"Làm ăn như ông Tiến thì độc ác quá!"
Thời điểm 4h30 ngày 3/1/2018, người dân thôn Quan Độ (Văn Môn - Yên Phong - Bắc Ninh) vẫn đang chìm trong giấc ngủ thì một tiếng nổ vang trời khiến tất cả giật mình hoảng sợ.
Tiếng nổ lớn kèm theo tiếng đạn bắn loạn xạ trên mái nhà, ngoài cửa sổ, trong sân vườn... Nhiều người giật mình tỉnh dậy còn chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra đã thấy mình nằm trên một đống đổ nát, hoang tàn. Cảnh tượng trước mắt như trong một bộ phim kinh dị.
Ông Nghiêm Văn Kết (74 tuổi) người làng Quan Độ kể lại sự việc: "Nghe tiếng nổ lớn, tôi giật mình tỉnh dậy. Ban đầu, tôi không dám chạy ra ngoài vì thấy có tiếng lạo xạo như bom đạn dội trên mái nhà.
Phải đến khi tiếng lạo xạo dứt, ngửi mùi cháy khét lẹt xông vào phòng tôi mới dám mở cửa chạy ra ngoài. Đứng ở đầu sân, tôi thấy đám lửa khổng lồ bùng cháy ở khu vực nhà ông Tiến".
Ngọn lửa bốc lên cao và ngày càng lan rộng sang những ngôi nhà bên cạnh. Lúc ấy, ông Kết không nghĩ đấy là nổ bom mìn. Ông chỉ nghĩ đơn giản là một vụ cháy nhà hay cháy xưởng. Chỉ đến khi nhìn xuống dưới chân, thấy nhiều đầu đạn nằm ngổn ngang, ông Kết mới lờ mờ đoán ra vụ việc.
Ngày còn trẻ, ông Kết từng tham gia chiến đấu ở biên giới phía Bắc nên nhận ra ngay những mảnh sắt dưới chân là đầu đạn.
Ông Kết cho biết: "Ai cũng biết ông ta có giấu cái món chết người đó trong nhà, tuy nhiên, ông ta hay vận chuyển trong đêm nên ít người trông thấy".
Người dân làng Quan Độ đau xót và ngỡ ngàng khi không ngờ có một ngày sự việc kinh hoàng này lại xảy ra chính nơi đây.
"Chỉ là không ngờ có ngày ông ta lại hại cả anh em, làng xóm và chính gia đình mình như vậy. Cách đây không lâu, ông cụ bên ấy chưa mất, ngày nào anh em con cháu mấy chục người cũng tụ tập ở chỗ chôn bom nằm trông coi.
Sau khi ông cụ mất, con cháu mới giải tán ai về nhà đó. Mấy ngôi nhà liền kề đều là của gia đình, anh em nhà ông Tiến nhưng không có ai ở. Họ đều khóa cửa và sống ở nơi khác. May là giờ nó mới phát nổ, nếu nổ sớm hơn thì có mấy chục người phải chết vì ông ta rồi", ông Kết buồn rầu nói.
Ông Kết chỉ tay lên mái ngôi nhà cấp 4 thấp lè tè trước mặt và nói: "Nhà này tôi mới đảo ngói cách đây hơn năm. Hai vợ chồng già, phải tích cóp bao năm mới sửa lại được cái mái cho đỡ dột. Thế mà giờ bom đạn nó cày nát lên thế kia. Làm ăn như ông Tiến thì độc ác quá!
Tôi sống ở đây hơn nửa đời người, thời chiến tranh, bom đạn cũng đã đi qua nhưng chưa bao giờ thấy thôn làng tiêu điều, xơ xác như vậy.
Quả bom này phải lớn cỡ nào mới có sức công phá khiến những ngôi nhà trong vòng bán kính 1km đều bị ảnh hưởng. Chẳng riêng nhà tôi, ngay cả những ngôi nhà cao tầng sang trọng cũng vỡ hết cửa kính, đạn găm vào tường".
Chính quyền không biết hộ kinh doanh buôn bán, tàng trữ bom đạn
Là một hàng xóm của gia đình ông Tiến, anh Nguyễn Anh Khoa (33 tuổi) cho biết: “Cách đây gần chục năm, gia đình tôi có chuyển ra ngoài mặt đường tại thôn Quan Độ, cạnh nhà ông Tiến, đã thấy xưởng phế liệu của gia đình ông ấy. Thỉnh thoảng tôi lại thấy xe chở đầu đạn đi vào khu xưởng phế liệu này, có lúc thì ban ngày nhưng chủ yếu là vào buổi tối hoặc đêm”.
Cũng theo anh Khoa, sau khi thu mua đầu đạn về xưởng phế liệu, ông Tiến phân chia ra các loại với nhau ra, rồi cho công nhân tại xưởng tiến hành bóc tách các loại vỏ đạn đồng ra để bán, còn các loại vật liệu khác bằng sắt thì vận chuyển bớt vào trong nhà kho, nơi xảy ra vụ nổ rạng sáng ngày 3/1.
