Giám đốc điều hành từ các hãng hàng không, nhà bán lẻ và nhà sản xuất lớn - cộng với ít nhất một lãnh đạo từ Liên đoàn bóng bầu dục Mỹ (NFL) - đã thảo luận về cách họ có thể thực hiện để phản đối những dự luật hạn chế bầu cử, bao gồm ngừng quyên góp cho các chính trị gia ủng hộ dự luật hoặc dừng đầu tư vào các bang đã thông qua các dự luật như thế này.
Luật bầu cử đang nổi lên như một vấn đề quốc gia lớn ở Mỹ. Các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đang cố gắng thông qua luật mà họ nói là được thiết kế để chống lại gian lận bỏ phiếu - điều mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho là một vấn nạn, dù chưa đưa ra đủ bằng chứng thuyết phục.
Các dự luật được đảng Cộng hòa hậu thuẫn ở nhiều bang khác nhau trên khắp nước Mỹ sẽ cấm sử dụng các thùng gom phiếu lưu động, giới hạn thời gian bỏ phiếu, hạn chế bỏ phiếu vắng mặt hoặc tăng cường các yêu cầu về nhận dạng cử tri. Theo Trung tâm Công lý Brennan, một viện luật và chính sách phi đảng phái, đã có 5 dự luật hạn chế cử tri được thông qua trên toàn nước Mỹ cho đến nay, qà 55 dự luật hạn chế ở 24 bang đang được các cơ quan lập pháp xem xét.
Dù chưa có bước đi cuối cùng nào được thông qua, cuộc họp của các lãnh đạo doanh nghiệp thể hiện sự phản đối tích cực của họ đối với các biện pháp hạn chế bỏ phiếu gây tranh cãi trên toàn quốc.
Chỉ vài ngày trước, Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mỹ Mitch McConnell cảnh báo rằng các công ty Mỹ nên “đứng ngoài chính trường”. Đây cũng là quan điểm được nhiều chính trị gia bảo thủ chia sẻ và có thể đẩy xung đột giữa các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa và những người đứng đầu một số công ty lớn nhất nước Mỹ lên cao.
Trong tháng này, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi những người bảo thủ tẩy chay Coca-Cola, Major League Baseball, Delta Air Lines, Citigroup, ViacomCBS, UPS và các công ty khác sau khi họ phản đối luật bầu cử được thông qua ở Georgia - điều luật họ cho rằng sẽ gây khó khăn hơn cho những cử tri nghèo và cử tri da màu trong việc đi bỏ phiếu. Các quan chức MLB đã quyết định chuyển giải All-Star Game vào mùa hè này của họ từ bang Georgia sang bang Colorado vì điều luật.
Lãnh đạo từ hàng chục công ty như Delta, American, United, Starbucks, Target, LinkedIn, Levi Strauss và Boston Consulting Group, cùng với chủ sở hữu của Atlanta Falcons, Arthur Blank, cũng nằm trong cuộc gọi, theo những người tham gia.
Cuộc thảo luận - dự kiến diễn ra trong một giờ nhưng kéo dài hơn, do Kenneth Chenault, cựu giám đốc điều hành của American Express và Kenneth Frazier, giám đốc điều hành của Merck, dẫn dắt. Hai người đã nói với các giám đốc điều hành khác rằng điều quan trọng là phải chống lại cái mà họ coi là luật phân biệt đối xử về bỏ phiếu.
Chenault và Frazier đã góp phần tạo ra một bức thư có chữ ký của 72 giám đốc điều hành doanh nghiệp da màu hồi tháng trước nhằm đưa ra quan điểm tương tự.
Các công ty Mỹ cũng đã tham gia vào các cuộc tranh luận chính trị sôi nổi trước đây. Họ từng phản ứng dữ dội với dự luật của North Carolina năm 2016 nhằm cấm người chuyển giới sử dụng nhà vệ sinh công cộng tương ứng với bản dạng giới. Năm 2021, sau cuộc biểu tình bạo lực ở Điện Capitol, nhiều công ty cam kết ngừng quyên góp cho các chính trị gia nghi ngờ kết quả cuộc bầu cử.
Hiện tại họ bước sang cuộc tranh luận về quyền bầu cử. Nhiều người trong số các lãnh đạo công ty xem các biện pháp hạn chế bỏ phiếu là "tấn công vào nền dân chủ", thay vì một vấn đề đảng phái.
Mike Ward, đồng sáng lập của Civic Alliance, cho biết ông cảm thấy có sự đồng thuận rộng rãi cuối cuộc gọi rằng các nhà lãnh đạo công ty có kế hoạch tiếp tục chống lại các dự luật.
Bình luận