Tháng 7/2021, Báo điện tử VTC News nhận được đơn "kêu cứu" của đại diện hơn 100 người lao động làm việc tại Công ty CP Ô tô 1-5 (địa chỉ tại tổ 53, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) trình bày về việc "trong quá trình làm việc đến khi kết thúc hợp đồng lao động, công ty đã không thực hiện đúng các vấn đề thanh toán lương, đóng các khoản BHXH cho người lao động".
Trong số những công nhân đó, không ít người có hoàn cảnh khó khăn, điển hình như trường hợp của chị Phạm Thị Dương trong bài viết Cuộc sống 'dưới vực sâu' của nữ công nhân bị công ty ô tô nợ lương hơn nửa năm mà VTC News đã phản ánh.
Để tìm câu trả lời cho những khúc mắc về thanh toán lương, đóng các khoản BHXH trong đơn "kêu cứu" của các công nhân, VTC News có buổi làm việc với ông Trần Thành Nam - Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Ô tô 1-5.
Trả lời VTC News, ông Nam cho biết những bài báo vừa qua phản ánh về tình trạng công ty không thanh toán lương, không đóng các khoản BHXH cho người lao động là chính xác. Vị lãnh đạo thừa nhận trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp, thiếu sót với người lao động.
"Đến làm việc chắc chắn phải có lương. Người lao động cũng không biết doanh nghiệp khó khăn đến mức nào, nhiều sản phẩm cũng không bán được, nhưng đấy là trách nhiệm của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, người lao động có quyền đòi hỏi quyền lợi còn thiếu của họ", ông Nam cho hay.
Theo ông Nam, doanh nghiệp cũng không muốn chây ỳ trong vấn đề chậm thanh toán lương và BHXH cho người lao động mà do hoạt động sản xuất, buôn bán gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, công ty cũng có nhiều biện pháp để chi trả lương cho người lao động, để họ yên tâm công tác.
"Trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, công ty chúng tôi đã rất khó khăn, thì đến thời kì dịch COVID còn khó khăn nhiều hơn. Tình hình như thế nên việc sản xuất của công ty bị suy giảm, xe làm ra ko tiêu thụ được. Đấy là nguyên nhân chính dẫn đến việc công ty chậm thanh toán lương và BHXH cho người lao động", ông Nam nói.
Giải thích về việc doanh nghiệp không đóng BHXH cho người lao động trong vòng 5 năm (từ tháng 8/2016 đến nay), ông Nam cho hay, trước đấy công ty là của Nhà nước, sau khi cổ phần hóa công ty phải nhận một phần nợ rất lớn là 9,6 tỷ đồng.
Do đó, khi công ty đóng tiền vào, bên BHXH sẽ trừ phần nợ cũ, giảm nợ cũ xuống. Do cứ trừ đi như thế nên chỉ tương tương đến 8/2016. Vì vậy nếu theo như tổng kết của BHXH huyện Đông Anh thì người lao động sẽ hiểu rằng từ đó đến bây giờ, doanh nghiệp không đóng bảo hiểm cho họ.
"Khi đóng BHXH chúng tôi đều có giấy xác nhận cũng như chứng từ bên họ cấp. Công ty cũng đang đàm phán với bên bảo hiểm để họ tạo điều kiện thanh toán cho những người ốm đau bệnh tật, sau đó tiếp tục giải quyết. Những người chưa được nhận cũng mong rằng thông cảm cho công ty, vì hiện tại rất hạn chế nên sẽ cần ưu tiên cho những người bệnh trước", lãnh đạo Công ty Ô tô 1-5 thông tin.
Về vấn đề nợ lương công nhân, Phó Tổng giám đốc Công ty Ô tô 1-5 cho biết, ngày 8/7 công ty đã trả hơn 600 triệu đồng tiền nợ lương tháng 5/2019 cho hơn 100 người lao động, trong đó người được trả ít nhất 300 nghìn đồng, người nhiều hơn 7 triệu đồng.
Lộ trình trả toàn bộ phần nợ lương được chia theo các mốc thời gian như sau: Ngày 31/7/2021 thanh toán phần nợ lương của kỳ lương tháng 6/2019, ngày 31/8/2021 thanh toán phần nợ lương của kỳ lương tháng 9/2019 và tháng 4/2020 và đến ngày 15/9/2021 sẽ thanh toán toàn bộ phần nợ lương còn lại cho người lao động.
Khi PV hỏi công ty bảo khó khăn nhưng mỗi tháng vẫn thu hàng trăm triệu đồng từ việc cho nhiều đơn vị khác thuê mặt bằng để sản xuất, kinh doanh (theo lời của những công nhân trong công ty phản ánh) thì vị đại diện Công ty Ô tô 1-5 cho biết ông chỉ trao đổi vấn đề tiền lương và BHXH của công ty, vấn đề này ông không thể trả lời được.
Liên quan đến vụ việc, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 30/6/2021, Công ty CP Ô tô 1-5 mới đóng BHXH cho người lao động đến hết tháng 8/2016.
Năm 2019, Bảo hiểm xã hội huyện Đông Anh tới kiểm tra và năm 2020, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội cũng đã 2 lần có văn bản đôn đốc nợ bảo hiểm Công ty CP Ô tô 1-5. Qua rà soát, tổng số tiền bảo hiểm doanh nghiệp nợ là gần 15 tỷ đồng, trong đó tiền gốc chưa đóng là hơn 8,1 tỷ đồng, tiền lãi phát sinh là hơn 6,8 tỷ đồng.
Hiện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đang trong quá trình rà soát, tham mưu và xin ý kiến UBND TP Hà Nội.
Sau khi VTC News thông tin đến Ban lãnh đạo Công ty Ô tô 1-5 về trường hợp chị Phạm Thị Dương đang mắc bệnh hiểm nghèo không có tiền để đi khám chữa bệnh, công ty cũng đã triệu tập ban chấp hành Công đoàn và ưu tiên chi trả tiền lương còn chậm thanh toán trong 8 tháng cho chị là 24,3 triệu đồng, thanh toán tiền góp vốn tại công ty là 2,3 triệu đồng.
Cùng với đó, Tổng Công ty Công Nghiệp Ô Tô Việt Nam cũng như công đoàn Công ty CP Ô tô 1-5 cũng xuống động viên, thăm hỏi và trao quà cho chị Phạm Thị Dương.
Về việc đóng BHXH cho nữ công nhân, công ty hứa sẽ ưu tiên số 1 để giải quyết, giúp chị Dương được hưởng những chế độ của mình khi điều trị bệnh hiểm nghèo tại bệnh viện.
Bình luận