Để tìm hiểu rõ hơn về việc chính quyền quản lý việc thu mua các loại phế liệu đạn dược, chất dễ gây nổ, PV đã tìm đến ông Nguyễn Văn Lý - Trưởng thôn Quan Độ.
Ông Lý cho rằng, bản thân chính quyền thôn và người dân xung quanh không thể biết hộ kinh doanh buôn bán, tàng trữ bom đạn như thế.
"Các hộ dân trong thôn thường mua phế liệu về rồi tự phân loại sắt, đồng, nhôm, nhựa và sau đó bán lại cho các cơ sở tái chế. Cũng từng thấy có hộ đưa cả tên lửa Sam-2, xe tăng, cánh máy bay và cả những động cơ máy cỡ lớn về, nhưng không thể ngờ họ liều lĩnh đưa hàng tấn bom, đạn về để giữa thôn", ông Lý nói.
Sau khi xảy ra vụ việc, ông Nguyễn Tiến Viễn (75 tuổi, nguyên trưởng thôn Quan Độ từ những năm 1997) giật mình nhớ lại vụ việc cách đây 11 năm.
“Năm 2006, cũng tại xưởng thu gom phế liệu của gia đình ông Tiến nằm trên khu vực đê làng cách nơi xảy ra vụ nổ mới đây khoảng 500m từng xảy ra nổ khiến anh Trung - một công nhân làm thuê cho ông Tiến thiệt mạng khi đang làm việc”, ông Viễn cho hay.
Sau lần nổ đó, dân làng không ai dám thu mua buôn bán các vật liệu dễ gây nổ nữa. Tuy nhiên, xưởng nhà ông Tiến vẫn thu mua và sự cố tang thương đã lặp lại và mức độ nguy hiểm lớn hơn xưa gấp nhiều lần.
Trả lời PV VTC News, ông Nguyễn Hoàng Gia - Chủ tịch UBND xã Văn Môn cho biết, đến thời điểm hiện tại, vụ nổ tại gia đình ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1973) đã khiến ít nhất 10 người bị thương, trong đó có 2 cháu bé đã tử vong.
Ngoài ra, 4 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, nhiều ngôi nhà trong bán kính 1km bị hư hỏng nặng do các mảnh kim loại văng vào.
"Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Lữ đoàn 229 - Bộ tư lệnh công binh (70 người - PV) thu lượm những mảnh kim loại xung quanh hiện trường, tuyên truyền để người dân không tự ý thu lượm các mảnh kim loại. Ngoài ra, chúng tôi sẽ sớm khắc phục sự cố tại điểm Trường mầm non thôn Quan Độ", vị phó chủ tịch xã cho hay.
Tuy nhiên, vị phó chủ tịch xã từ chối trả lời câu hỏi liên quan đến việc mua bán vật liệu nổ của gia đình ông Tiến.
Ông Gia cho rằng, những vấn đề này thuộc thẩm quyền trả lời của huyện và cơ quan điều tra. Người duy nhất có tư cách phát ngôn ở xã là ông Chủ tịch nhưng hiện ông này đang đi họp nên chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí.
Video: Nổ lớn ở Bắc Ninh: Chỉ 1/5 điểm thu mua phế liệu được cấp phép
Đã thu gom được 6,7 tấn đầu đạn, mảnh kim loại sau vụ nổ
Thông tin từ Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, đến ngày 5/1, các chiến sĩ thuộc Binh chủng Công binh cùng Tỉnh đội Bắc Ninh, Huyện đội Yên Phong đã thu gom được 6,7 tấn đầu đạn, mảnh kim loại sau vụ nổ kho phế liệu ở làng Quan Độ, xã Văn Môn, Bắc Ninh.
Chiều cùng ngày, trả lời báo chí, Đại tá Phạm Nguyên Hùng, Phó tư lệnh Binh chủng Công binh cho rằng, đã yêu cầu Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn rà soát lại toàn bộ quy trình xử lý theo các mệnh lệnh của Bộ Tổng tham mưu đã giao.
"Chúng tôi khẳng định, nếu như bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nếu vi phạm pháp luật thì phải chịu xử lý", ông Hùng nói.
Hiện nay, các quy trình xử lý bom, đạn cơ bản là có đủ nhưng với mỗi loại bom, đạn thì có một quy trình riêng biệt, không thể nói quy trình công nghệ cho từng loại bom, đạn được.
''Về công tác quản lý, xử lý, chúng tôi cũng có những quy trình để quản lý, trong quá trình xử lý khá chặt chẽ có đủ các ban ngành theo dõi", Đại tá Hùng cho hay.
Trả lời câu hỏi, với quy trình giám sát chặt như vậy ông có thể khẳng định là không thể có chuyện những vật liệu nổ của quân đội được bán ra ngoài không? Ông Hùng cho rằng: "Vấn đề này phải qua cơ quan điều tra thông tin thì chúng tôi mới có thể khẳng định chắc chắn đến đâu".
Bình luận