• Zalo

Niêm yết dịch vụ bằng USD: “Điếc không sợ súng”?

Kinh tếThứ Ba, 01/11/2011 12:53:00 +07:00Google News

(VTC News) – Khảo sát 1 loạt các DN tại Hà Nội, tình trạng niêm yết giá bằng USD vẫn diễn ra như “bình thường”.

(VTC News) – Khảo sát 1 loạt các DN tại Hà Nội, tình trạng niêm yết giá bằng USD vẫn diễn ra như “bình thường”.

 

 

Mặc dù mức phạt những hành vi niêm yết quảng cáo, dịch vụ, quyền sử dụng đất.. bằng USD vừa được đưa ra trong Nghị định 95NĐ/CP của Chính phủ được cho là khá cao, lên đến 500 triệu đồng song theo khảo sát của PV VTC News, các doanh nghiệp dường như không “để ý” đến Nghị định này. Thậm chí, việc niêm yết giá bằng ngoại tệ diễn ra công khai và được coi như điều… bình thường.

 

Theo khảo sát của chúng tôi, giá cho thuê phòng, dịch vụ spa, giá bán đồ công nghệ, đồ lưu niệm và các tour du lịch… là các dịch vụ niêm yết giá bằng ngoại tệ phổ biến nhất.

 

Chị Catherin (Khách du lịch Australia) tỏ ra hết sức ngạc nhiên, khi chị nhận thấy không chỉ có cửa hàng niêm yết giá USD song song tiền Việt, mà có nơi chỉ niêm yết duy nhất mức giá tính theo USD. Được biết, chị Catherin đã đi du lịch nhiều nước, nhưng chưa ở đâu được chứng kiến giá cả “đồng bạc xanh” được trưng diện vô tư như giữa Hà Nội.


 

Giá một bức tranh bán ở phố cổ có giá niêm yết bằng USD (Ảnh: Anh Minh)
 

“Tôi thường phải đổi tiền nội tệ của quốc gia đến du lịch mới mua được các hàng hóa. Nhưng, khi đến phố cổ Hà Nội, tôi có thể thanh toán bằng USD, bảng giá nhiều cửa hàng cũng niêm yết USD. Cho nên, gần 5 triệu đồng mà tôi đã đổi cách đây vài hôm vẫn còn nguyên”, chị Catherin vui vẻ cho biết.

 

Ngay trước cửa ra vào của một công ty du lịch nhỏ trong khu phố cổ, đập ngay vào mắt nhiều người là tấm bảng khá lớn ghi giá tour bằng USD. Trong vai người cần đi du lịch, PV được nhân viên của công ty này giới thiệu về tour Hạ Long và tour Sapa với giá niêm yết hoàn toàn bằng USD.

 

Cụ thể, một số tour ngắn ngày như Hạ Long (1 ngày) 16 USD, Hạ Long (1 ngày, 2 đêm) có giá 34 USD, còn Sapa (2 đếm/3 ngày) 30 USD… Đó chưa phải là tất cả, theo bảng báo giá mức giá của tour Hạ Long thay đổi tùy theo lựa chọn của khách ngủ đêm trên tàu hay khách sạn, cao nhất là 195 USD (2 ngày/ 3 đêm). Nhân viên này cho hay: “Tỷ giá quy đổi là 21.000 đồng/USD, khách Việt có thể trả bằng tiền đồng. Khách trả tiền vào thời điểm đăng ký tour’’.

 Biển quảng cáo giá tour niêm yết bằng USD (Ảnh: Anh Minh)
 

Anh Đức Tuấn (Quận Tây Hồ - Hà Nội) là một tín đồ công nghệ, với sở thích thay xoành xoạch điện thoại, máy ảnh, nên mỗi khi có sản phẩm mới được tung ra thị trường anh lại lân la đến các shop công nghệ hoặc các trang quảng cáo đồ hi tech để tìm mua. Thế nhưng, điều khó chịu nhất với anh là mức giá USD vẫn được các chủ kinh doanh niêm yết một cách công khai.

 

‘’Tôi mới thấy chiếc tai nghe Bluetooth được rao bán trên mạng hồi tuần trước với giá hơn 120 USD, nếu tính theo tỷ giá lúc đó thì nó có giá hơn 2 triệu đồng. Nhưng sang đầu tuần này hỏi lại thì giá quy đổi đã vọt thêm gần 200.000 đồng. Đó chỉ là một trong số những sản phẩm mình mua phải chịu mua giá cao nếu chậm chân. Niêm yết bằng USD, nhưng khách có thể trả tiền đồng, còn nếu sẵn ngoại tệ thì chủ hàng vẫn chấp nhận cho thanh toán bằng USD’’, anh Tuấn nói thêm.

 

Nguyên nhân của việc niêm yết giá USD, theo lời một số nhân viên bán điện thoại, máy tính, máy ảnh cho rằng. Với mức giá biến đổi liên tục, nếu niêm yết giá bằng VND thì lại phải cập nhật giá thường xuyên, như thế sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh.

