Liên quan đến vụ nổ khiến 2 người chết, 8 người bị thương ở thôn Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh), ông Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi, chủ cơ sở khai) mua 7 tấn đạn từ một người thuộc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ tư lệnh Công binh).
Ngày 4/1, Bộ Quốc phòng cho biết đang tích cực điều tra sau lời khai của chủ cơ sở phế liệu.
Trả lời PV, Thiếu tướng Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khẳng định đơn vị quân đội không được phép bán đạn dược, vật liệu nổ ra bên ngoài.
“Việc chủ cơ sở phế liệu khai rằng mua đạn từ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh) tôi nghĩ rằng cơ quan chức năng, Bộ Quốc phòng phải có trách nhiệm làm rõ”, tướng Lương nói.
Theo ông, trong quân đội có quy định vũ khí từ cấp 1 đến cấp 3 là vũ khí niêm phong và sẵn sàng chiến đấu.
Vũ khí từ cấp 5 trở đi loại khỏi danh mục sẵn sàng chiến đấu quân sự sẽ được dồn vào một số khu vực. Vũ khí loại khỏi danh mục sẵn sàng chiến đấu được chuyển cho Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn xử lý, loại bỏ khả năng gây nổ, thương vong.
Trong vụ nổ ở Bắc Ninh, cơ quan công an phát hiện chủ yếu là loại đạn 12 ly 7 và 14 ly 5. Quy định của quân đội nói rất rõ những loại đạn nhọn như đạn 7 ly 62, 9 ly, 12 ly 7, 14 ly 5 dù đã loại ra khỏi danh mục chiến đấu nhưng không được bán ra bên ngoài.
Số vũ khí này phải xử lý, tiêu hủy ở vùng an toàn giống như công tác phá bom, mìn…
“Giả sử chủ cơ sở phế liệu khai đúng, 7 tấn đạn được mua từ Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn thì đó là điều đáng báo động. Ai bán đạn cho chủ cơ sở phế liệu thể hiện sự vô cảm, vô trách nhiệm, phải xử lý nghiêm”, tướng Lê Mã Lương nói.
Nguyên Giám đốc Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam cho rằng, khi số đạn đó được đưa ra bên ngoài thì hậu quả khôn lường. Trẻ con chơi ném vào ngọn lửa, viên đạn sẽ nổ tung, đầu đạn bật ra bắn vào người. Khi để lượng lớn trong kho, chỉ cần tác động của tia lửa, số đạn đó sẽ biến thành quả bom khổng lồ.
Việc bán lô hàng lên đến 7 tấn đạn cho người không kiến thức, kinh nghiệm về vũ khí, chất nổ là điều không thể chấp nhận được.
Theo tướng Lê Mã Lương, việc xảy ra vụ nổ kinh hoàng khiến 10 người thương vong cũng thể hiện sự tắc trách của chính quyền địa phương.
Cấp từ tỉnh, huyện, xã ở Bắc Ninh chưa làm hết trách nhiệm của mình. Tại sao ông Tiến mua từ cuối năm 2016, để trong nhà đến thời điểm phát nổ mà chính quyền không biết? 7 tấn đạn không phải là cái kim mà cơ quan chức năng không phát hiện ra được. Hiện nay tại thôn Quan Độ còn thêm một kho đạn nữa và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra những thảm họa tiếp theo.
Tướng Lương đặt câu hỏi trưởng thôn, công an xã, chủ tịch xã, ban chỉ huy quân sự huyện ở đâu khi những “quả bom” đang chực nổ ở khu dân cư trên địa bàn mình quản lý.
“Không loại trừ họ biết nhưng họ cố tình làm ngơ. Họ thờ ơ với tính mạng người dân. Nếu vụ nổ xảy ra vào lúc nhiều người qua lại thì thiệt hại về người sẽ rất lớn”, tướng Lương bày tỏ.
Khoảng 4h30 ngày 3/1, tại thôn Quan Độ (Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) xảy ra một vụ nổ lớn.
Vụ nổ khiến 2 cháu bé tử vong, 8 người bị thương và gần 10 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Hàng chục căn nhà trong bán kính 1 km cũng bị ảnh hưởng.
Tối 3/1, cơ quan an ninh điều tra tỉnh Bắc Ninh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Văn Tiến (53 tuổi, trú tại thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong).
Ông Tiến bị bắt, khởi tố về hành vi tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí quân dụng theo điều 304, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại cơ quan điều tra, ông Tiến khai mua khoảng 7 tấn đầu đạn cũ từ một người làm tại Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn quốc gia (Bộ tư lệnh Công binh) để tháo dỡ, lấy phế liệu vào cuối năm 2016. Số đạn trên được ông Tiến tập kết trong sân nhà.
Video: Vụ nổ ở Quảng Ninh cho thấy lỗ hổng trong quản lý vật liệu nổ
Bình luận