Đưa chính sách đến giáo xứ
Theo ông Đoàn Văn Trung - Giám đốc BHXH thị xã Ba Đồn, trong 2 năm qua, số người tham gia BHXH tự nguyện ở thị xã có sự tăng trưởng vượt bậc. Tính đến hết tháng 5/2022 đạt 6.22% so với lực lượng lao động trong độ tuổi lao động, vượt 3.1 lần so với mục tiêu của Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra.
BHXH tự nguyện được coi là "của để dành" của người lao động tự do, là loại hình BHXH mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng BHXH.
Việc tham gia BHXH tự nguyện sẽ giúp người dân có thể tích lũy thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khi về già, nhất là đối với những người không có việc làm ổn định, không có hợp đồng lao động, không được đơn vị sử dụng lao động đóng BHXH định kỳ.
Với ý nghĩa đó, việc vận động bà con tham gia, nhất là vùng giáo xứ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của BHXH thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Tuy nhiên, thách thức rất lớn khi hai năm dịch COVID-19 bùng phát, thu nhập của người dân bấp bênh, giảm sút.
Nhận rõ những thách thức trong phát triển người tham gia, BHXH thị xã Ba Đồn triển khai nhiều giải pháp để người dân giáo xứ hiểu rõ lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện. Qua đó, không chỉ có những người tham gia BHXH tự nguyện mà còn có cả những người từng tham gia BHXH bắt buộc và rút BHXH một lần quay lại tham gia BHXH tự nguyện.
Một ngày tháng 6/2022, dù thời tiết nắng nóng nhưng cán bộ BHXH thị xã Ba Đồn vẫn không quản ngại tiếp cận, tư vấn cho bà con giáo xứ Văn Phú (xã Quảng Văn) về BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nhiệt tình, tận tâm.
Nhiều bà con giáo xứ hào hứng và quan tâm tới chính sách khi được cán bộ BHXH giới thiệu, tuyên truyền các lợi ích của chính sách.
Chị Hoàng Thị Thịnh, lao động tự do ở xã Quảng Văn trước từng làm rút BHXH một lần do khó khăn về kinh tế, nhưng sau khi được tuyên truyền về lợi ích tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu khi về già, chị đã tham gia lại chính sách này kể từ tháng 5/2022.
Theo bà Nguyễn Thị Hiếu - Phó Giám đốc BHXH thị xã Ba Đồn, với vùng giáo dân, bên cạnh sự kết hợp với chính quyền, đoàn thể cơ sở, đơn vị còn phối hợp với cha xứ trong tuyên truyền, vận động những người có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu khi về già và đạt những hiệu quả tích cực.
Đảm bảo quyền lợi cho người dân
Bước vào năm 2022, ảnh hưởng của dịch COVID-19 tiếp tục gây khó khăn trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Song, nhờ quyết tâm của cả hệ thống, theo BHXH thị xã Ba Đồn, 5 tháng đầu năm 2022, số người tham gia BHXH do đơn vị này quản lý là 9.212 người; 78.235 người tham gia BHYT, tăng 591 người so với cuối năm 2021, đạt 83.06% kế hoạch giao và đạt tỷ lệ bao phủ dân số là 84.94%.
Trong 5 tháng đầu năm thu được 67.913 triệu đồng, tăng 7.173 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021. Nợ BHXH, BHYT, BHTN được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ hàng tháng trong 5 tháng đầu năm 2022 đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, tổng số nợ đến hết tháng 5/2022 là 2.315 triệu đồng, chiếm 1.17% kế hoạch thu BHXH tỉnh Quảng Bình giao, giảm 0.25% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, BHXH thị xã Ba Đồn thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 4.757 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng. Công tác chi chế độ BHXH được thực hiện đa dạng, linh hoạt; đặc biệt là đẩy mạnh phương thức chi trả không dùng tiền mặt. Trong công tác thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện được coi là điểm sáng của cơ quan BHXH tại thị xã Ba Đồn trong thời gian qua.
Ông Đoàn Văn Trung cho hay, nhằm khắc phục các hạn chế trong thực hiện chính sách, 6 tháng cuối năm 2022, BHXH thị xã Ba Đồn sẽ dồn lực tập trung thực hiện công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT. Trong đó sẽ chú trọng tiếp tục kiện toàn hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT; mở rộng việc thu BHXH tự nguyện.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách BHXH, bảo hiểm y tế; tập trung vào nhóm đối tượng là nông dân, lao động khu vực phi chính thức; thường xuyên chủ động thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về số liệu, kết quả thực hiện chính sách, đặc biệt là tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế và tình hình lạm dụng quỹ BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh BHYT.
Người tham gia BHXH tự nguyện theo quy định tại Điều 2 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (trừ trường hợp đóng theo phương thức quy định tại Khoản 2 Điều 8 Chương III Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH), đăng ký thường trú tại thành phố Hà Nội, là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bao gồm:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 03 tháng trước ngày 01 tháng 01 năm 2018; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 trở đi;
- Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố;
- Người lao động giúp việc gia đình;
- Người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng tiền lương;
- Xã viên không hưởng tiền lương, tiền công làm việc trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
- Người nông dân, người lao động tự tạo việc làm bao gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình;
- Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi đời nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (trừ trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm);
- Người tham gia khác.
(Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được xác định theo quy định tại Quyết định số 13/2021/QĐ-UBND ngày 05/9/2021 của UBND Thành phố quy định chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025)."
Bình luận