• Zalo

Những vụ thảm sát kinh hoàng của phát xít Đức trên đất Liên Xô

Tư liệuThứ Hai, 05/07/2021 09:20:57 +07:00Google News
(VTC News) -

Phát xít Đức và các nước tay sai từng tìm cách hủy diệt dân số Liên Xô với quy mô lớn chưa từng có.

Cuộc chiến tranh do Đức Quốc xã phát động chống lại Liên Xô mà một cuộc chiến hủy diệt. Nếu tại các quốc gia phương Tây bị chiếm đóng, những kẻ xâm lược còn làm ra vẻ văn minh với người dân địa phương, thì ở phía Đông, chúng không ngần ngại hành xử vô cùng tàn ác.

Những vụ thảm sát kinh hoàng của phát xít Đức trên đất Liên Xô - 1

Hình ảnh về vụ thảm sát Babi Yan năm 1941. Ảnh: Jewish Press

7,5 triệu người đã bị sát hại hàng loạt tại những vùng lãnh thổ của Liên Xô bị Đức Quốc xã chiếm đóng, trong đó có người Do Thái, người Digan, người cộng sản và những người dân bị nghi ngờ hỗ trợ cho các đội quân du kích. Đức Quốc xã sẵn sàng thiêu rụi một ngôi làng cùng toàn bộ người dân địa phương chỉ để trả thù cho một tên lính bị giết chết.

Gây ra tội ác chiến tranh này gồm có đơn vị bán quân sự chuyên biệt Einsatzgruppen (còn gọi là đội quân tử thần bán quân sự) của Đức Quốc xã được thành lập để tiêu diệt người Do Thái, đảng viên Bolshevik, lực lượng vũ trang SS (Waffen SS) và lực lượng vũ trang quân đội Đức Quốc xã. Chúng được sự hỗ trợ tích cực từ những kẻ hợp tác đến từ Baltic, Belarus, Ukraine và thậm chí cả người Nga.

Cuộc thảm sát Babi Yan

Vào ngày 19/9/1941, quân đội Đức Quốc xã chiếm Kiev – thủ đô của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Ukraine. 8 ngày sau đó, chúng bắt đầu thực hiện các cuộc hành quyết hàng loạt. 752 bệnh nhân của một bệnh viện tâm thần địa phương là những nạn nhân đầu tiên. Tiếp đến là người gốc Do Thái sống ở Kiev. Những người này bị yêu cầu phải tập trung tại hẻm núi Babi Yar ở tây bắc thành phố vào lúc 8h sáng ngày 29/9/1941 dưới vỏ bọc kê khai dân số và tái định cư. Bất cứ ai không phục tùng mệnh lệnh sẽ bị xử chết.

Hàng nghìn người đã gói gém hành lý và mang theo đồ đạc đi theo. Nhiều người trong số này thậm chí không biết rằng họ đang đi tới cõi chết. Những người đoán trước được số phận và cố gắng chạy trốn đã bị lính Đức dùng mọi cách kéo xuống khe núi. “Mẹ tôi đã cố gắng che chở cho chúng tôi hết sức có thể, để những phát súng bắn vào bà chứ không phải chúng tôi”, Genya Batasheva – một người sống sót trong cuộc thảm sát nhớ lại.

“Mọi người đau đớn, la hét điên loạn. Tôi nhìn thấy một đứa bé đang gào khóc trên mặt đất. Một tên lính tiến đến và dùng báng súng đập vào đầu nó. Sau đó, tôi cũng bất tỉnh và không nhớ chuyện gì đã xảy ra tiếp theo”.

Tại nơi hành quyết, chúng dồn các nạn nhân thành nhóm từ 30 đến 40 người đứng xếp hàng trên rìa khe núi và dùng súng máy bắn họ. Tiếng súng bị át bởi tiếng nhạc và âm thanh của máy bay bay qua khe núi. Nhiều trẻ em vẫn còn sống cũng bị chúng đẩy xuống phía dưới.

Trong các ngày 29 và 30/9, có 33.771 người đã bị hành quyết theo cách đó. Như vậy, chỉ trong hai ngày, quân xâm lược đã tiêu diệt gần như toàn bộ người Do Thái ở Kiev. Tính đến thời điểm Hồng quân Liên Xô giải phóng thành phố vào năm 1943, có khoảng 70.000 đến 200.000 người đã bị sát hại tại Babi Yar.

Cuộc thảm sát Khatyn

Sáng 22/3/1943, một đơn vị thuộc Tiểu đoàn 118 Schutzmannschaft (do Đức Quốc xã thành lập năm 1942, với thành phần chủ yếu là các cộng tác viên người Ukraine, các tù binh chiến tranh và binh sỹ quân đội Liên Xô đào ngũ…) ở khu vực Minsk, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Belarus đã bị lữ đoàn du kích mang tên “Uncle Vasya” phục kích. Trong cuộc đọ súng, một số lính Đức Quốc xã bị tiêu diệt, trong đó có Hans Welke, nhà vô địch môn cử tạ tại Thế Vận hội Olympic Berlin 1963, người mà Hitler yêu thích.

