tế, Công nghệ tài chính, Kiểm toán, Truyền thông đa phương tiện, Quản trị sự kiện.

Đại học Gia Định mới đây thông báo đề án tuyển sinh 2022. Trong đó, điểm nổi bật là nhà trường sẽ ra mắt chương trình đào tạo tài năng với 5 ngành học: Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin, Marketing và Kinh doanh quốc tế.

Trường này cũng mở thêm 5 ngành học mới, nâng tổng số ngành đào tạo đại trà lên 19 ngành. Các ngành mới gồm: Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Bất động sản, Quản trị nhà hàng và ăn uống, Quản trị du lịch và lữ hành. 

Đại học Công nghiệp TP.HCM công bố những thông tin ban đầu tuyển sinh năm 2022. Nhà trường dự kiến tuyển thêm ngành Dược học với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00, B00, D07, D90.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp