Trong năm 2014, nhiều vụ án oan được phát hiện gây chấn động dư luận.
Được minh oan sau 10 năm lĩnh án tù chung thân
Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn được phát hiện vào năm 2013. Tuy nhiên, cho tới nay, dư luận không vẫn không khỏi bàng hoàng về vụ án chấn động này. Sau khi ông chấn được trả tự do, hung thủ thực sự được đưa ra xét xử, nhiều cán bộ ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án bị khởi tố…
Trước đó, ngày 15/8/2003, tại thôn Me, xã Nghĩa Chung, Huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã xảy ra vụ án giết người rúng động. Nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Sau đó, ông Chấn bị bắt, rồi bị TAND tỉnh Bắc Giang, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên án tù chung thân về tội Giết người.
Trong quá trình ở trại giam, ông Nguyễn Thanh Chấn đã có một số lần kêu oan, Ban giám thị trại giam đã gửi đến các cơ quan liên quan, trong đó có Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án tối cao xem xét.
Ông Nguyễn Thanh Chấn ngày được trả tự do. |
Bà Nguyễn Thị Chiến là vợ của ông Nguyễn Thanh Chấn cũng có đơn kêu oan cho chồng. Nội dung đơn cho rằng, thủ phạm gây ra vụ án giết người vào đêm 15/8/2003 là Lý Nguyễn Chung (cùng trú tại thôn Me) chứ không phải là ông Nguyễn Thanh Chấn.
10 năm sau, ngày 25/10/2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan. Từ đó, ông Nguyễn Thanh Chấn được minh oan.
Hội đồng tái thẩm (TAND Tối cao) đã tuyên hủy bản án của 2 phiên tòa phúc thẩm và sơ thẩm có hiệu lực từ gần 10 năm trước. Đó là 2 phiên tòa đã tuyên ông Chấn tù chung thân về tội "giết người". Ngày 4/11/2013, ông Chấn được trả tự do. Mặc dù vậy, lúc này ông vẫn là bị can trong vụ án.
Sáng 25/1/2014, tại trụ sở UBND xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, Tỉnh Bắc Giang, Cơ quan điều tra (Bộ Công an) đã đọc quyết định đình chỉ điều tra đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Sau quyết định đình chỉ điều tra bị can này, người tù oan 10 năm mới chính thức không còn liên quan đến vụ án.
Hiện nay, ông Chấn đang chờ đợi quyết định bồi thường từ các cơ quan chức năng cho 10 năm ngồi tù oan. Trong khi đó, dự kiến vào đầu tháng 3/2015 tới đây, TAND tỉnh Bắc Giang sẽ mởi lại phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Lý Nguyễn Chung về tội Giết người và Cướp tài sản. Trước đó, các phiên tòa diễn ra vào tháng 9/2014 và tháng 2/1015 đã phải tạm hoãn.
Liên quan đến vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, nhiều cán bộ điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án đã bị kỷ luật hoặc bị khởi tố, bắt tạm giam.
Đáng chú ý, ngày 30/9/2014, Cục Điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm (65 tuổi, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo kêu oan của ông Nguyễn Thanh Chấn) để điều tra về hành vi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Chấp hành xong án tù mới được minh oan
Cũng liên quan đến một vụ án xảy ra tại Bắc Giang, tháng 9/2014, TAND Tối cao đã quyết định giám đốc thẩm đối với vụ án bà Đỗ Thị Hằng (60 tuổi, phường Mỹ Độ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang).
Theo đó, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao đã ra quyết định hủy bản án hình sự sơ thẩm số 72/HSST ngày 24/3/1998 của TAND tỉnh Bắc Giang để điều tra lại tội “Mua bán phụ nữ” đối với bà Đỗ Thị Hằng.
Sau khi ra tù được 12 năm thì bà Đỗ Thị Hằng mới được minh oan. |
Theo bản án số 72/HSST nói trên, vào tháng 9/1994, lợi dụng việc chị Dương Thị Liễu (ngụ xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) mâu thuẫn gia đình, bỏ nhà đi nên Phạm Văn Ngọ và Hoàng Hồng lừa bán chị này sang Trung Quốc với giá 1,2 triệu đồng.
Việc lừa bán chị Liễu sang Trung Quốc có vai trò của Đỗ Thị Hằng khi Hằng trực tiếp đưa Ngọ, Hồng và Liễu sang Trung Quốc. Hằng được chia 400.000 đồng. Khi vụ việc bị phát hiện, Đỗ Thị Hằng bỏ trốn và bị bắt theo lệnh truy nã. Ngọ và Hồng bị xét xử trước đó.
Cũng theo bản án, bà Đỗ Thị Hằng còn bị kết tội đã lừa anh Phan Văn Phương (ngụ cạnh nhà) 20 kg gạo và 400.000 đồng; vay của chị Khổng Thị Mỹ 300.000 đồng rồi chi tiêu hết, cố tình lẩn tránh không trả.
Bà Hằng bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 5 năm tù giam về tội “Mua bán phụ nữ” và 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân”. Ngày 16/4/2002 bà được thả tự do sau khi chấp hành xong bản án.
Sau khi ra tù, bà Hằng đã làm đơn đến nhiều cấp có thẩm quyền để kêu oan vì cho rằng bà bị các cơ quan tố tụng Bắc Giang bắt nhầm và truy tố nhầm.