Những vụ thảm sát kinh hoàng của phát xít Đức trên đất Liên Xô - 2

Lính Đức Quốc xã đốt cháy làng Khatyn. Ảnh: Getty Images

Tiểu đoàn 118 cùng với Lữ đoàn Dirlewanger – đơn vị khét tiếng tàn bạo của lực lượng SS, đã lần theo dấu vết tháo chạy của quân du kích “Uncle Vasya” tới làng Khatyn. Sau cuộc giao tranh chóng vánh, ngôi làng ngay lập tức bị các đội quân tử thần của Đức Quốc xã bao vây.

Chúng đuổi người dân nơi đây ra khỏi nhà và dồn toàn bộ dân làng vào trong một nhà kho. Khi những tên lính Ukraine phóng hỏa đốt nhà kho thì người bên trong bắt đầu hoảng loạn. Họ la hét, khóc lóc, van xin và cố gắng phá những cánh cửa khóa chặt. Những người thoát được khỏi đám cháy ngay lập tức gặp phải làn đạn của súng máy.

Joseph Kaminsky – một nhân chứng kể lại: “Tôi và con trai 15 tuổi, Adam lúc đó đang ở gần bức tường. Những người còn sống lao qua như một cơn sóng, máu từ cơ thể những người bị thương và người chết chảy ra lênh láng. Mái nhà sập xuống. Tiếng kêu la ngày càng dữ dội. Những người bị thiêu sống quằn quại la hét”. Kaminsky may mắn sống sót dù bị bỏng nặng nhưng con trai ông đã thiệt mạng trong “hố địa ngục” đó.

149 người đã bị thiêu sống trong nhà kho ở làng Khatyn, trong số này có 75 trẻ em và nạn nhân nhỏ nhất là Tolik Yaskevich, mới được 7 tuần tuổi.

Grigory Vasyura, chỉ huy của Tiểu đoàn 188 – kẻ ra lệnh thực hiện vụ hành quyết này đã cố gắng che giấu tội ác của hắn và sống thầm lặng ở Liên Xô nhiều năm sau dưới vỏ bọc là một cựu chiến binh. Mãi đến năm 1986, tên tội phạm chiến tranh 71 tuổi này mới bị phát giác và bị kết án tử hình.

Khatyn không phải là ngôi làng đầu tiên hoặc cuối cùng của Liên Xô bị quân Đức xóa sổ trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Nhưng nó đã trở thành một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất minh chứng cho sự tàn ác của Đức Quốc xã tại các vùng lãnh thổ chúng chiếm đóng.

Cuộc thảm sát Koryukovka

Vào đêm 27/2/1943, đội quân du kích do đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô Alexei Fedorov dẫn đầu đã phục kích và tấn công quân Hungary đóng tại làng Koriukivka, tỉnh Chernihiv thuộc Ukraine. Trong cuộc tấn công này, quân du kích đã tiêu diệt 78 tên địch, bắt giữ 8 tên khác, phá hủy một xưởng gỗ, văn phòng chỉ huy, ga tàu, một cây cầu và 1 kho nhiên liệu, đồng thời thả hơn 100 tù nhân.

Để trả đũa, những kẻ xâm lược không nhắm mục tiêu vào các thành viên của Đảng Cộng sản Liên Xô mà là người dân tại Koryukovka. Vào ngày 1/3, lực lượng vũ trang SS, các đơn vị của Sư đoàn 105 Hungary và cảnh sát hỗ trợ người Ukraine đã tạo gọng kìm bao vây khu dân cư.

Với danh nghĩa kiểm tra giấy tờ, các đội tử thần đã vào nhà và bắn chết nhiều người dân. Những người khác bị nhốt ở bên ngoài nhà của họ và bị thiêu sống. Nhà hát, trường học, nhà hàng và bệnh xá địa phương đều trở thành địa điểm diễn ra các vụ hành quyết hàng loạt. Có khoảng 500 người đã chạy đến nhà thờ với hy vọng trốn thoát, nhưng cuối cùng họ cũng bị sát hại cùng với vị linh mục.

Mọi người bị lùa giống như gia súc bị lùa vào lò mổ. Một tên phát xít đã bắn vào mắt tôi ... Tôi không nhớ gì nữa. 3 đứa con nhỏ của tôi đều bị giết hại. Tôi thậm chí không thể chôn cất chúng. Những kẻ sát nhân tàn ác đã thiêu chúng”, Yevgeny Rymar – một nhân chứng nhớ lại.

Trong hai ngày, chúng đã phá hủy cả ngôi làng, thiêu rụi 1.390 ngôi nhà và sát hại khoảng 6.700 người (trong đó có 5.612 thi thể không thể xác định được). Những con số này khiến vụ thảm sát Koryukovka trở thành một trong những tội ác chiến tranh kinh hoàng nhất của Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Hai tuần sau đó, Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng ngôi làng này, nhưng hầu như không còn ai sống sót để chào đón họ./.

Hồng Anh(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn