Tại Hội thảo bàn về vốn cho các dự án điện, do Hiệp hội năng lượng Việt Nam tổ chức, ông Cáp Quang Dương - phó vụ trưởng Vụ tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục trở thành “con nợ” lớn nhất của các ngân hàng thương mại trong nước khi hiện nay tổng dư nợ tín dụng của tập đoàn này tính đến 30/9/2013 đã lên tới 144.000 tỷ đồng.
Đây là mức dư nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng dành cho một tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. So với cập nhật hồi tháng 7, dư nợ của EVN đã tăng thêm 26.000 tỷ đồng. EVN đứng đầu về số nợ ngân hàng
Lý giải về mức dư nợ khổng lồ này, ông Dương cho biết, dù đã tăng giá điện, nhưng với mức giá và chính sách giá điện như hiện nay, EVN vẫn kém hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Cho đến nay, mức cho vay của các ngân hàng đối với EVN đã rất lớn và vượt giới hạn cấp tín dụng theo quy định.
Ông Cáp Quang Dương cũng cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt 4 ngân hàng thương mại Nhà nước bố trí đủ vốn để cho vay các dự án, công trình trọng điểm quốc gia của ngành điện.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, dự kiến đến năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện khoảng 929.700 tỷ đồng, tương đương 48,8 tỷ USD, tính bình quân mỗi năm ngành điện cần khoảng 4,9 tỷ USD. Trong đó, trung bình mỗi một dự án nhiệt điện, EVN sẽ cần vay tới 1-1,2 tỷ USD.
Trong đó, đối với riêng dự án thủy điện Sơn La - công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, tổng số tiền các ngân hàng Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank đã cam kết tài trợ lên tới 17.500 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN còn hỗ trợ rất lớn về ngoại tệ để dự án nhập khẩu thiết bị nước ngoài.
Đối với dự án thủy điện Lai Châu, Vietcombank là đầu mối thu xếp 14.500 tỷ đồng. Chỉ tính riêng hai dự án trên, tổng số vốn các ngân hàng huy động để cho vay đã là 32.000 tỷ.
Nhưng dù nhận được sự hỗ trợ lớn từ ngân hàng như vậy, EVN cho biết vẫn đang thiếu vốn trầm trọng. Ông Dương Quang Thành, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, hiện công tác thu xếp vốn của Tập đoàn gặp không ít khó khăn chủ yếu do giá điện chưa thu hút đầu tư, tình hình kinh tế thế giới khủng hoảng. Nguồn vốn tín dụng thương mại chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu vốn đầu tư các dự án nguồn điện cũng không mấy sáng sủa, thậm chí có ngân hàng đã ngừng giải ngân các khoản vay dẫn đến tiến độ thi công của một số dự án bị ảnh hưởng.
“Đến nay, hầu hết các ngân hàng trong nước cho EVN vay vốn đều đã vượt giới hạn mức tín dụng đối với một khách hàng hoặc nhóm khách hàng. Vì vậy, mỗi khi các ngân hàng muốn cho EVN vay thêm đều phải trình Thủ tướng cho phép”, ông Thành cho hay.
Vốn vay nước ngoài cũng không khả quan do chỉ số tài chính của EVN có khả năng không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của các nhà tài trợ. Để tạo điều kiện cho Tập đoàn có đủ vốn cho nhu cầu đầu tư các dự án nguồn điện theo Quy hoạch điện VII, ông Thành đề xuất Chính phủ cần tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030, dự kiến đến năm 2020 nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện khoảng 929.700 tỷ đồng, tương đương 48,8 tỷ USD, tính bình quân mỗi năm ngành điện cần khoảng 4,9 tỷ USD. Trong đó, trung bình mỗi một dự án nhiệt điện, EVN sẽ cần vay tới 1-1,2 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vấn đề của EVN không phải là bài ca tăng giá mà quan trọng nhất là EVN phải công khai minh bạch giá cả và cần cân nhắc về tác động của việc điều chỉnh.
Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) Trần Viết Ngãi cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, EVN vẫn thu xếp được hơn 100.000 tỷ vay vốn làm điện là nỗ lực lớn.
“Tuy nhiên, muốn lợi nhuận cao thì giá thành phải giảm. Còn nếu để giá thành vống lên, không chịu giảm thì không bao giờ có lãi", ông Ngãi chia sẻ.
Trước đó, báo cáo tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2012 của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có cổ phẩn, vốn góp của nhà nước, vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội cũng nêu rõ, 127 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con có tổng số nợ phải trả là 1.348.752 tỷ đồng, tăng 6% so với 2011, chiếm 56% tổng nguồn vốn.
Trong đó, Tập đoàn Dầu khí 124.499 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực 103.194 tỷ, Tổng công ty Hàng hải 31.681 tỷ… được coi là những đơn vị có số nợ lớn nhất.
Ánh Ngọc
Bình luận