Chùa động Am Tiên (thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), nằm trong quần thể di sản thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận năm 2014. Tương truyền đây là nơi vua Đinh Tiên Hoàng từng xây pháp trường, trừng trị kẻ có tội và có ngôi chùa cổ mà Thái hậu Dương Vân Nga tu hành cuối đời.
Trải qua nhiều tên gọi, đến thời nhà Nguyễn chùa động chính thức mang tên Chùa động Am Tiên. Động Am Tiên nằm ở lưng chừng núi, vốn là một lũng nguyên thuỷ đường đi đến đây khá hiểm trở, phải leo qua 205 bậc đá qua vách núi mới tới được động.
Chùa động Am Tiên được bao quanh 4 bề là núi, tạo ra một thế giới riêng biệt. Phong cảnh nơi đây rất hùng vĩ cũng như nhuốm màu huyền bí bởi tần dư của pháp trường xử những kẻ có tội năm xưa thời vua Đinh.
Thế nhưng sau khi được UNESCO công nhận, Ban quản lý dự án Cố Đô Hoa Lư, doanh nghiệp Xuân Trường đã xẻ núi làm hầm thông quan, nạo hút mở rộng lòng hồ, đổ bê tông xi măng hoá đường quanh hồ và thu vé vào thăm quan du lịch 20.000 đồng/lượt. Người dân Ninh Bình phản ánh rằng:
Trước kia nam phụ lão ấu quanh vùng đều có thể tự do ra vào động Am Tiên chiêm bái thần phật, thanh niên còn bơi lội chơi đùa vui vẻ quanh hồ… nhưng kể từ khi doanh nghiệp Xuân Trường xẻ núi làm hầm, lập chốt gác hai bên cửa hầm với hàng rào gỗ và lán bảo vệ, bán vé thu tiền thì người dân gần như chỉ đứng nhìn động Am Tiên từ xa, nếu muốn vãn cảnh, dâng hương ở chùa cổ, động nhũ thì phải mua vé qua cổng.
Việc đó đã gieo vào lòng người dân ý nghĩ “lễ Phật mất tiền”, với sự bức xúc đó liệu chính quyền có xem xét dừng việc thu phí đối với động Am Tiên hay không?
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Mạnh – Phó Giám đốc Sở du lịch Ninh Bình cho biết: Khu vực này đang giao cho Xuân Trường khai thác, hiện nay đang trong quá trình đầu tư và do doanh nghiệp quản lý, theo thông tin Sở nắm được thì việc cúng bái của người dân trong làng vẫn diễn ra bình thường, người dân địa phương có chứng minh thư thì không ai thu vé cả, khách thập phương đến thì mới thu vé.
Tuy nhiên hoạt động vé thì do cơ quan thuế quản lý. Doanh nghiệp đã đầu tư rồi thì phải chấp nhận theo quy định của doanh nghiệp, đất đã bàn giao rồi thì phải thuộc quyền của doanh nghiệp, không thể thích xem gì thì xem.
Phóng viên phản ánh việc doanh nghiệp Xuân Trường hiện vẫn đang tiến hành xây dựng 5 bảo tháp (nguyên gốc chỉ có 3 bảo tháp) trong khuôn viên động Am Tiên thì đại diện Sở Du lịch Ninh Bình cho biết:
Thường thì doanh nghiệp họ xây dựng theo giấy phép, dự án theo quy định, kể cả đường hầm ở động cũng triển khai trước năm 2013 (trước khi UNESCO công nhận di sản – PV).
Sở du lịch Ninh Bình tiếp nhận được rất ít thông tin phản ánh việc doanh nghiệp Xuân Trường đào phá làm ảnh hưởng đến quần thể di sản Tràng An. Ngày xưa đền chùa ở Ninh Bình rất nhiều, và đơn sơ nên trong quá trình 2006 – 2014 tiến hành trùng tu tôn tạo hệ thống chùa chiền miếu phủ rất hài hoà với cảnh quan thiên nhiên.
Trao đổi xung quanh sự việc này, Tiến sỹ Phạm Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho rằng: Chùa là của dân, mỗi làng có 1 đến 2 chùa, ngày nay trải qua biến cuộc lịch sử của thiên tai nhân hoạ, chùa ít đi. Nhưng lịch sử văn hoá của ngôi chùa vẫn gắn dân bản địa, thuần phong mỹ tục của dân làng. Dân làng hàng ngày, hàng tháng chiêm bái, dọn, thắp hương lễ phật thuần tự nhiên theo văn hoá làng xã và việc cúng tiền giọt dầu, trùng tu cũng thuần văn hoá Phật tại tâm.
Video: Phong tỏa, cảnh báo khách hàng không đến công trình trái phép 'Tràng An cổ'
Nếu doanh nghiệp thu phí vào tham quan khu du lịch, vào chùa là việc làm phản cảm, không đúng thuần phong mỹ tục của người Việt. Việc yêu cầu dân địa phương cầm chứng minh nhân dân để được miễn phí qua cổng, vào chùa thật vô lí. Chẳng nhẽ “nông dân" đi đâu cũng cầm cặp giấy tờ bên mình như dân công chức.
Dân đi làm đồng về qua quét chùa cũng phải trình ư!?. Đấy là cách bao biện vô lí của của chính quyền và doanh nghiệp. Lễ phật, thành tâm và tùy tâm với tiền công đức. Ngày nay nhiều hình thái kinh doanh tâm linh, chùa cũng trong đó. Do đó, việc thu tiền càng phản cảm, càng tạo sự nghi ngờ về tôn giáo và chính quyền.
Thiết nghĩ, chính quyền và doanh nghiệp nên có cách tương tác với văn hoá bản địa, văn hoá Phật giáo để quản lí di tích văn hoá cho nhân văm, hợp tình, hợp lí, hợp văn hoá Phật giáo của dân tộc Việt Nam!.
Bình luận