Trong năm 2013, Quân đội Việt Nam đã và chuẩn bị đưa vào hoạt động một số trang thiết bị quân sự hiện đại được tự chế trong nước, cũng như tiếp thêm sức mạnh bằng những hệ thống vũ khí tiên tiến từ nước ngoài.
Chúng ta cùng điểm lại những vũ khí khủng được quân đội trang bị trong năm 2013.
1. Tàu ngầm Kilo Hà Nội
Nổi bật nhất trong tất cả những loại vũ khí mới được Việt Nam tiếp nhận trong năm 2013, đó là HQ-182 Hà Nội - chiếc tàu ngầm diesel-điện thuộc Project 636.1 đầu tiên được nhà máy đóng tàu Admiralty Verfi của Nga cung cấp cho Hải quân Việt Nam.
Ngày 7/11 vừa qua, Hải quân Việt Nam đã chính thức ký biên bản tiếp nhận tình trạng kỹ thuật của tàu ngầm Hà Nội.
Ngày 15/11, tàu ngầm Hà Nội chính thức được đưa lên tàu vận tải Rolldock Sea của Hà Lan và bắt đầu hành trình về Việt Nam theo lộ trình từ St Petersburg, qua biển Baltic, biển Bắc, Đại Tây Dương, cảng Tenerife (Tây Ban Nha), mũi Hảo Vọng (Nam Phi), lên Ấn Độ Dương, qua Singapore, Biển Đông và cập cảng Cam Ranh (Việt Nam).
Việt Nam chuẩn bị tiếp nhận tàu ngầm Hà Nội. |
Project 636.1 Kilo là lớp tàu ngầm thông thường thế hệ thứ ba, có lượng giãn nước tiêu chuẩn 3.100 tấn, tốc độ di chuyển dưới nước 20 hải lý/giờ, khả năng lặn sâu tối đa 300m và được vận hành bởi đoàn thủy thủ gồm 52 người.
Tàu được trang bị 6 máy phóng ngư lôi 533 mm, mìn, tên lửa phòng không Igla và tên lửa hành trình Caliber đạt tầm bắn xa 300km.
Theo các chuyên gia Nga, ở các tàu ngầm Kilo của Việt Nam, lần đầu tiên được áp dụng một số công nghệ tối tân mới như hệ thống hỗ trợ sự sống cho thủy thủ đoàn, hệ thống điện tử nâng cấp và máy tính xử lý mới.
Công nghệ chế tạo lớp gạch cao su phủ ngoài thân tàu đã giúp tàu có khả năng tàng hình và được các chuyên gia quân sự phương Tây ví như một "hố đen dưới đại dương".
Việc tiếp nhận tàu ngầm Kilo sẽ mở ra một trang sử mới cho Hải quân Việt Nam trong năm 2013, chính thức khai sinh lực lượng tàu ngầm hiện đại, góp phần tăng cường sức mạnh chiến đấu, bảo vệ biển, đảo, lãnh hải của tổ quốc.
2. Thủy phi cơ Twin Otter
Trong khi tàu ngầm Kilo hoạt động thoắt ẩn thoắt hiện dưới mặt nước thì DHC-6 Twin Otter lại được ví như những "mắt thần trên không", tham gia hỗ trợ hoạt động cho tàu ngầm.
Trong năm 2010, Hải quân Việt Nam đã đặt mua 6 thủy phi cơ loại này từ công ty Virking Air của Canada.
Việt Nam đã nhận chiếc thủy phi cơ Twin Otter đầu tiên và sắp sửa nhận 5 chiếc còn lại. |
Chiếc thủy phi cơ DHC-6 mang số hiệu VNT-777 VIP được trang bị cho lực lượng Không quân Hải quân nhân dân Việt Nam, có tốc độ bay tối đa trên 300km/h; tầm hoạt động xa nhất có thể lên tới 1.832km.
3. Tàu tên lửa Molniya
Trong năm 2013, Việt Nam đã hạ thủy thành công và tiến hành thử nghiệm 2 tàu tên lửa cao tốc nội địa Project 1241.8 Molniya, tiến tới dần dần làm chủ công nghệ đóng tàu chiến hiện đại theo dây chuyền của Nga.
Hiện tại, 2 tàu tên lửa Molniya đầu tiên mang tên M1 và M2 do Việt Nam tự đóng, đã bắt đầu chạy thử nghiệm mang theo tên lửa Kh-35E trên biển. Giới truyền thông Nga cho rằng, cả 2 tàu này sẽ được Hải quân Việt Nam nhận vào trang bị cuối tháng 12/2013.