Tượng cô gái Việt Nam trong tà áo dài có giá từ 3 USD - 6 USD (tỷ giá quy đổi 1 USD = 20.000 đồng) (Ảnh: Anh Minh)
 

Không chỉ có dịch vụ du lịch, mà nhiều cửa hàng lưu niệm, quán giải khát cũng niêm yết hoặc bán sản phẩm theo giá USD. Tượng cô gái Việt

Nam
trong tà áo dài làm bằng gỗ được bán trên phố Hàng Dầu gồm có 3 kích cỡ được bán với giá dao động từ 3 USD – 6 USD (tỷ giá quy đổi 1 USD= 20.000 đồng). Thậm chí các bức tranh nhỏ được bán trên các tuyến phố khác cũng được niêm yết hoàn toàn bằng giá USD, thấp thì từ 20 - 25 USD, nhưng cũng có những bức tranh có giá lên đến 100 USD – 150 USD.

Chị Thúy (Chủ cửa hàng lưu niệm) sau khi đọc rành rọt từng mức giá của một sốsản phẩm với giá USD tương ứng, cho hay: “Tôi không hề hay biết chuyện phạt như thế nào cả. Từ trước đến nay vẫn cứ bán song song cả giá Việt

Nam
và giá USD. Ở đây bán chủ yếu cho người Tây, nên phải có giá USD để họ còn biết mua, đáp ứng yêu cầu của khách mà”.

 

Qua khảo sát các điểm có niêm yết giá USD, chúng tôi được biết, tỷ giá USD được tính theo tỷ giá của Ngân hàng. Thời gian trước, 1 USD tương ứng với 20.000 đồng, nhưng hơn 1 tuần nay khi tỷ giá USD ở ngân hàng bật tăng, thì các chủ kinh doanh cũng “tát nước theo mưa”, đẩy giá quy đổi lên 21.000 đồng/USD.

 

 Menu niêm yết giá USD và giá tiền Việt Nam ở cửa một quán giải khát (Ảnh: Anh Minh)

Cách của hàng của chị Thúy không xa, ngay trước cửa một tiệm spa nhỏ, tờ catalogue được in bằng tiếng Anh với mức giá tính bằng USD cũng khiến chúng tôi không khỏi choáng ngợp. Theo lời nhân viên của Spa này, ví dụ mức giá của chăm sóc da mặt bằng mặt nạ Cavia áp dụng cho người Việt là 30 USD( nếu tính theo tiền Việt sẽ áp dụng tỷ giá 1 USD = 21.000 đồng). Trong khi, cùng dịch vụ trên, người nước ngoài sẽ phải chịu thêm 15% so với giá gốc.

Anh Đức Hùng (Phố Thụy Khuê – Hà Nội) tỏ ra bức xúc khi phải chấp nhận mua nhiều món đồ niêm yết giá USD. Điều này khiến anh cũng như nhiều người tiêu dùng nhận thấy gánh phần thua thiệt về mình. Bởi, cứ mỗi lần tỷ giá thay đổi, khách hàng sẽ phải chịu thiệt thêm một khoản nhất định.

 

“Trong khi, các sản phẩm phải nhập khẩu đều phải dùng đến USD, để mua USD phải chấp nhận giá cao nên niêm yết giá theo USD sẽ giúp người kinh doanh đón được tỷ giá nên sẽ đỡ được phần nào mức thiệt. Trong khi khách hàng cứ phải “cắn răng” để trả thêm khoản chi phí khi tỷ giá tăng’’, anh Hùng bức xúc.

 

Trao đổi với P/V VTC News, TS Lê Thẩm Dương (Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh – Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, tình trạng niêm yết giá USD, sử dụng đồng USD trong nhiều hoạt động kinh tế không phải là sùng ngoại tệ, mà nó xuất phát từ việc đồng tiền Việt Nam chưa mạnh, dẫn đến thói quen của một bộ phận dùng USD. Ngoài ra các biện pháp hành chính thiếu quyết liệt, chỉ kiểm tra mạnh một thời gian, rồi lại buông lỏng, khiến tình trạng này tái diễn.

 

‘’Vấn đề không phải là nhận thức hay người dân ham theo USD, mà nguyên nhân là do đồng Việt Nam chưa mạnh. Việc trước mắt là phải có chế tài cực mạnh và tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp niêm yết giá bằng USD”, TS Dương nhấn mạnh.

 

Còn về vấn đề tiêu USD trên đất Việt Nam, ông Dương cho rằng: “Việc làm này chẳng khác gì trả nợ thay cho người Mỹ. Thêm vào đó, là gây khó điều hành chính sách. Ngoài đồng Việt Nam, thêm vàng và USD nữa tham gia thị trường thì sẽ khiến tăng lạm phát”.

 

TS Dương chỉ rõ, đồng tiền mạnh là đồng tiền dựa trên nền sản xuất mạnh. Vì vậy biện pháp quan trọng nhất để nâng giá trị đồng Việt Nam là nâng cao hiệu quả của sản xuất, điều này sẽ quyết định mọi thứ. Ông Dương giải thích: “Đồng USD mạnh là sở dĩ, nếu phát hành ra 10 tờ USD sẽ có 10 mặt hàng để đổi, còn 10 tờ đồng Việt Nam được phát hành thì lại có một phần phụ thuộc hàng hóa nước ngoài”.

 

Theo TS Dương, vấn đề trước mắt cần làm là cần tăng cường công tác kiểm tra, thực thi các quy định nghiêm ngặt với chế tài mạnh, triệt để.


Anh Minh

Bình luận
vtcnews.vn