Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đang được nhắc tới nhiều khi hàng loạt lãnh đạo bị kỷ luật. Cùng với đó, Vinachem phải gánh khoản lỗ lũy kế lên tới 1.878 tỷ đồng (tại thời điểm cuối quý 2/2017) và khoản nợ lên tới 38.000 tỷ đồng.
Video: 4 nhà máy phân đạm thua lỗ nghìn tỷ
Hiện tại, Vinachem chưa thông báo chính sách tiền lương, tiền thưởng năm 2016 của Tập đoàn. Tuy nhiên, dựa vào số liệu năm 2015, có thể thấy Vinachem khá bạo chi dù đang gặp nhiều khó khăn như lợi nhuận và doanh thu cùng nhau sụt giảm. Cụ thể, theo báo cáo tiền lương, tiền thưởng năm 2015, mức tiền lương thực hiện của 163 người lao động trong tập đoàn Vinachem là 19,38 triệu đồng/người/tháng, tăng 80.000 đồng/người/tháng so với kế hoạch đề ra trước đó. Cộng thêm hơn 5,6 triệu đồng thưởng, bình quân thu nhập người lao động đạt 22,28 triệu đồng/người/tháng, tăng 470.000 đồng/người/tháng.
Trong khi đó, thu nhập của người quản lý lại giảm nhẹ. Mức lương bình quân thực hiện của 13 quản lý tại Vinachem là 48,46 triệu đồng/người/tháng, không đổi so với kế hoạch.
Tuy nhiên, do không có thưởng nên thu nhập bình quân của 13 vị sếp này chỉ đạt 48,46 triệu đồng/người/tháng, giảm 5,45 triệu đồng/người/tháng so với kế hoạch. Điều đáng nói, Vinachem bạo chi trong bối cảnh tập đoàn này vừa thoát lỗ lũy kế nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh. Tại thời điểm cuối năm 2015, Vinachem ghi nhận khoản lợi nhuận lũy kế đạt 865 tỷ đồng. Nghĩa là khoản lãi trong năm 2015 đã xóa đi khoản lỗ lũy kế 320 tỷ đồng hồi cuối năm 2014.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, lợi nhuận sau thuế 2015 của Vinachem đạt 1.467 tỷ đồng, giảm 490 tỷ đồng, tương ứng 25% so với năm 2014. Đi cùng với lợi nhuận sụt giảm là doanh thu đi lùi. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tại Vinachem giảm 32 tỷ đồng xuống 41.815 tỷ đồng.
Doanh thu giảm không phải nguyên nhân chính gây áp lực lên lợi nhuận. Lãi vay quá cao mới "ăn mòn" tiền lãi của Vinachem. Trong năm 2015, số tiền lãi phải trả của Vinachem tăng từ con số 1.162 tỷ đồng năm 2014 lên 1.667 tỷ đồng. Lãi vay tại Vinachem cao chót vót khi tập đoàn này nợ nần quá lớn. Nợ phải trả tại Vinachem đạt 37.038 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2015, tăng mạnh so với con số 36.668 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay đạt 30.095 tỷ đồng, chiếm 81% nợ phải trả.
Trong bối cảnh kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nợ vay lớn, Vinachem trả lương như vậy là rất bạo tay.
Sang năm 2016, Vinachem có kế hoạch tăng lương cho cả người lao động và lãnh đạo. Theo đó, thu nhập bình quân của người lao động và lãnh đạo tăng lên 22,89 triệu đồng/người/tháng và 53,89 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên, cho tới nay, Vinachem chưa công bố báo cáo tiền lương năm 2016 nên chưa rõ liệu tập đoàn này có thực hiện được kế hoạch hay không. Tuy nhiên, năm 2016 tập đoàn thua lỗ tới 859 tỷ đồng nên trả lương thưởng cao sẽ là áp lực lớn với tập đoàn.
Trước đó, nhiều Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước đã bị "tố" trả lương quá cao so với mặt bằng chung. EVN từng tốn nhiều giấy mực của báo chí khi trả lương bình quân 13,6 triệu đồng/người/tháng cho người lao động. Mức chi trả này được đánh giá cao gấp đôi so với lương bình quân lao động tại các doanh nghiệp nhà nước. Tính đến quý 4/2015, mức thu nhập trung bình tại khu vực này là 5,5 triệu đồng/tháng. Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) trả lương khá thấp. Tiền lương bình quân của nhân viên Vinacomin chỉ đạt 8,7 triệu đồng mỗi tháng, tăng 3% so với năm 2014. Trong đó, lương của công nhân sản xuất than cao hơn một chút, đạt 9,2 triệu đồng, tăng 6% so với năm 2014.
Năm 2015, cùng với Vinachem, không ít các doanh nghiệp nhà nước khác cũng khá mạnh tay cho chi trả lương. Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) là ví dụ điển hình. Trong năm 2015, người lao động VICEM được trả bình quân 26,2 triệu đồng/người/tháng vào năm 2015.
Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.
Bình luận