Nhà máy đóng tàu Ba Son ở TP.HCM đảm nhận công việc đóng tất cả 6 tàu tên lửa Molniya (tính cả 2 tàu M1 và M2), hiện nay, 4 tàu Molniya tiếp theo đang ở các giai đoạn đóng khác nhau trong nhà máy và theo kế hoạch sẽ được bàn giao đầy đủ cho Hải quân Việt Nam vào năm 2015.
Tàu tên lửa Molniya do Việt Nam tự đóng đang thử nghiệm trên biển với tên lửa chống hạm Kh-35E |
Tàu tên lửa Molniya được trang bị 16 ống phóng tên lửa chống hạm cận âm Kh-35 Uran-E đạt tầm bắn xa 130km, 01 pháo hạm 76mm AK-176M, 02 ụ pháo phòng thủ tầm gần 6 nòng 30mm AK-630 và tên lửa phòng không Igla.
Nhờ ưu điểm thiết kế nhỏ gọn, kết hợp tốc độ cao và hệ thống vũ khí mạnh, Molniya được coi là sát thủ diệt hạm chủ lực trên biển của Hải quân Việt Nam.
4. Tàu cảnh sát biển đa năng DN-2000
Sau một thời gian dài được hạ thủy và thử nghiệm trên biển, cuối tháng 11 vừa qua, Cảnh sát biển Việt Nam đã chính thức tiếp nhận tàu tuần tra hiện đại nhất Đông Nam Á mang tên DN-2000 (số hiệu 8001).
Được thiết kế để hoạt động ổn định ở điều kiện sóng gió cấp 9, có thể kéo các tàu khác có độ giãn nước hàng nghìn tấn trên biển, DN 2000 là tàu Cảnh sát biển cỡ lớn đầu tiên được đóng mới hoàn toàn tại Việt Nam theo dây chuyền công nghệ của hãng đóng tàu DAMEN (Hà Lan).
Tàu CSB DN-2000 có chiều dài 90m, rộng 14m và độ cao mạn tàu 7m. Khi hoạt động trên biển, tàu có thể đạt tốc độ tối đa 21 hải lý một giờ và tầm hoạt động đạt 5.000 hải lý (hơn 9.000km). Tầm kiểm soát và hoạt động của tàu còn được nâng cao nhờ việc mang theo một máy bay trực thăng hải quân Ka-28 (Nga) và các trang bị đi kèm.
DN-2000 là tàu cảnh sát biển hiện đại nhất ở Đông Nam Á hiện nay |
DN-2000 và tàu tên lửa Molniya được coi là 2 kết quả thành công đáng ghi nhận của ngành công nghiệp đóng tàu Việt Nam trong những năm gần đây, mà chiến lược khôn ngoan nhất là mua bản thiết kế nước ngoài và cùng đóng tàu với các chuyên gia để tiết kiệm chi phí đồng thời phát triển công nghiệp đóng tàu quân sự vốn còn lạc hậu.
5. Máy bay tuần thám C-212-400
Giữa tháng 7/2013, Lữ đoàn Không quân 918, Quân chủng Phòng không – Không quân đã chính thức tiếp nhận chiếc máy bay tuần thám biển CASA C-212-400 thứ 3 mang số hiệu 8983 của lực lượng Cảnh sát biển.
CASA C-212-400 số hiệu 8983 cũng là chiếc máy bay tuần thám cuối cùng trong hợp đồng mua 3 máy bay loại này được Việt Nam ký kết với Tập đoàn hàng không Airbus của châu Âu (chi nhánh sản xuất Tây Ban Nha).
Việt Nam chính thức vận hành đủ 3 máy bay tuần thám biển hiện đại C-212-400. |
Máy bay có thể bay ở tốc độ và độ cao thấp do đó tạo ra khả năng cơ động tuyệt vời cho nhiệm vụ giám sát trên biển hoặc trên đất liền. Đây cũng là loại máy bay thích ứng tốt với các điều kiện nhiệt độ, khí hậu và thời tiết.
C-212-400 được tích hợp thiết bị tuần thám MSS-6000 (gồm hai radar đặt hai bên thân máy bay) và thiết bị quan sát quang điện hỗn hợp FLIR cho phép tìm kiếm, theo dõi mục tiêu đa chế độ bất kể ngày đêm, nhận dạng tàu bè hoạt động trên biển.
Ngoài ra, máy bay còn có khả năng mang 500kg vũ khí ở hai giá treo trên cánh gồm: rocket không điều khiển, súng máy tự động hoặc ngư lôi hạng nhẹ.
Theo Đất Việt
Bình luận