• Zalo

Ninh Bình: Cả ngàn học viên Lô Hội lũ lượt rời đi

Kinh tếThứ Bảy, 14/12/2013 07:07:00 +07:00Google News

(VTC News) – Không lâu sau loạt bài của VTC News, hơn 1.000 học viên Lô Hội ở Ninh Bình đã lũ lượt kéo nhau rời khỏi mảnh đất non nước hữu tình này.

(VTC News) – Không lâu sau loạt bài của VTC News, hơn 1.000 học viên Lô Hội ở Ninh Bình đã lũ lượt kéo nhau rời khỏi mảnh đất non nước hữu tình này.

Như VTC News đã đưa tin, ồ ạt rời Thái Bình sau khi chính quyền tỉnh này ra tay mạnh mẽ, các học viên đa cấp Lô Hội lại 'dạt' về Ninh Bình với cuộc sống còn tồi tệ hơn.

Nhận được “lời kêu cứu” của những người dân ở thành phố Ninh Bình về sự “hồi sinh” của vương quốc bầy đàn bán hàng đa cấp ở đây, nhóm phóng viên VTC News đã nhanh chóng vào cuộc.

Qua tìm hiểu, được biết, từ tháng 5/2011, công ty TNHH thương mại Lô Hội đã mở lớp đào tạo các học viên mới ở Ninh Bình, ban đầu có khoảng 100 học viên.

Nhiều nhà trọ trước đây là đại bản doanh của 15 - 20 học viên Lô Hội giờ bỏ hoang
Nhiều nhà trọ trước là đại bản doanh của 15 - 20 học viên Lô Hội giờ bỏ hoang
 
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, khi làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh, lãnh đạo công ty này chưa trình được các văn bản quy định nên lực lượng công an đã đình chỉ lớp học và xử phạt 7,5 triệu đồng vì hành vi tập trung đông người trái phép.

Đến tháng 6/2013, các hoạt động trên lại tái diễn và nở rộ hơn. Vào giữa tháng 10/2013, số học viên Lô Hội trên địa bàn thành phố Ninh Bình tăng đột biến, chủ yếu là các học viên chuyển từ Thái Bình sang.

Theo thống kê của công an thành phố Ninh Bình, có lúc trên địa bàn toàn thành phố có hơn 1.500 học viên Lô Hội. Họ sống tập trung ở 3 phường, 1 xã gồm: phường Bích Đào, phường Ninh Sơn, phường Nam Bình và xã Ninh Phúc.

 

Nếu như trước kia có tới hơn 1.500 học viên Lô Hội sinh sống ở thành phố Ninh Bình thì tới nay chỉ còn 439 trường hợp.

Trưởng công an thành phố Ninh Bình Nguyễn Văn Tứ
 
Số học viên này tập trung từ 32 tỉnh thành khác, nhưng đa phần họ tới từ Nghệ An, Thanh Hóa và những tỉnh lân cận Ninh Bình. Họ chủ yếu là thanh niên ở độ tuổi 18 – 26. Đa số mới tốt nghiệp trung học phổ thông và gặp khó khăn trong việc tìm việc làm.


Vào một ngày cuối tháng 10, chúng tôi đã tới Ninh Bình để ghi nhận tình hình và phản ánh tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Không lâu sau loạt bài của chúng tôi, báo cáo mới đây của công an thành phố Ninh Bình gửi Giám đốc công an tỉnh cho biết, 2/3 tổng số học viên Lô Hội, tức hơn 1000 học viên đã rời khỏi địa bàn.

Ồ ạt  rút hết

Trưởng công an thành phố Ninh Bình Nguyễn Văn Tứ cho biết: “Nếu như trước kia có tới hơn 1.500 học viên Lô Hội sinh sống ở thành phố Ninh Bình thì tới nay chỉ còn 439 trường hợp.

Cụ thể, ở những nơi nhiều học viên Lô Hội như phường Bích Đào đến nay chỉ còn 3 trường hợp là cán bộ của công ty Lô Hội tới đây để giảng dạy, còn các học viên đã rút hết. Ở phường Ninh Sơn, trước đây có tới 920 học viên Lô Hội giờ chỉ còn 157 trường hợp”.

Đúng như nhận định của ông Tứ, khi VTC News vào cuộc thì “nay họ (các học viên Lô Hội –pv) chạy chỗ này, mai họ chạy chỗ kia, rất khó cho lực lượng công an”.

Cuộc sống của học viên Lô Hội ở phường Ninh Sơn (Ninh Bình) vẫn thế.
Cuộc sống của học viên Lô Hội ở phường Ninh Sơn (Ninh Bình) vẫn thế. 

Lấy ví dụ, theo tìm hiểu của lực lượng công an thành phố này, hơn 1.000 học viên Lô Hội sau khi rời Ninh Bình đã chuyển tới Hải Dương, Thái Nguyên. Đáng chú ý, một số học viên sau khi dời khỏi phường Ninh Sơn, phường Bích Đào lại chuyển tới các phường khác của thành phố Ninh Bình. Cụ thể, có 56 người tới phường Tân Thành và 41 người tới phường Phúc Thành.


Còn theo ghi nhận của phóng viên VTC News, tại phường Bích Đào thời gian này rất khó tìm thấy bóng dáng các học viên Lô Hội. Ông Nguyễn Xuân Thủy – Trưởng công an phường Bích Đào khẳng định, họ đã dời đi hết.

Thâm nhập vào các ngóc ngách – nơi từng là đại bản doanh của học viên Lô Hội cách đây chưa đầy 1 tháng, chúng tôi nhận thấy nhiều nhà trọ giờ “bỏ hoang”, ế ẩm không có khách thuê. Cũng có một số phòng sau khi chủ nhà đáp ứng gần đủ các điều kiện tối thiểu đã cho sinh viên thuê trọ và chỉ có khoảng 2 – 3 người/phòng.

Có thể thấy, những nỗ lực không nhỏ của chính quyền địa phương, lực lượng công an trong việc siết chặt quản lý mạng lưới kinh doanh đa cấp ở đây.

Không chỉ thế, lực lượng công an địa phương còn kết hợp chặt chẽ với các gia đình trong việc quản lý con em họ – những bạn trẻ trót dính chàm đa cấp.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở Ninh Bình,  hoàn toàn có cơ sở để tin ngày tàn của “vương quốc bầy đàn đa cấp” nơi đây không còn xa. 

Minh Quân

Bình luận