Đến năm 2012, bà Hằng tình cờ gặp lại chị Dương Thị Liễu. Quá sửng sốt trước sự nhầm lẫn trên của cơ quan chức năng, chị Liễu đã ra UBND xã Hoàng Vân, nơi mình cư trú làm một bản xác nhận, năm 1994 chị bị Ngọ và Hồng đưa đi Trung Quốc bán nhưng không hề biết bà Đỗ Thị Hằng là ai.
Chị Liễu đề nghị cơ quan chức năng sớm minh oan cho bà Hằng và sẵn sàng chịu trách nhiệm về xác nhận của mình trước cơ quan pháp luật.
Hội đồng giám đốc thẩm nhận thấy, tòa án cấp sơ thẩm chỉ dựa trên lời khai của Ngọ và lời khai của bà Hằng tại cơ quan điều tra. Tại phiên tòa sơ thẩm bà Hằng đã kêu oan và cho rằng mình chưa bao giờ đi Trung Quốc cùng Ngọ. Bà Hằng đã ký vào các bản cung nhưng không được cơ quan điều tra cho đọc lại nội dung.
Quyết định giám đốc thẩm của TAND Tối cao cho rằng vụ án có một số mâu thuẫn cần phải được điều tra, xác minh xem bà Liễu có biết bà Hằng hay không và việc bà Liễu gửi đơn kêu oan cho bà Hằng có bị tác động gì hay không?
Trước đó, vào tháng 4/2014, VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án sơ thẩm trên của TAND tỉnh Bắc Giang, đề nghị TAND Tối cao xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Bắc Giang để điều tra lại vụ án vì chưa đủ căn cứ vững chắc để kết tội bà Hằng.
Án oan ngay giữa Hà Nội
Giữa tháng 11/2014, thêm một vụ án oan được Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao làm rõ. Người bị oan trong vụ án này là anh Vũ Ngọc Dương (27 tuổi, trú tại Khâm Thiên, quận Đống Đa, Hà Nội).
Trong vụ án này, anh Vũ Ngọc Dương đã bị chính dì ruột của mình là bà Dương Diệu Thu làm giả hồ sơ, chứng từ rồi mượn tay các cơ quan pháp luật đẩy anh vào vòng lao lý.
Hậu quả, từ một nhân viên ngân hàng, tháng 9/2013, anh Vũ Ngọc Dương bị tạm giam, bị 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên phạt 30 tháng tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Sự việc xuất phát từ việc anh Vũ Ngọc Dương vay của ông Nguyễn Văn Hiền chồng bà Dương Diệu Thu 50 triệu đồng nhưng chưa trả.
Bà Dương Diệu Thu đã lập mưu, cấu kết với bà Nguyễn Thị Thanh Vân thực hiện hành vi làm giả giấy tờ tài liệu, vu khống anh Dương chiếm đoạt tiền tài trợ của Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh (Hà Nội) - nơi bà Thu đang công tác - với mục đích lấy lại số tiền anh Dương đã vay.
Bộ hồ sơ giấy tờ giả đã được bà Dương Diệu Thu nộp cho Trung tâm dạy nghề và hướng nghiệp nhân đạo Đông Anh và trung tâm này đã làm đơn tố cáo anh Vũ Ngọc Dương gửi Cơ quan điều tra Công an huyện Đông Anh về hành vi lợi dụng tư cách tình nguyện viên của trung tâm để chiếm đoạt tiền tài trợ.
Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án này, Cơ quan điều tra công an huyện Đông Anh đã gửi các giấy tờ này cùng với mẫu chữ viết của anh Dương tới Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an thành phố Hà Nội để tiến hành giám định và được trả lời là các giấy tờ này do chính một người viết ra.
Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng đã căn cứ vào bản kết luận giám định này và lời khai của các nhân chứng để kết tội anh Vũ Ngọc Dương và tuyên phạt mức án 30 tháng tù.
Tại 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm anh Vũ Ngọc Dương liên tục kêu oan nhưng không được tòa chấp nhận.
Sau phiên tòa phúc thẩm anh Dương và gia đình đã làm đơn tố cáo gửi Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao với nội dung các cơ quan tiến hành tố tụng đã cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, căn cứ vào các hồ sơ tài liệu giả mạo để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kết án oan cho anh Dương.
Nhận thấy vụ án có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã vào cuộc.
Khi điều tra vụ án này, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã gửi toàn bộ giấy tờ mà các cơ quan tiến hành tố tụng trước đây lấy làm căn cứ kết tội anh Dương đến Phòng giám định kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng để trưng cầu giám định lại. Kết quả được khẳng định đây là giấy tờ giả, không phải do một người viết ra.
Ngoài căn cứ là bản kết luận trưng cầu giám định, thì bản thân bà Dương Diệu Thu và bà Nguyễn Thị Thanh Vân cũng đã khai nhận hành vi làm giả giấy tờ tài liệu.
Ngoài việc vu khống anh Vũ Ngọc Dương chiếm đoạt số tiền tài trợ 100 triệu đồng, bà Thu, bà Vân còn làm giả các giấy tờ vay nợ để chiếm đoạt của gia đình anh Dương tổng cộng 297 triệu đồng.
Với những chứng cứ thu thập được trong quá trình điều tra, đủ cơ sở kết luận anh Vũ Ngọc Dương bị kết án oan, vì vậy tháng 11/2014, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định kháng nghị bản án hình sự phúc thẩm số 565 ngày 10/9/2013 của tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội đối vơi anh Vũ Ngọc Dương.
VKSND Tối cao cũng đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm nêu trên và bản án sơ thẩm đối với Vũ Ngọc Dương để điều tra lại vụ án theo quy định của pháp luật.
Đà Long(tổng hợp)
Bình luận